Theo hãng tin Yonhap News, các cơ quan địa chấn học tại Mỹ, châu Âu và Trung Quốc ngày 9-9 đều đồng loạt ghi nhận được một đợt địa chấn mạnh. Địa chấn này khó có khả năng là động đất do tâm chấn nằm ở bề mặt Trái Đất.
Địa điểm xảy ra địa chấn được xác định là khu vực xung quanh Punggye-ri - Cơ sở mà Triều Tiên thường xuyên dùng để thử hạt nhân. Các chuyên gia nghi ngờ đây là vụ thử hạt nhân thứ năm của Triều Tiên. Địa chấn được ghi nhận vào lúc 00:30 GMT (tức khoảng 7:30 sáng giờ Việt Nam).
Chính quyền Seoul đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp với Hội đồng An ninh Quốc gia, Yonhap News cho biết. Trung tâm Mạng lưới Động đất Trung Quốc cũng đánh giá địa chấn này có thể là một vụ nổ.
Địa chấn có sức rung chuyển gần 5.0 độ Richter. Quân đội Hàn Quốc cho rằng mức rung chuyển này tương đương một quả bom hạt nhân với sức công phá 10 kiloton (tương đương 10 triệu kg thuốc nổ TNT).
Jeffrey Lewis, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury (California), cho biết sức công phá của vụ nổ hạt nhân này có thể lên đến 20-30 kiloton (từ 20 đến 30 triệu kg thuốc nổ TNT).
Nếu đúng như vậy, đây sẽ là đợt thử bom hạt nhân có sức công phá cao nhất từ trước đến nay của Triều Tiên, theo Yonhap News.
Triều Tiên liên tiếp tiến hành thử tên lửa và bom hạt nhân từ đầu năm 2016 đến nay. Ảnh: KCNA
Phát ngôn viên cấp cao của Nhật Bản cũng cho rằng có khả năng rất cao địa chấn xảy ra là do Triều Tiên thử bom hạt nhân. Các bộ có liên quan đến vấn đề an ninh và Triều Tiên đều đã được Tokyo chỉ đạo xem xét thêm thông tin.
Cách đây hai tháng, trang mạng về Triều Tiên 38 North đã công khai một số hình ảnh vệ tinh. Các hình ảnh này cho thấy Triều Tiên tăng cường hoạt động tại cơ sở thử hạt nhân Punggye-ri.
Hồi tháng 1-2016, Triều Tiên cũng đã từng tiến hành đợt thử hạt nhân lần thứ 4 và bị Liên Hiệp Quốc đưa ra nhiều cấm vận nặng nề. Trong năm nay, Triều Tiên cũng liên tiếp cho thử tên lửa đạn đạo với hai lần bắn vào vùng biển Nhật Bản.