Một công ty của Nhật Bản vừa đề xuất UBND TP.HCM cho phép đơn vị này được thực hiện thí điểm công nghệ sửa chữa hệ thống cống vòm cũ được xây dựng từ Pháp trên địa bàn TP.HCM.
Theo đề xuất, công ty của Nhật sẽ sửa chữa thí điểm miễn phí một đoạn cống vòm hư hỏng ở đường Hai Bà Trưng (quận 1) bằng công nghệ mới, không cần phải đào đường. Dự kiến thời gian thực hiện từ tháng 12-2017 đến tháng 3-2018.
Cống vòm ở đường Hai Bà Trưng được xây bằng gạch nung. Theo Trung tâm Chống ngập, tuyến cống này đã tồn tại khoảng 50 năm. Ảnh: TTCN
Trước khi có văn bản đề xuất chính thức gửi UBND TP, công ty của Nhật đã phối hợp với Trung tâm Chống ngập khảo sát một số vị trí cống vòm bị hư hỏng trên địa bàn TP để lên phương án sửa chữa. Nếu sửa chữa thí điểm thành công, sẽ nghiên cứu áp dụng kỹ thuật này để sửa chữa cho tuyến cống vòm cũ ở những khu vực khác.
Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo Trung tâm Chống ngập TP.HCM cho biết công nghệ sửa chữa cống vòm của Nhật là kỹ thuật hoàn toàn mới, không giống cách sửa chữa cống thoát nước loại tròn mà công ty của Nhật đã từng thực hiện ở đường Cống Quỳnh (quận 1) trước đây.
Năm 2015, Trung tâm Chống ngập tiến hành khảo sát và ghi nhận tuyến cống vòm ở đường Hai Bà Trưng đã bị hư hỏng nghiêm trọng. Ảnh: TTCN
“Để đảm bảo về bí mật công nghệ, hiện phía công ty của Nhât chưa tiết lộ cụ thể về giải pháp kỹ thuật cũng như chi phí thực hiện sửa chữa đoạn cống vòm ở đường Hai Bà Trưng. Họ chỉ cho biết sẽ tài trợ toàn bộ kinh phí cho công trình thí điểm này” - lãnh đạo Trung tâm Chống ngập thông tin thêm.
Theo khảo sát của Trung tâm Chống ngập, hiện nay trên địa bàn TP.HCM còn hơn 100 km cống vòm được xây dựng từ thời Pháp. Tuyến cống lớn nhất rộng khoảng 2,35 m, cao 1,8 m; cống vòm cỡ trung bình khoảng 0,8 x 1,6 m; cống nhỏ nhất có tiết diện khoảng 0,5 x 0,5 m.
Hiện nhiều tuyến cống đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng, có thể gây lún sụp mặt đường.