Triều Tiên ‘khó bảo’, Trung Quốc đau đầu

Chưa đầy một năm, Triều Tiên đã thực hiện hai vụ thử bom hạt nhân khiến các nhà lãnh đạo trong khu vực và thế giới lo ngại. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang thể hiện ngày một rõ rằng ông không hề có ý định chấm dứt chương tình hạt nhân nước này. Nhà lãnh đạo trẻ tuổi đang rất muốn Triều Tiên được thực sự công nhận là một quốc gia hạt nhân, kênh truyền hình CNN bình luận.

Tại sao Triều Tiên chọn lúc này?

Từ đầu năm 2016 đến nay, Triều Tiên đã liên tiếp thực hiện nhiều vụ phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo, tên lửa phóng từ tàu ngầm và đã có hai lần thử bom hạt nhân. Khi các nhà lãnh đạo thế giới đang ở Hàng Châu họp thượng đỉnh G20, chỉ vài tiếng sau khi ông Tập Cận Bình họp với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, Triều Tiên đã phóng liên tiếp ba tên lửa vào vùng biển Nhật Bản. Mới đây, Bình Nhưỡng lại một lần nữa khiến người hàng xóm của mình khó xử khi tiến hành vụ thử hạt nhân thứ năm vào ngày 9-9. Trong chưa đầy một tuần, tâm điểm của tình hình an ninh châu Á-Thái Bình Dương đổ về bán đảo Triều Tiên. Vì sao Triều Tiên lại chọn thời điểm này để tiến hành thử bom hạt nhân?

Cách đây không lâu, Triều Tiên đã chỉ trích liên quân Mỹ và Hàn Quốc rầm rộ mở cuộc tập trận “Người bảo vệ Ulchi”. Cuộc tập trận được đánh giá là có quy mô lớn nhất kể từ sau chiến tranh lạnh trên bán đảo Triều Tiên. Đáp trả lại động thái này, chính quyền Bình Nhưỡng đã giận dữ tuyên bố sẵn sàng “tấn công hạt nhân phủ đầu” lãnh thổ Hàn Quốc và Mỹ, theo Yonhap. Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA dẫn tuyên bố của Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Triều Tiên (KPA) đe dọa: “Mỹ và Hàn Quốc nên nhớ rằng bất kỳ động thái hung hăng xâm phạm lãnh thổ, lãnh hải và không phận Triều Tiên, dù là nhỏ nhất, chúng sẽ bị biến thành tro bụi trước những cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu của Triều Tiên”.

Ngày 2-9, ngay trước khi Triều Tiên cho phóng ba tên lửa đạn đạo vào biển Nhật Bản, nước này cũng một lần nữa ra sách trắng lên án cuộc tập trận của Hàn Quốc. Theo Korea Times, sách trắng Triều Tiên gọi đây là sản phẩm của chính sách thù địch “ghê tởm” của Washington chống lại Bình Nhưỡng. “Nếu vẫn tiếp tục dùng tập trận và diễn tập chiến tranh hạt nhân chống CHDCND Triều Tiên, họ sẽ phải đối mặt với kết cục thảm hại và đau khổ nhất” - KCNA dẫn nội dung sách trắng cho biết.

Trong bốn năm cầm quyền của mình, ông Kim Jong-un đã cho tiến hành 37 đợt phóng tên lửa, hơn gấp đôi số lần mà người cha Kim Jong-il cho thực hiện trong vòng 17 năm lãnh đạo. Tờ National Interest đánh giá Triều Tiên giờ đã đủ khả năng đe dọa Hàn Quốc và Nhật Bản bằng vũ khí hạt nhân, các căn cứ quân sự của Mỹ từ bán đảo Triều Tiên đến đảo Guam và có khả năng sớm phát triển tên lửa đạn đạo vươn đến tận nước Mỹ.

Những đợt phóng tên lửa và thử hạt nhân liên tiếp có thể là cách thức để nhà lãnh đạo Kim Jong-un hiện thực hóa nhiều mục tiêu bảo vệ đất nước. Kênh CNN bình luận việc đẩy căng thẳng tại bán đảo này lên cao có thể tạo sức ép buộc Mỹ và Hàn Quốc hạn chế lại các đợt tập trận trên bán đảo và trong khu vực. Cũng có thể Bình Nhưỡng đang tận dụng rủi ro xung đột hạt nhân với hy vọng Mỹ cân nhắc giảm hiện diện quân sự tại bán đảo Triều Tiên. Vũ khí hạt nhân cũng là minh chứng đầy sức thuyết phục rằng Triều Tiên có thể chống lại đối thủ siêu cường Mỹ.

Quân đội Triều Tiên cho thành lập biệt đội được đào tạo để mang ba lô đánh bom hạt nhân. Ảnh: AP

Người dân tại Triều Tiên nghe bản tin xác nhận lần thử bom hạt nhân thứ năm diễn ra thành công. Ảnh: AP

 

Người dân Hàn Quốc biểu tình phản đối ông Kim Jong-un tiếp tục chương trình hạt nhân. Ảnh: GETTY IMAGES

Người láng giềng khó bảo

Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ là ba quốc gia lo ngại nhiều nhất về chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Thực tế là bán đảo Triều Tiên vẫn còn trong tình trạng chiến tranh. Những động thái thể hiện sức mạnh của Bình Nhưỡng đang khiến Seoul lo lắng về một cuộc chiến tranh bùng nổ. Nếu điều này xảy ra, Washington - đồng minh quân sự của Seoul sẽ buộc phải quyết định tham chiến.

