Trung Quốc biết trước vụ thử hạt nhân của Triều Tiên nhưng bất lực?

Nhà báo Mike Chinoy, cựu phóng viên quốc tế của hãng tin CNN (Mỹ) và là tác giả của cuốn “Tan chảy hạt nhân: Câu chuyện bên trọng cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên” gọi lần thử hạt nhân thứ tư của Triều Tiên hồi tháng 1 là một “cú tát thật sự” vào mặt Trung Quốc.

Vụ thử hạt nhân mới nhất này với cường độ lớn hơn gấp đôi lần thử thứ 4 sẽ tạo áp lực ghê gớm lên Trung Quốc, đồng minh duy nhất của Triều Tiên, theo CNN.

Trước đó chỉ vài ngày, Triều Tiên phóng 3 tên lửa đạn đạo tầm trung Rodong ngay trong lúc Trung Quốc đang tổ chức hội nghị G20 với sự tham gia của lãnh đạo nhiều cường quốc thế giới.

Vì áp lực này, sau vụ thử không lâu Trung Quốc đã lên tiếng phản đối hành động của Triều Tiên. Tuy nhiên theo nhận định của các chuyên gia thì Trung Quốc ngày càng thể hiện mình không có khả năng ảnh hưởng lên Triều Tiên, dù có muốn.

Lính Triều Tiên mang ba lô có biểu tượng hạt nhân trong một sự kiện diễu hành kỷ niệm 60 năm ngừng bắn chiến tranh Triều Tiên.

Lính Triều Tiên mang ba lô có biểu tượng hạt nhân trong một sự kiện diễu hành kỷ niệm 60 năm ngừng bắn chiến tranh Triều Tiên. Ảnh: AP

Trong ngày 9-9, dù phản đối hành động thử hạt nhân của Triều Tiên nhưng người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã không thể nói chắc rằng Trung Quốc sẽ ủng hộ các lệnh trừng phạt Triều Tiên mới của quốc tế.

Đáng nói hơn, bà Hoa Xuân Oánh không xác nhận cũng không phủ nhận thông tin Trung Quốc đã được thông báo trước về vụ thử hạt nhân thứ năm của Triều Tiên. Trong khi đó chuyên gia Michael Madden chuyên nghiên cứu về lãnh đạo Triều Tiên rất tự tin khả năng Triều Tiên đã báo trước với Trung Quốc và Nga về vụ thử hạt nhân thứ 5.

Theo ông, chuyên gia thương lượng hạt nhân Triều Tiên Choe Son Hui tuần này có đến Bắc Kinh (Trung Quốc). Trong khi đó, Phó Tư lệnh Lực lượng vũ trang Triều Tiên Yun Tong Hyon đã dẫn đầu một phái đoàn quân sự Triều Tiên đến Nga hồi đầu tuần.

Một quan chức phương Tây giấu tên làm việc Trung Quốc, trước đây có làm việc tại Triều Tiên nhận định với hãng tin Reuters (Mỹ) rằng Trung Quốc có quá ít ảnh hưởng và không thể kiểm soát Triều Tiên. “Người Triều Tiên không ưa người Trung Quốc và chắc chắn không chịu nghe lời Trung Quốc.”

Theo quan chức này, suy nghĩ rằng lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong-un thiếu năng lực phán đoán là một suy nghĩ chủ quan và sai lầm. “Lãnh đạo Triều Tiên biết chính xác mình đang làm gì và có thể đẩy vấn đề tới đâu. Họ biết rõ sẽ là chấm dứt với đất nước Triều Tiên nếu họ thật sự làm quá, đẩy tình hình tới chiến tranh, vì chắc chắn sẽ bị sức mạnh Mỹ san bằng.”

Theo chuyên gia Tong Zhao tại Trung tâm Chính sách toàn cầu Carnegie- Thanh Hoa (Trung Quốc), sở dĩ Trung Quốc không thể ra tay mạnh với Triều Tiên vì có lý do. Kế hoạch triển khai hệ thống tên lửa phòng thủ THAAD của Mỹ ở Hàn Quốc vô tình có lợi cho Triều Tiên khi Triều Tiên trở thành một vùng đệm giữa Trung Quốc với Hàn Quốc và Mỹ.

Nếu đe dọa từ phía Mỹ và Hàn Quốc càng cao thì giá trị của Triều Tiên cũng sẽ càng tăng lên. Ngoài ra, các động thái khiêu khích của Triền Tiên cũng sẽ lôi Mỹ bớt chú ý đến các vấn đề nóng khác của khu vực như biển Đông. Do đó Triều Tiên có thể thoải mái hiếu chiến hơn mà không sợ mất đi quan hệ với Trung Quốc, theo chuyên gia Tong Zhao.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Yong-un quan sát một cuộc tập trận của quân đội Triều Tiên.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Yong-un quan sát một cuộc tập trận của quân đội Triều Tiên. Ảnh: REUTERS

Với tính toán của Trung Quốc thì sự không ổn định của Triều Tiên còn nguy hiểm hơn một Triều Tiên có sở hữu bom hạt nhân nhưng ổn định. Cho nên theo chuyên gia Tong Zhao, “Trung Quốc sẽ chọn làm điều dễ, đó là một mặt khiển trách Triều Tiên, một mặt vẫn tham gia các cuộc họp lên án Triều Tiên tại LHQ.”

Quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên xấu đi nhiều sau khi ông Kim Jong-un kế nhiệm cha mình và thanh trừng nhiều vị trí quan trọng trong chính phủ, chẳng hạn nhân vật Jang Song Thaek vốn có quan hệ thân thiết với Trung Quốc.

Ông Kim Jong-un chưa hề thăm Trung Quốc từ khi cầm quyền Triều Tiên, cũng chưa hề gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, dù Triều Tiên đã vận động cho mục tiêu này nhiều năm nay.

Theo chuyên gia Tong Zhao, Trung Quốc sẽ không có lợi về lâu dài nếu cứ duy trì thái độ cam chịu với Triều Tiên. “Trung Quốc không có cây gậy nào để dọa Triều Tiên. Trung Quốc trước sau cũng sẽ không cắt hoàn toàn quan hệ kinh tế với Triều Tiên. Điều này sẽ chỉ khiến Trung Quốc sẽ dễ tổn thương hơn trước các mối đe dọa từ Triều Tiên ... thậm chí tiềm tàng nguy cơ sụp đổ.” CNN dẫn nhận định của chuyên gia Tong Zhao.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm