Hôm nay (10-4), khoa Luật Dân sự, Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).
Việc đổi tên tòa chưa thực sự tạo dấu ấn?
Tại hội thảo, ThS Nguyễn Đức Phước (Chánh án TAND quận Bình Tân TP.HCM) cho rằng nếu hệ thống tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử được xây dựng theo đơn vị hành chính - lãnh thổ bằng việc đổi tên tòa án cấp huyện thành tòa án sơ thẩm; tòa án cấp tỉnh thành tòa án phúc thẩm thì ưu điểm là hệ thống tổ chức tòa án vẫn giữ nguyên về nhân sự, cơ sở vật chất, thẩm quyền áp dụng pháp luật.
Thẩm quyền của CQĐT, truy tố, thi hành án vẫn tương đồng với việc đổi tên tòa án các cấp. Điều này đồng nghĩa với việc các luật liên quan chỉ cần đổi tên như dự thảo là hoàn thiện pháp luật. Ưu điểm nữa là hạn chế sự xáo trộn trong quá trình áp dụng pháp luật của tòa án.
Tuy nhiên, theo ông Phước, trong điều hiện nay thống nhất với dự thảo, về lâu dài nên cấp sơ thẩm xét xử sơ thẩm, phúc thẩm xét xử phúc thẩm sẽ tạo ra sự đột phá, khẳng định tính mới của việc xây dựng hệ thống tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử như định hướng trong các nghị quyết về cải cách tư pháp...
Có cần thiết thành lập tòa chuyên biệt?
Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Nhung (Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM) cho rằng việc tổ chức TAND sơ thẩm chuyên biệt đối với một số loại án khó có ý nghĩa phát huy trình độ chuyên môn sâu của thẩm phán, hội thẩm. Từ đó nâng cao chất lượng giải quyết loại án này, đặc biệt là các loại án về phá sản, sở hữu trí tuệ.
Tuy nhiên, việc thay đổi này cũng có nhiều bất cập. Đó là bất cập trong khả năng tiếp cận TAND sơ thẩm chuyên biệt của người dân đặt trong bối cảnh nguồn lực của đất nước còn nhiều hạn chế.
Dự thảo vẫn còn bỏ ngỏ cách thức tổ chức TAND sơ thẩm chuyên biệt. PGS.TS Hồng Nhung dự liệu những tình huống sau:
Thứ nhất, TAND sơ thẩm chuyên biệt được ghi nhận và xây dựng là một TAND tồn tại độc lập song song TAND sơ thẩm cấp huyện. Trường hợp tổ chức TAND sơ thẩm chuyên biệt theo đơn vị hành chính như vậy sẽ tiêu tốn nguồn lực rất lớn của đất nước về xây dựng cơ sở vật chất, biên chế nhân sự, kinh phí vận hành. Đồng thời, sẽ gây lãng phí rất lớn nếu tổ chức TAND sơ thẩm chuyên biệt tại một số địa phương không có hoặc có rất ít án chuyên biệt, mỗi năm chỉ xét xử một vài vụ. Có thể thấy giải pháp này không phù hợp.
Tình huống thứ hai, tổ chức TAND sơ thẩm chuyên biệt theo khu vực gồm nhiều huyện trong một tỉnh hoặc tổ chức theo đơn vị hành chính cấp tỉnh thì sẽ ảnh hưởng đến việc tiếp cận công lý của người dân về khoảng cách địa lý và trình độ dân trí không đồng đều giữa các khu vực. Tuy nhiên, dù thành lập TAND sơ thẩm chuyên biệt theo khu vực gồm nhiều huyện trong một tỉnh hoặc theo cấp tỉnh thì giải pháp này cũng không khác gì tình huống một ở trên: có những địa phương không có hoặc ít án chuyên biệt, gây hao phí nguồn lực ...
Tình huống ba, tổ chức TAND sơ thẩm chuyên biệt theo ba miền Bắc, Trung, Nam, như mô hình của TAND Cấp cao hiện nay. Mô hình này có thể giải quyết được vấn đề về số lượng án, nhưng việc thuận tiện cho việc tiếp cận công lý của người dân thì không hề dễ dàng, từ đó công lý không đạt được hiệu quả trên thực tế.
Cạnh đó, theo bà Nhung, bất cập nữa là nhập nhằng tên gọi và chức năng giữa tòa chuyên trách và TAND chuyên biệt. Dự thảo luật quy định Tòa chuyên trách TAND sơ thẩm tại Điều 60, 61. Theo đó, TAND sơ thẩm có thể có Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Gia đình và người chưa thành niên, Tòa Xử lý hành chính. Trong trường hợp cần thiết, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định thành lập Tòa chuyên trách khác theo đề nghị của Chánh án TAND Tối cao.