Một cuộc xung đột tại bán đảo Triều Tiên sẽ lôi luôn cả Nhật Bản - đồng minh quân sự còn lại của Mỹ tại Đông Bắc Á vào cuộc. Hiến pháp mới được điều chỉnh của Tokyo cho phép lực lượng phòng vệ của nước này hỗ trợ đồng minh bên ngoài biên giới quốc gia, đặc biệt trong trường hợp các lợi ích của Nhật Bản bị đe dọa. Các tên lửa đạn đạo được phóng thử gần đây của Triều Tiên đều nhắm vào biển Nhật Bản. Lần phóng tên lửa vào tháng 8 đã rơi cả vào vùng nhận diện phòng không của nước này, cách bờ biển Nhật Bản chỉ 250 km. Hiệu ứng dây chuyền của một cuộc xung đột sẽ vô cùng nghiêm trọng. Chính vì thế mà Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đã trả lời báo giới với vẻ vô cùng thất vọng: “Tôi không tài nào hiểu nổi vì sao họ lại tiếp tục làm những việc như vậy. Tôi vô cùng thất vọng trước động thái khiêu khích này. Họ tiếp tục đi ngược lại các nỗ lực chân thành của cộng đồng quốc tế”.

Không chỉ các “kẻ thù” của Triều Tiên lo ngại trước những vụ thử bom hạt nhân, ngay cả Trung Quốc cũng đang phải đau đầu vì người láng giềng “khó bảo” của mình. Việc Bình Nhưỡng leo thang hạt nhân chỉ tạo thêm cớ để Mỹ tiếp tục triển khai lá chắn tên lửa tối tân THAAD đến Hàn Quốc, theo Washington Post. Bắc Kinh xem hệ thống này là một mối đe dọa mang tính chiến lược đối với an ninh quốc gia. Không những thế, thái độ “khó bảo” của Bình Nhưỡng không khác gì sự thách thức trực tiếp đối với lời kêu gọi hòa bình, ổn định và phi hạt nhân hóa khu vực của Trung Quốc.

Tuy nhiên, Trung Quốc lại không thể tạo ra một sức ép quá lớn đối với người đồng minh Bình Nhưỡng. Kênh CBC (Canada) nhận định người dân Triều Tiên đã hy sinh quá nhiều và quá lâu để chương trình hạt nhân này có được thành quả như ngày hôm nay. Nếu ông Kim Jong-un vì bị quá nhiều sức ép mà “bị ép” phải chấm dứt chương trình hạt nhân, sự lãnh đạo của ông tại Bình Nhưỡng sẽ rơi vào khủng hoảng. Điều đó sẽ khiến Bắc Kinh đánh mất đi người đồng minh quan trọng ngăn cách giữa biên giới mình và các doanh trại quân sự của Mỹ tại Hàn Quốc.

Siết chặt vòng kìm kẹp

Trung Quốc vẫn đang chần chừ hành động, mặc dù là nước nắm nhiều lợi thế nhất trong việc tạo sức ép lên chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Tờ New York Times nhận định cộng đồng quốc tế không nên trông mong gì nhiều vào việc Trung Quốc chủ động hơn trong tiến trình giải giáp hạt nhân tại bán đảo Triều Tiên. Trong lúc chờ đợi cộng đồng quốc tế đưa ra các biện pháp trừng phạt mới nhất đối với Bình Nhưỡng, liên quân Mỹ-Hàn đã có những động thái của riêng mình nhằm tăng cường khả năng phòng thủ và siết chặt vòng kìm tỏa quân sự tại bán đảo Triều Tiên.

Ngày 12-9, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo khẳng định nước này “đang chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất”. Ông cũng đồng thời đưa ra dự đoán Triều Tiên sẽ sớm tiến hành thêm một vụ thử bom hạt nhân nữa trong vài ngày tới. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng đã báo cáo chiến lược “trừng phạt và phản công quy mô lớn” cho Quốc hội nước này. Chiến lược được xem là biện pháp đáp trả lại đợt thử bom hạt nhân lần thứ năm của Bình Nhưỡng.

Đây là lớp phòng thủ tên lửa thứ ba được Hàn Quốc thiết lập để ngăn chặn các mối đe dọa từ Triều Tiên. “Chiến lược của Bộ Quốc phòng sẽ xóa sạch một bộ phận của thủ đô Bình Nhưỡng khỏi bản đồ” - hãng Yonhap News cho biết. Mỹ-Hàn cũng đã lên kế hoạch tập trận rầm rộ vào tháng 10 sắp tới. Cuộc tập trận nhiều khả năng sẽ có sự tham gia của tàu sân bay hạt nhân USS Ronald Reagan (CVN-76). Ngoài ra, có thể Mỹ cũng sẽ điều động cả máy bay ném bom hạt nhân B-1 đến tham gia tập trận. Hiện đang có ba máy bay ném bom chiến lược đã được Mỹ điều động đến tây Thái Bình Dương, đóng tại căn cứ quân sự Guam.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm