Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đang lấy ý kiến hoàn thiện cho dự thảo Bộ quy tắc ứng xử phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Dự thảo phân chia quấy rối tình dục tại nơi làm việc dưới 3 hình thức, trong đó có hình thức nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Cụ thể, một trong những hình thức được đưa ra là: Quấy rối tình dục phi lời nói gồm dùng ngôn ngữ cơ thể, nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, biểu hiện không đứng đắn, dùng cử chỉ ngón tay, phô bày tài liệu khiêu dâm, gửi ảnh, đồ vật, tin nhắn liên quan tới tình dục.
Sở dĩ hình thức này nhận được nhiều ý kiến trái ngược nhau là bởi việc xác định các hình thức đó là quấy rối tình dục hay là những biểu hiện giao tiếp thông thường rất khó xác định.
|
Dự thảo phân chia quấy rối tình dục tại nơi làm việc dưới 3 hình thức. Ảnh minh họa. |
Đáng chú ý là những cụm từ như: Nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục. Cá nhân tôi cũng không thể hiểu được người ta định nghĩa thế nào là nhìn gợi tình thông qua cách nhìn và cử chỉ nháy mắt.
Cũng giống như có lúc người ta đã tranh luận nhau giữa khiêu dâm và khỏa thân nghệ thuật. Thậm chí rộng hơn là một bức tranh với việc miêu tả một cách chi tiết cơ thể người phụ nữ. Tranh luận mãi rồi cũng phải dừng lại ở một cách nhìn nhận. Gợi dục hay không tùy thuộc vào người nhìn và người cảm nhận.
Trở lại hình thức được quy định như nháy mắt liên tục hay biểu hiện không đứng đắn, suy cho cùng nó cũng giống như người ta chiêm ngưỡng một bức tranh khỏa thân vậy. Có người sẽ cho đó là nghệ thuật, có người lại bảo đó là khiêu dâm.
Mà nếu dự thảo này được áp dụng, những người có tật nháy mắt, hay còn cách gọi đời thường là ngứa mắt cũng phải thủ sẵn một chứng nhận y tế về tật nháy mắt. Mà cái này còn dễ, chứ còn yếu tố biểu hiện không đứng đắn thì cũng chẳng biết phải phòng hờ bằng cái gì cho chắc chắn.
Nhận diện được các hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc là một nỗ lực rất cần thiết của các bên liên quan khi xây dựng dự thảo này. Tuy nhiên, theo tôi, dự thảo Bộ quy tắc khi đã liệt kê ra các hình thức quấy rối này thì cần thật cụ thể, chắc chắn, mang tính khả thi cao khi áp dụng, là cơ sở để giải quyết các xung đột liên quan sau này; tránh những từ ngữ mơ hồ, gây tranh cãi như vậy.
3 hình thức quấy rối tình dục tại nơi làm việc
Dự thảo Bộ quy tắc ứng xử phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc định nghĩa về quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Có 3 hình thức quấy rối tình dục tại nơi làm việc gồm: Quấy rối mang tính thể chất, bằng lời nói, ngôn ngữ cơ thể.
Quấy rối bằng hành vi mang tính thể chất gồm hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục, như cố tình động chạm không mong muốn, sờ mó, vuốt ve, cấu véo, ôm ấp, hay hôn; tấn công tình dục, cưỡng dâm, hiếp dâm.
Quấy rối tình dục bằng lời nói gồm: Lời nói trực tiếp, qua điện thoại, hoặc phương tiện điện tử có nội dung tính dục hoặc ngụ ý tình dục, có thể bao gồm những nhận xét không phù hợp về mặt xã hội, văn hoá và không được mong muốn; bằng những ngụ ý về tính dục như truyện cười gợi ý về tình dục hay những nhận xét về trang phục, hay cơ thể của một người nào đó khi có mặt hoặc hướng tới họ; những lời đề nghị, những yêu cầu không mong muốn hay lời mời đi chơi mang tính cá nhân, riêng tư một cách liên tục.
Quấy rối tình dục phi lời nói gồm ngôn ngữ cơ thể; trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử, như nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, biểu hiện không đứng đắn, cử chỉ ngón tay… Hình thức này cũng bao gồm việc phô bày các tài liệu khiêu dâm, hình ảnh, vật, các tin nhắn liên quan tới tình dục.
Bên cạnh bộ quy tắc ứng xử, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng ban hành Sổ tay hướng dẫn về phòng, chống rối tình dục tại nơi làm việc để đưa ra những hướng dẫn kỹ thuật chi tiết về một số vấn đề được nêu trong bộ quy tắc.