Reuters đưa tin ngày 19-9, Trung Quốc đã chỉ trích Nhật gây lộn xộn tình hình biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng tuyên bố các nước trong khu vực đã đạt đồng thuận rằng vấn đề biển Đông phải được giải quyết qua đàm phán giữa các bên trực tiếp liên quan, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á đang phối hợp duy trì hòa bình và ổn định.
Người phát ngôn cho rằng hành động của Nhật chỉ đơn giản đẩy các nước tách xa khỏi Nhật và Nhật sẽ thất bại khi bắt các nước theo quan điểm của Nhật.
Tuyên bố trên được đưa ra bởi hôm 15-9, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Tomomi Inada phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Mỹ: “Nhật sẽ tăng cường cam kết ở biển Đông… thông qua tuần tra huấn luyện chung giữa lực lượng phòng vệ biển Nhật và hải quân Mỹ”.
Trong khi đó, báo Japan Times (Nhật) ghi nhận báo chí Trung Quốc cuối tuần trước đã đồng loạt chỉ trích Nhật tới tấp.
Hải quân Mỹ và lực lượng phòng vệ Nhật tham gia cuộc tập trận Iron Fist 2016 tại bang California ngày 24-2-2016. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ
Tờ Thời Báo Hoàn Cầu hàm hồ chụp mũ các cuộc tuần tra hỗn hợp Mỹ-Nhật trong vùng biển tranh chấp là “ngoại giao pháo hạm ở thế kỷ 21” chống lại Trung Quốc.
Bài viết kích động: “Trung Quốc cần phải quyết tâm triển khai quân sự trên quần đảo Tam Sa (tên gọi ngụy xưng của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa) để cân bằng tình hình”.
Bài xã luận nêu nếu hoạt động tuần tra Mỹ-Nhật có bao gồm các nước khác, lúc đó Trung Quốc có thể tuyên bố vùng nhận dạng phòng không ở biển Đông.
Nếu kịch bản này xảy ra, Thời Báo Hoàn Cầu vẽ vời thêm: “Các tàu chiến Nhật sẽ là mục tiêu chính. Các máy bay chiến đấu Trung Quốc có thể tiến hành các biện pháp tinh vi như bay ở độ cao thấp để gây sức ép với các tàu Nhật”.
Thật ra các chuyên gia đánh giá báo chí Trung Quốc phản ứng quá lố bởi lẽ phát biểu của bà Bộ trưởng Quốc phòng Tomomi Inada không có gì mới trong quan điểm của Nhật đối với biển Đông.
Chuyên gia James Schoff, nguyên cố vấn chính về chính sách Đông Á ở Bộ Quốc phòng Mỹ, nhận xét: “Bà ấy đã nói về tuần tra trên biển, điều này có nghĩa Nhật sẽ hiện diện ở mức độ nào đó ở biển Đông trong các chuyến đi về ở vịnh Aden và các chuyến thăm cảng hay tập trận chung với các đối tác khu vực. Như vậy hoạt động này cũng tương tự như trước mà thôi”.
Chuyên gia Trương Bảo Huy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương ở ĐH Lĩnh Nam (Hong Kong), nhận xét sự hiện diện của Nhật ở biển Đông không phải là động cơ chính để Trung Quốc quân sự hóa các đảo ở biển Đông.
Ông dự báo: “Trong khi đó các chiến dịch hàng hải của Nhật có thể làm phát sinh các kịch bản nguy hiểm hơn như xung đột trực tiếp giữa hai hải quân… Chúng ta không thể loại trừ kịch bản tàu Trung Quốc đâm tàu Nhật hay chặn đường đi của tàu Nhật”.
Tân Hoa xã phân tích lý do thực sự Nhật cần hiện diện ở biển Đông không phải vì biển Đông mà vì biển Hoa Đông. Với luận điệu tương tự, Thời Báo Hoàn Cầu đề nghị Trung Quốc tăng cường tuần tra của cảnh sát biển gần quần đảo Senkaku vì “Nhật có thể sử dụng tranh chấp ở biển Đông để tạo ra không gian dành cho Nhật trên biển Hoa Đông”. Chuyên gia Trương Bảo Huy phản bác: “Nhật lo ngại sâu xa rằng ngày nào đó Trung Quốc sẽ mặc nhiên kiểm soát biển Đông và như thế sẽ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Nhật. Vì thế ý định đưa hải quân đến biển Đông của Nhật là lôgic chiến lược riêng không liên quan đến hoạt động của Trung Quốc trên biển Hoa Đông”. ________________________________ Bài phát biểu của bà ấy đã bị xuyên tạc hoặc bị hiểu sai lệch. Phát biểu ấy không đưa ra thay đổi chính sách nào và dường như có ai đó ở Trung Quốc cố ý sử dụng phát biểu ấy để làm tình hình leo thang. Chuyên gia JAMES SCHOFF Trung Quốc không dám trực tiếp ngăn chặn chiến dịch của Mỹ ở biển Đông nhưng với Nhật thì là chuyện khác. Chuyên gia TRƯƠNG BẢO HUY |