Có thể thấy rằng các tòa chuyên trách được tổ chức dựa trên phân loại về nhóm loại vụ việc thuộc thẩm quyền xét xử của tòa án, với mục đích và ý nghĩa là hướng đến việc chuyên môn hóa trong xét xử của thẩm phán, nhằm làm cho hoạt động xét xử hiệu quả hơn.
Thế nhưng, việc ra đời TAND sơ thẩm chuyên biệt, mặc dù tên gọi khác tòa chuyên trách nhưng mục đích và ý nghĩa tổ chức giống nhau, đó là hướng đến sự chuyên môn hóa cao trong xét xử. Việc cho ra đời TAND sơ thẩm chuyên biệt, bên cạnh việc tồn tại song song tòa chuyên trách trong TAND sơ thẩm làm cho hệ thống TAND phức tạp, rối rắm, khó hiểu, thiếu tính khoa học...
Toà chuyên biệt xem như toà chuyên trách?
Tại hội thảo, ông Quách Hữu Thái (Phó chánh án TAND TP.HCM) cho rằng dự thảo đổi tên tòa thành toà sơ thẩm, toà phúc thẩm khiến nhiều ý kiến băn khoăn là toà phúc thẩm tại sao có xử sơ thẩm. Nhưng đây là bước đi mở màn để tiến tới khuynh hướng dần dần là sơ thẩm chỉ xử sơ thẩm, phúc thẩm chỉ xử phúc thẩm.
Theo ông Thái, hiện nay ở mặt bằng chung TP. HCM và Hà Nội, toà án các quận huyện đã đủ trình độ để xử tối đa, tất cả xử hình sự hay dân sự có yếu tố nước ngoài.
Trên địa bàn TPHCM, thẩm phán quận huyện chuyên môn rất giỏi đủ điều kiện để làm mọi thứ, không có gì băn khoăn về câu chuyện này. Nhưng ở một số địa bàn khác, một số địa phương khác còn có những hạn chế nhất định trong công tác, tiếp cận, năng lực, trình độ… cho nên cần tiến dần từng bước và lộ trình sơ thẩm, phúc thẩm theo dự thảo này.
Đầu tiên phải ghi nhận trong Luật Tổ chức TAND sửa đổi rồi tiến dần từng bước đến một lúc đủ điều kiện chín muồi sẽ giao sơ thẩm xử tất cả các vụ hình sự, dân sự có yếu tố nước ngoài, toà án cấp tỉnh chỉ xử phúc thẩm, toà án cấp cao chỉ xử giám đốc thẩm. Thay đổi phải thay đổi dần, đó là lý do vì sao phúc thẩm vẫn cho xử sơ thẩm là như thế.
Còn về toà chuyên biệt, ông Thái rất tâm đắc với các băn khoăn của PGS.TS Nhung. Theo ông Thái, ban đầu dự thảo đưa ra là toà chuyên biệt về sở hữu trí tuệ, phá sản chỉ ở TP.HCM, ở những địa phương khác không đủ điều kiện để làm. Sau khi rà soát thì dù TP.HCM là trung tâm mạnh nhất về kinh tế thì sở hữu trí tuệ và phá sản cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, không nhiều để thành lập một bộ máy toà chuyên biệt, mà theo dự thảo toà chuyên biệt là ngang với toà cấp tỉnh, toà xử phúc thẩm là toà cấp cao.
Vì vậy, ông Thái rất băn khoăn về thành lập toà chuyên biệt. Một số ý kiến khác đề nghị thành lập toà chuyên biệt về đất đai, theo ông Thái “không khéo” cái gì cũng thành lập toà chuyên biệt, thành lập toà chuyên biệt về đất đai được thì thành lập toà chuyên biệt về sở hữu nhà ở được, thành lập toà chuyên biệt về hợp đồng… Trong khi những cái đó hiện nay giao cho toà dân sự giải quyết và hơn 50% các tranh chấp là về đất đai.
Do đó, ông Thái cho rằng nếu thành lập toà chuyên biệt thì xem nó như toà chuyên trách, không nên thành lập toà chuyên biệt đơn vị ngang cấp với toà cấp tỉnh vì khi triển khai trong thực tế sẽ khó và không phù hợp với thực tiễn.