Nhặt được CCCD, có nên đăng lên mạng tìm người đánh rơi?

(PLO)- Việc đăng tải CCCD hay các giấy tờ tùy thân của người khác bị đánh rơi lên mạng xã hội dù là với mục đích tốt vẫn có thể gây ra những hệ lụy xấu. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Việc người dân đánh rơi căn cước công dân (CCCD) hoặc chứng minh nhân dân (CMND) không phải là chuyện lạ.

Anh L.X.D (TP.HCM) cho biết mới đây anh nhặt được một thẻ CCCD đánh rơi tại khu vực đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, TP.HCM). Vì không biết phải làm thế nào, anh đã gửi lại thẻ CCCD đó tại chốt trực của đơn vị cảnh sát giao thông trên đường để tìm cách trả lại cho chủ sở hữu.

Anh N.T.N (TP.HCM) kể rằng cách đây vài tháng cũng nhặt được một thẻ CCCD bị đánh rơi. Khi đó, anh N. nhặt được một chiếc ví bị rơi trên đường tại quận Tân Bình. Ngoài CCCD, chiếc ví còn có một tấm thẻ giới thiệu có đề số điện thoại của chủ nhân chiếc ví. “Lần đó cũng phải mất thời gian hỏi xem người bên kia điện thoại họ tên gì, trong ví có những thứ gì thì tôi mới an tâm trả lại CCCD cũng như những thứ khác” – anh N. kể.

Bên cạnh anh D. và anh N., một số hội nhóm được lập trên mạng xã hội để tìm kiếm chủ nhân của tài sản, các giấy tờ tùy thân bị đánh rơi. Các nhóm này có mục đích tốt là để giúp đỡ những khổ chủ nhanh chóng tìm lại giấy tờ tùy thân. Tuy nhiên, việc đăng tải các giấy tờ ấy có thể gây ra nhiều hậu quả không hay cho chủ nhân của chúng.

Một bài viết tìm người đánh rơi CCCD từ một hội nhóm trên mạng xã hội với đầy đủ các thông tin cá nhân của người bị đánh rơi CCCD. Những thông tin này đã được phóng viên che mờ. Ảnh: MINH HOÀNG

Một bài viết tìm người đánh rơi CCCD từ một hội nhóm trên mạng xã hội với đầy đủ các thông tin cá nhân của người bị đánh rơi CCCD. Những thông tin này đã được phóng viên che mờ. Ảnh: MINH HOÀNG

Điều đáng nói, nhiều bài đăng đã không chú ý che đi những thông tin trên thẻ CCCD như số CCCD, mã QR code, hình ảnh cá nhân... Điều này sẽ tạo cơ hội cho kẻ gian dễ dàng lấy trộm và giả mạo thông tin cá nhân trên đó. Ngoài ra, việc đăng tải các thông tin riêng tư của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó cũng có thể bị xử phạt theo quy định.

Vậy khi nhặt được các loại giấy tờ tùy thân như CCCD, người dân cần phải làm gì để vừa có thể giúp đỡ người bị mất, vừa tránh những phiền toái có thể xảy ra?

Trao đổi với PV, một cán bộ công an tại một phường ở quận Tân Bình cho biết khi nhặt được các giấy tờ tùy thân bị đánh rơi, người dân cần đưa đến trình báo cho cơ quan công an tại khu vực đó nếu như không thể liên lạc với chủ nhân của CCCD.

Đơn vị công an khi đó sẽ tiếp nhận thông tin và thông báo cho người bị mất. CCCD hay các giấy tờ tùy thân khác sẽ được gửi trả về người bị mất theo địa chỉ trên CCCD hoặc địa chỉ nơi ở thực tế.

Đối với người đánh rơi CCCD, người đó cần trình báo ngay lập tức với công an khu vực sinh sống. Đồng thời, cần đăng ký làm thủ tục cấp mới thẻ CCCD theo điều khoản 2 Điều 23 Luật CCCD.

Bên cạnh đó, cán bộ này cũng cho rằng việc đăng tải các thông tin giấy tờ lên mạng là không đúng vì như thế sẽ có khả năng làm lộ lọt các thông tin cá nhân của chủ giấy tờ, tạo điều kiện cho tội phạm hoạt động. Các thông tin cá nhân này gồm hình ảnh, mã QR code, các thông tin cá nhân khác như nơi thường trú, số CCCD...Nếu lọt vào tay kẻ xấu thì sẽ bị lấy những thông tin này mở khoản vay tiền qua app khiến người có CCCD đó có nguy cơ gặp rắc rối.
Hơn nữa, việc chụp và công khai các thông tin cá nhân như vậy có thể bị xem xét xử phạt.

