Nhiều bị hại vụ Alibaba vẫn tin có dự án, có đất để giao

(PLO)- Nhiều bị hại vẫn cho rằng đã đi thực tế có đất, có dự án và hợp đồng thể hiện 100% là đất thổ cư nên yêu cầu được nhận lại đất.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 13-12, TAND TP.HCM tiếp tục phần xét hỏi các bị hại trong vụ án Nguyễn Thái Luyện và 22 bị cáo khác bị truy tố các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền.

Theo ghi nhận của PV, số lượng bị hại trong ngày xét hỏi thứ hai đông hơn nhiều so với ngày đầu. Việc xét hỏi bị hại dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 18-12.

VKS chất vấn bị hại về yêu cầu nhận đất

Cũng giống như ngày xét hỏi đầu, ngày thứ hai nhiều bị hại khi được chủ tọa phiên tòa hỏi vẫn có yêu cầu được nhận đất. Bởi các bị hại này cho rằng tại thời điểm ký kết hợp đồng có đi thực tế xem đất, xem dự án và trong hợp đồng thể hiện mục đích sử dụng đất là 100% đất thổ cư.

Bị cáo Nguyễn Thái Luyện tại tòa. Ảnh: NGUYỆT NHI
Bị cáo Nguyễn Thái Luyện tại tòa. Ảnh: NGUYỆT NHI

Trong khi đó, một số bị hại khác đưa ra yêu cầu “nước đôi” như: Nếu không được nhận đất thì xin nhận tiền.

Để đảm bảo quyền lợi cho các bị hại, chủ tọa phiên tòa cũng lưu ý các bị hại xem xét để cân nhắc các yêu cầu của mình, có một số bị hại yêu cầu nhận lại đất nhưng đây đều là các dự án không có thật. Nếu xét thấy yêu cầu không đúng quy định thì HĐXX sẽ bác yêu cầu đó.

Ngoài ra, chủ tọa phiên tòa cũng nhắc nhở các bị hại cần xác định lại số tiền yêu cầu trả lại vì đang có một số người nhầm lẫn giữa số tiền ghi trên hợp đồng và số tiền thực đã đóng vào Công ty Alibaba. Bên cạnh đó, cũng có một số bị hại đã được Công ty Alibaba thực hiện chi trả tiền (có phiếu chi) nên cũng cần xác định lại số tiền yêu cầu.

Đáng chú ý, trong phần xét hỏi, đại diện theo ủy quyền của bị hại Nguyễn Thị Minh Châu, đại diện VKS chất vấn về yêu cầu được nhận lại đất của bị hại này. “Ông cho HĐXX biết đối tượng của các hợp đồng là đất thổ cư, đất nông nghiệp hay là đất gì? Trong hợp đồng có số lô, số thửa rõ ràng không?” - đại diện VKS hỏi.

VKS cũng đặt vấn đề trên hợp đồng là đất thổ cư, có số lô số thửa rõ ràng trong khi đó thực tế là đất nông nghiệp, các dự án đều không có thật. Đất nông nghiệp chỉ được chuyển thành đất thổ cư khi được cơ quan nhà nước cho phép. Hai bên giao dịch một sản phẩm không có thật, ký kết một đối tượng không có thật mà vẫn yêu cầu nhận đất thì có suy nghĩ gì?

Trước những vấn đề mà VKS đặt ra, người đại diện của bà Châu cho biết các hợp đồng đã ký với Công ty Alibaba là đất thổ cư và đã có số lô, số thửa rõ ràng. Đồng thời, trước khi ký hợp đồng đã được công ty thông báo là đất gì và cam kết có chuyển được sang đất thổ cư nên tin tưởng mua.

Ông Vũ Văn Được đòi tiền cho người con đã mất là một bị hại trong vụ án. Ảnh: HỮU ĐĂNG

Ông Vũ Văn Được đòi tiền cho người con đã mất là một bị hại trong vụ án.
Ảnh: HỮU ĐĂNG

Cha 74 tuổi đòi tiền cho con đã mất

Là một trong số những người cuối cùng được HĐXX xét hỏi, ông Vũ Văn Được (quận Bình Tân, TP.HCM) cho biết năm nay 74 tuổi và là người đại diện theo ủy quyền cho con trai là Vũ Văn D (bị hại trong vụ án, đã mất).

Con trai ông Được đã đầu tư vào tám lô đất tại bốn dự án của Công ty Alibaba với tổng số tiền đã đóng là hơn 1,3 tỉ đồng. Ông Được yêu cầu được nhận lại tiền để trang trải nợ nần, do phải vay mượn để điều trị bệnh cho người con trai đã mất.

Chia sẻ thêm với Pháp Luật TP.HCM, ông Được cho biết đúng một tuần nữa là tròn 49 ngày mất của con trai. Trước khi mất, con ông không để lại di chúc mà chỉ nhắn nhủ cha mình cố gắng theo đuổi vụ án để lấy lại tiền.

“Nó bị bệnh thận, bắt đầu nhập viện và chạy thận từ tháng 2-2020, tính đến nay số tiền vay mượn để chữa trị cho con khoảng hơn 900 triệu đồng, nay chỉ có mong muốn nhận lại tiền đã đầu tư, Công ty Alibaba trả được bao nhiêu thì quý bấy nhiêu” - ông Được ngậm ngùi.

Ngồi trong sân tòa, cầm hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong tay, bà Nguyễn Thị Xuyến (một bị hại khác) vẫn đang lo lắng khi không biết ngày nào được lấy lại khoản tiền 520 triệu đồng đã đầu tư.

Bà cho biết khi ký hợp đồng, khách hàng được cho đồng thời ký vào hai cuốn: Một cuốn là “Hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất” và một cuốn là “Hợp đồng quyền chọn”. Trong hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất có thể hiện số lô, diện tích đất và loại đất là 100% đất thổ cư.

Lý giải thêm về hợp đồng quyền chọn, bà Xuyến cho biết khách hàng sẽ được quyền chọn một trong năm lựa chọn đầu tư. “Đa số là lựa chọn đóng 95% rồi cho Công ty Alibaba thuê lại đất để nhận tiền lời hoặc chọn phương án Alibaba sẽ mua lại chênh lệch 30% sau 12 tháng. Tuy nhiên, đến nay chưa nhận được đồng lãi nào mà còn có nguy cơ bị mất hết” - bà Xuyến thông tin.

Cuối ngày làm việc, HĐXX thông báo sẽ nghỉ một ngày và tiếp tục xét xử vào ngày mai (15-12).

Chỉ nhận đơn của bị hại mới đến hết sáng 16-12

Trong những ngày xét xử đã qua, HĐXX cho biết đã nhận được thêm nhiều đơn của các bị hại. Do vậy, HĐXX thông báo cho những ai chưa được cơ quan điều tra xác định là bị hại thì nhanh chóng làm đơn yêu cầu và gửi về tòa trước trưa 16-12 để cập nhật vào danh sách.

Sau thời gian trên, nếu các khách hàng chưa kịp nộp đơn thì tòa sẽ không giải quyết và các khách hàng này có quyền khởi kiện trong một vụ án dân sự khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm