Ngày 18-5, tin từ Sở GTVT TP.HCM cho hay đơn vị này đã phê duyệt thiết kế dự án cải tạo hệ thống cống thoát nước trên đường Đồng Khởi (quận 1, TP.HCM).
Tuyến cống thoát nước mới trên đường Đồng Khởi có chiều dài khoảng 1 km, được tính từ mép sông Sài Gòn đến đường Nguyễn Du.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 48 tỉ đồng do Ban Quản lý dự án thoát nước đô thị thuộc trung tâm chống ngập TP.HCM làm chủ đầu tư.
Đại diện chủ đầu tư cho biết tuyến cống mới được xây dựng nhằm thay thế tuyến cống vòm đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng.
Cống vòm dưới đường Đồng Khởi bị hư hỏng cần thay thế bằng cống bê tông cốt thép. Ảnh: TTCN
Tuyến cống vòm trên đường Đồng Khởi được trung tâm chống ngập xác định xây dựng từ thời Pháp, có tuổi thọ khoảng 150 năm.
Qua khảo sát thực tế, trung tâm chống ngập nhận thấy trên tuyến cống có nhiều đoạn bị mất gạch vữa, vách bị nứt biến dạng, chân cống bị ăn mòn…
Theo số liệu do trung tâm chống ngập TP khảo sát, hiện nay trên địa bàn TP.HCM có khoảng 100 km cống vòm xây dựng từ thời Pháp. Tuyến cống lớn nhất rộng khoảng 2,35 m; cao 1,8 m; cống vòm cỡ trung bình khoảng 0,8 x 1,6 m; cống nhỏ nhất có tiết diện khoảng 0,5 x 0,5 m.
Đường Đồng Khởi có lượng xe cộ lưu thông dày đặc nên dự kiến phương án thi công lắp cống sẽ không có rào chắn để giảm ùn tắc giao thông. Ảnh: KB
“Quận 1 và quận 5 là hai nơi có nhiều cống vòm nhất. Chúng được xây dựng giống như hệ thống cống vòm ở thủ đô Paris của Pháp” - ông Lê Hoàng Văn, nguyên Phó Giám đốc Sở GTVT TP, cho biết thêm trong một lần trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM.
Vì sao cống vòm ở Sài Gòn chỉ được xây bằng gạch và xi măng lại thọ đến 150 năm? Chúng tôi đã đặt câu hỏi này với nhiều chuyên gia thoát nước ở TP.HCM nhưng hầu hết đều cho rằng do chưa có công trình nghiên cứu cụ thể nên chưa thể lý giải được.