Thực tế, Nghị định 15/2020 đã quy định việc đăng tải các thông tin cá nhân như vậy có thể bị xử phạt. Cụ thể, điểm e khoản 3 điều 102 của nghị định này, hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật có thể bị xử phạt từ 10 triệu đến 20 triệu đồng đối với các tổ chức. Với cá nhân, mức phạt sẽ là từ 5 triệu đến 10 triệu đồng.

Tuy nhiên, nếu như người nhặt được các loại giấy tờ muốn nhanh chóng tìm trả cho khổ chủ, người nhặt có thể đăng tải các thông tin như họ và tên, năm sinh và nơi nhặt được lên mạng xã hội, miễn là không được chụp hình nguyên thẻ CCCD và đăng tải tất cả các thông tin trên đó lên mạng.

Công an khuyến cáo: Không đăng tải, chia sẻ hình ảnh CCCD lên mạng xã hội

Tháng 6-2022, Cục Cảnh sát Hình sự (C02, Bộ Công an) đã từng phát đi cảnh báo tới người dân, đề nghị mọi người cảnh giác với hành vi thu thập, mua bán trái phép thông tin cá nhân thông qua CCCD, CMND hoặc tài khoản ngân hàng.

Thủ đoạn hoạt động phạm tội nổi lên bao gồm việc lợi dụng sơ hở của người dân trong việc chia sẻ hình ảnh CCCD, CMND, hộ khẩu trên mạng xã hội (Zalo, Facebook...) và sử dụng vào việc đăng ký sử dụng các dịch vụ online như mua hàng, xin việc, vay tiền để đánh cắp thông tin cá nhân của người dân.

Ngoài ra là lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, đối tượng đưa ra nhiều lý do, xin chụp ảnh chân dung, chụp ảnh CCCD, CMND (có thể trả cho người dân từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng trên mỗi CCCD, CMND được chụp), hoặc các đối tượng thuê, mua tài khoản ngân hàng của người dân.

Sau khi có thông tin dữ liệu cá nhân, tài khoản ngân hàng của người dân, các đối tượng bán thông tin cho các đối tượng khác (kể cả người nước ngoài) để sử dụng vào mục đích phạm tội, vi phạm pháp luật như: làm giấy tờ giả để mở tài khoản lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các khoản vay vốn của các ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty tài chính; chuyển nhận tiền đánh bạc, tổ chức đánh bạc; giả mạo, giả danh cán bộ Công an, Toà án, Viện kiểm sát, hải quan, thuế... gọi điện đe doạ yêu cầu chuyển tiền để phục vụ công tác điều tra hoặc làm quen qua mạng xã hội hứa hẹn gửi quà, tiền đánh vào lòng tham của người dân rồi yêu cầu họ chuyển tiền phí, lệ phí và tiền “bôi trơn” vào tài khoản ngân hàng do chúng chỉ định để chiếm đoạt...

Cảnh sát đánh giá phần lớn những người cho thuê, cho mượn thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng không biết việc sử dụng thông tin, tài khoản để thực hiện hành vi phạm tội. Tuy nhiên có trường hợp dù biết rõ nhưng vì hám lợi vẫn tiếp tay, tạo cơ hội cho các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội và đã bị xử lý với vai trò đồng phạm.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình trên, để phòng tránh tội phạm và những hệ lụy có liên quan, Cục C02 khuyến cáo người dân tuyệt đối không cho người lạ mượn, chụp, thuê, mua CCCD, CMND hoặc tài khoản ngân hàng nếu không có mục đích chính đáng.

Không đăng tải, chia sẻ hình ảnh CCCD, CMND, tài khoản ngân hàng lên mạng xã hội. Không cung cấp thông tin CCCD, CMND cho những dịch vụ không thiết yếu, không có cam kết bảo đảm an toàn thông tin cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội;

Trường hợp bị mất CCCD, CMND, người dân cần trình báo ngay cho cơ quan chức năng để làm lại giấy tờ. Đây là căn cứ để chứng minh chủ sở hữu của CCCD, CMND không có liên quan đến các giao dịch dân sự trong thời gian bị mất CCCD, CMND đồng thời phòng ngừa trường hợp số căn cước của công dân bị lợi dụng thực hiện các giao dịch dân sự trái pháp luật.

Như vậy, không có chuyện CCCD gắn chíp bị làm giả, mà những thông tin trên CCCD nếu lộ lọt ra ngoài thì dễ bị kẻ gian lợi dụng làm những chuyện xấu như đã nêu trên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm