Dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong-un, Triều Tiên đã bắn 21 tên lửa đạn đạo kể từ đầu năm nay, một số lượng chưa từng có khiến các nước lân cận và cộng đồng quốc tế phản ứng dữ dội.
“Những tiến triển trong năng lực tên lửa của Triều Tiên diễn ra nhanh hơn dự đoán” - một chỉ huy quân đội cấp cao của Nhật Bản cho hay. Vị quan chức cảnh báo rằng trong khi đó “khả năng của hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại của Nhật Bản vẫn còn hạn chế”.
Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot được triển khai tại Bộ Quốc phòng Nhật Bản ở Tokyo. Ảnh: Reuters
Việc nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Nhật Bản theo kế hoạch bắt đầu vào tháng 4 năm nay là sớm nhất, trong khi việc triển khai hệ thống mới với khả năng phá hủy tên lửa đối phương có thể mất nhiều năm mới hoàn tất.
Trước những khó khăn trong kế hoạch sản xuất và hạn chế về ngân sách, Nhật Bản có thể phải dựa vào Mỹ nhiều hơn để bảo vệ nước này trước các cuộc tấn công. “Lựa chọn duy nhất của chúng tôi hiện nay là dựa vào Mỹ để ngăn chặn Triều Tiên” -nguồn tin của lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) cho biết.
Mối đe dọa Musudan
Tokyo và Bình Nhưỡng đã dính vào một cuộc chạy đua vũ trang kể từ năm 1998 khi Triều Tiên bắn một tên lửa đạn đạo bay qua Nhật Bản và rơi xuống Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản ở Thái Bình Dương vào tháng 8-1998.
Tháng 6 năm nay, Triều Tiên đã bắn một tên lửa Musudan tầm trung với đường bắn cao 1.000 km so với mặt nước biển, đánh dấu một bước đột phá mà có thể cho phép loại tên lửa này vượt qua tầm kiểm soát của hệ thống phòng thủ Aegis trên các tàu khu trục của Tokyo hoạt động ở Biển Nhật Bản.
Do đó, hệ thống phòng thủ tên lửa PAC-3 (Patriot) cũ hơn sẽ trở thành lá chắn cuối cùng cho các thành phố chính của Nhật Bản, trong đó có thủ đô Tokyo. Một chương trình trị giá 1 tỉ USD để nâng cấp tầm bắn và độ chính xác của các tên lửa này sẽ bắt đầu sau tháng 3-2017 và hệ thống đầu tiên chỉ có thể sẵn sàng vào năm 2020 khi nước này đăng cai thế vận hội Olympics.
Hình ảnh một tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm của Triều Tiên được hãng thông tấn Triều Tiên KCNA công bố vào ngày 24-4-2016. Ảnh: Reuters/KCNA
Các tên lửa của Triều Tiên như Rodong, với tầm bắn 1.300 km, di chuyển với vận tốc 3 km/giây. Tuy nhiên, loại tên lửa Musudan, với tầm bắn hơn 3.000 km, có thể đạt vận tốc lên tới 21 km/giây, quá nhanh so với các tên lửa phòng thủ Patriot của Nhật Bản.
Đối mặt trước mối đe dọa của tên lửa Musudan, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng lên kế hoạch cải thiện năng lực tên lửa SM-3 trên các tàu có hệ thống Aegis hoạt động. Các nguồn tin hiện đặt nghi vấn về việc SM-3 có thể đánh chặn tên lửa Musudan của Triều Tiên hay không.
Một biến thể mạnh hơn của SM-3 được phát triển chung bởi Mỹ và Nhật Bản đang trong giai đoạn hoàn thành. Nhật Bản có kế hoạch sẽ mua biến thể đầu tiên trong năm tới. Tuy nhiên, thông tin về giá cả và thời điểm triển khai tên lửa mới này vẫn chưa được tiết lộ.
Về dài hạn, Nhật Bản đang cân nhắc việc mua Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ) để tăng thêm một lá chắn cho hệ thống phòng thủ tên lửa của nước này. Tuy nhiên, các nguồn tin cho rằng các kế hoạch trên sẽ mất vài năm do thời gian cần thiết để nghiên cứu công nghệ, ngân sách, xây dựng và tích hợp các hệ thống.
Nhờ "lá chắn" của Mỹ
Trong bối cảnh Nhật Bản đang phải chật vật để nâng cấp hệ thống phòng thủ của nước này, Mỹ đang tăng cường giúp đỡ Hàn Quốc. Tuần trước, Mỹ cam kết sẽ đẩy nhanh kế hoạch triển khai hệ thống THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc.
Nhật Bản sẽ dựa vào Mỹ để bảo vệ lãnh thổ nước này trước mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên. Ảnh: Reuters
Người phát ngôn Lầu Năm Góc Gary Ross gần đây cho biết Mỹ tái khẳng định cam kết “bọc thép” để bảo vệ cả Hàn Quốc và Nhật Bản nhờ vào “năng lực quân sự của Mỹ, gồm năng lực phòng thủ tên lửa, hạt nhân và truyền thống”. “Chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ những nỗ lực của Hàn Quốc và Nhật Bản trong việc tăng cường năng lực quốc phòng để đối phó mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên”.
Nhật Bản hiện có bốn tàu khu trục có trang bị hệ thống phòng thủ Aegis với tổng cộng tám tên lửa SM-3 mỗi tàu. Tuy nhiên, hai trong số bốn tàu này hiện đang bảo trì. Do đó, Tokyo chỉ còn hai tàu loại này đang hoạt động để đối phó mối đe dọa tên lửa từ Bình Nhưỡng.
Ông Ross cho biết “sự hợp tác với các tàu Aegis của Mỹ tại Nhật Bản là cần thiết” vào lúc này. Lực lượng quân sự Mỹ đang tăng cường đi vào khu vực. Như một phần trong kế hoạch tăng cường hiện diện tại khu vực trước các vụ thử tên lửa của Triều Tiên, Mỹ đã tăng số tàu Aegis tuần tra quanh khu vực lên đến 10 tàu. Số tàu Aegis phục vụ cách đây hai năm là bảy.
Tuy nhiên, liệu số tàu Aegis trên của Mỹ có thật sự đủ để đối phó các mối đe dọa từ Triều Tiên hay không vẫn chưa rõ. “Công nghệ tên lửa đạn đạo Triều Tiên đang phát triển từng ngày và bất cứ khi nào chúng ta nâng cao năng lực thì họ lại cải thiện năng lực của họ” - theo một nguồn tin khác của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF).