Hôm thứ Ba vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản đã chính thức ký hiệp định thương mại tự do EU-Nhật Bản (EU-Japan Economic Partnership Agreement - EPA) tại Tokyo.
Hiệp định đầy hứa hẹn
Đây là một hiệp định đầy tham vọng, hứa hẹn sẽ mở ra một khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới với ước tính khoảng 30% GDP toàn cầu.
Cụ thể, hai bên cam kết sẽ giảm hầu hết hàng rào thuế quan song phương, lên đến 99% cho các hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản và từ 94% đến 99% theo lộ trình cho các sản phẩm từ EU. Đáng chú ý, hiệp định bao gồm cả các khoản thuế tương đối cao của Nhật Bản đối với các sản phẩm nông nghiệp của EU và thuế của EU đối với xe hơi Nhật Bản.
Hiện tại các sản phẩm của EU chỉ đang phải đối mặt với mức thuế trung bình là 1,6% khi đến Nhật Bản, trong khi các sản phẩm của Nhật Bản phải đối mặt với thuế quan là 2,9% tại Liên minh châu Âu, theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tuy nhiên, EU cho biết mức thuế Nhật Bản thu từ EU vẫn lên đến mức 1 tỉ euro (1,2 tỉ USD) mỗi năm.
Nhìn chung, nông dân châu Âu sẽ được hưởng lợi, Chủ tịch Liên minh châu Âu, ông Jean-Claude Juncker, cho biết và các đặc sản của Nhật Bản như thịt bò Kobe hay dưa Yubari nổi tiếng sẽ dễ tiếp cận với người tiêu dùng hơn. Ngoài ra, tự do hóa thương mại cũng sẽ giúp tăng xuất khẩu hóa chất, quần áo, mỹ phẩm và bia của châu Âu sang Nhật Bản.
EPA là một hiệp định đầy tham vọng, hứa hẹn sẽ mở ra một khu vực tự do thương mại lớn nhất thế giới. Ảnh: AP
Người dân Nhật cũng sẽ mua các loại phô mai rẻ hơn hay chocolate và bánh quy. Tuy rượu vang và phô mai nhập khẩu có thể sẽ làm hại đến doanh số của doanh nghiệp Nhật Bản nhưng người tiêu dùng xứ hoa anh đào vốn đã có lịch sử ưa chuộng các sản phẩm châu Âu từ lâu.
Ngoài ra, hiệp định còn tạo ra cơ sở pháp lý cho các hoạt động tự do lưu chuyển dữ liệu cá nhân giữa hai bên, hình thành nên một thỏa thuận bảo vệ dữ liệu lớn nhất thế giới. Hiệp định này dự kiến sẽ có hiệu lực vào năm 2019 sau khi được các nhà lập pháp chấp thuận ở cả hai bên.
Thỏa thuận này là một lời nhắc nhở đối với Mỹ khi hai đối tác truyền thống của Washington đã khai thác được nhiều lợi ích khi tăng cường hợp tác với nhau. Ông ROSS DENTON, cố vấn Tập đoàn luật hàng đầu thế giới Baker McKenzie |
Một thông điệp đặc biệt đến chính quyền Mỹ
Đây là một diễn biến được cả cộng đồng thế giới đón nhận tích cực, giữa lúc một loạt động thái mang xu hướng chủ nghĩa bảo hộ thương mại gần đây của Tổng thống Donald Trump đang gây ra nhiều căng thẳng.
Hiệp định trên xuất hiện giữa những lo ngại rằng một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như các sắc lệnh áp thuế của tổng thống Mỹ sẽ làm giảm vai trò của tự do thương mại trong trật tự kinh tế toàn cầu.
Phát biểu tại hôm ký kết hiệp định, cùng với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, ông Abe đã khẳng định: “Liên minh châu Âu và Nhật Bản có cùng một quyết tâm vững chắc để dẫn dắt thế giới dưới lá cờ tự do thương mại”.
Ông Tusk cũng nói rằng đây là “hiệp định song phương tầm cỡ nhất từ trước đến nay”, khi hai bên đang không ngừng tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực, bao gồm quốc phòng, biến đổi khí hậu và trao đổi con người; và là một thông điệp mạnh mẽ đối với chủ nghĩa bảo hộ. Ông Juncker cũng sẽ có chuyến thăm Washington vào tuần tới để bàn về các căng thẳng thương mại với Mỹ.
“Tự do hóa thương mại và mở cửa thị trường tiếp tục là xu thế ở châu Á-Thái Bình Dương” - ông Ajay Sharma, Giám đốc tài chính khu vực HSBC, cho biết. Các hiệp định của EU với Singapore và Việt Nam đang ở giai đoạn phê chuẩn, trong khi các thỏa thuận với Indonesia, Úc và New Zealand đang tiếp tục được đàm phán, ông nói thêm.
Hồi đầu tuần, hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-EU cũng đã kết thúc vào thứ Hai với một tuyên bố khẳng định cam kết của cả hai bên đối với việc tăng cường hợp tác thương mại đa phương.
Như vậy, trước viễn cảnh các nước đang ngày càng đẩy mạnh quan hệ hợp tác và tăng cường phối hợp kinh tế, Mỹ cũng cần phải đánh giá lại các chính sách thương mại gần đây của mình.