Nhật không tuần tra với Mỹ ở biển Đông

Ngày 26-9 (giờ địa phương), tại cuộc hội thảo ở Washington do Văn phòng Nghiên cứu quốc gia về châu Á tổ chức, các nhà lãnh đạo hải quân của Mỹ, Nhật, Úc và Brazil đã bày tỏ quan tâm về tình hình tăng cường hải quân với ngân sách hạn chế và mong muốn duy trì ổn định và pháp quyền trên biển trước hành động hung hăng của Trung Quốc (TQ).

Đô đốc Nhật Tomohisa Takei tố cáo TQ đưa tàu đánh cá, tàu chiến và máy bay quân sự xâm nhập lãnh hải Nhật.

Dù vậy ông nhấn mạnh do tính chất phụ thuộc lẫn nhau của nền kinh tế Nhật nên Nhật sẽ cố gắng tránh xung đột. Đặc biệt, ông ủng hộ thực thi luật pháp quốc tế để bảo đảm quyền tự do tiếp cận tài sản biển chung.

Ông đề nghị tổng thống tương lai của Mỹ duy trì và củng cố lực lượng trong khu vực Ấn Độ - châu Á - Thái Bình Dương vì cần thiết cho an ninh khu vực và ngăn chặn TQ.

Ông ủng hộ hoạt động tuần tra hàng hải của Mỹ trong vùng biển châu Á.

Tàu khu trục USS Curtis Wilbur (Hạm đội 7) lớp Arleigh Burke của Mỹ tuần tra trên biển Đông cuối tháng 1-2016. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ

Ông cho biết chính phủ Nhật đã dự kiến tham gia tuần tra huấn luyện với hải quân Mỹ ở biển Đông và tập trận đa phương với hải quân khu vực. Tuy nhiên, Nhật không có ý định phối hợp với hải quân Mỹ tuần tra quanh các đảo nhân tạo do TQ xây dựng trái phép ở biển Đông.

Ông cho biết các cuộc trao đổi và các chuyến thăm giữa lực lượng phòng vệ biển Nhật với hải quân TQ đã bị cắt đứt từ nhiều năm và ông hy vọng sẽ nối lại hoạt động hợp tác với hải quân TQ để cải thiện quan hệ.

Tạp chí Sea Power đưa tin Đô đốc Mỹ William Moran, Phó Tư lệnh tác chiến hải quân, bảo đảm hải quân Mỹ tiếp tục chính sách tái cân bằng sang châu Á-Thái Bình Dương.

Ông cho biết đến năm 2020, Mỹ sẽ có hơn 175 tàu trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương so với 160 tàu hiện nay.

Ông khẳng định hải quân Mỹ đã điều động lực lượng tốt nhất đến châu Á như máy bay tuần tra biển P-8A, tàu khu trục thế hệ mới lớp Arleigh Burke và năm tới là các máy bay F-35 đầu tiên.

Ông giải thích hải quân Mỹ đã hoạt động mạnh ở Trung Đông từ 10 năm qua và hiện thời chưa thể thay đổi vì phải đối phó với Nga và nhiều kẻ thù tiềm năng như Iran, CHDCND Triều Tiên.

Do đó, trong bối cảnh không thể tăng thêm tàu, Đô đốc tư lệnh hải quân John Richardson đã chủ trương sử dụng công nghệ để gia tăng mức độ hoạt động của tàu và mở rộng tầm hoạt động.

Đô đốc Eduardo Bacellar của Brazil cho rằng TQ tìm cách thâm nhập vào Nam Mỹ chủ yếu về thương mại hơn là quân sự, tuy nhiên vì mục tiêu an ninh quốc gia, hải quân Brazil sẽ thắt chặt quan hệ với Mỹ hơn.

Phó Đô đốc Tim Barrett, tư lệnh hải quân Úc, phát biểu Úc đang tìm kiếm hợp tác hải quân chặt chẽ với Mỹ và nhiều nước khác. Đối với TQ, Úc có quan hệ hợp tác kinh tế vững chắc nhưng vẫn quan tâm đến hoạt động của TQ ở biển Đông.

Ngày 27-9, cảnh sát biển Philippines công bố báo cáo cho thấy các ngư dân Philippines vẫn bị cảnh sát biển TQ quấy rối gần bãi cạn Scarborough. Theo báo cáo, ngày 6-9, ba tàu cảnh sát biển TQ đã rượt đuổi ba tàu cá Philippines gần bãi cạn. Cuối cùng, các tàu cá vẫn tìm cách ở lại bãi cạn suốt đêm và sáng hôm sau nhanh chóng rời đi. Đến ngày 10-9, một tàu cá Philippines bị tàu cảnh sát biển TQ đuổi khỏi bãi cạn. Sau đó, các xuồng hơi TQ đến bao vây tàu cá, chụp ảnh và quay video.

___________________________________

Các nhà lãnh đạo hải quân của Mỹ, Nhật, Úc và Brazil khẳng định sẽ đấu tranh để duy trì quân bình giữa các mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với TQ và chống lại thái độ bất chấp luật pháp quốc tế của TQ, đặc biệt ở biển Đông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm