Nhiều ca tay-chân-miệng ở TP.HCM phải thở máy, lọc máu

(PLO)- Số ca mắc tay-chân-miệng ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam liên tục tăng, trong đó nhiều ca khi nhập viện đã trở nặng, phải thở máy, lọc máu.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi đồng 1, TP.HCM đang điều trị nội trú hơn 60 ca tay-chân-miệng (TCM). “Hai tuần nay ca nhập viện tăng. Trẻ ra vô phòng cấp cứu liên tục nên đôi khi hai trẻ phải chung một giường” - bác sĩ (BS) Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, cho hay.

Bệnh diễn tiến nhanh, nhiều ca trở nặng

Theo PGS-TS-BS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc BV Nhi đồng 1, khoa đang điều trị sáu ca TCM nặng cấp độ 3 và 4. Trong đó, có hai ca thở máy, một ca vừa thở máy vừa lọc máu, ba ca đã cai máy thở.

“Ca vừa thở máy vừa lọc máu là bệnh nhi 19 tháng tuổi (ngụ Bình Dương), mắc TCM cấp độ 4. Trước đó, bệnh nhi bị nổi bóng nước, khám ở BV địa phương BS chẩn đoán mắc TCM nặng, đề nghị nhập viện điều trị, sau đó người nhà xin chuyển lên BV Nhi đồng 1.

Bệnh nhi lọc máu đang điều trị tại khoa Hồi sức tích cực - chống độc BV Nhi đồng 1, TP.HCM. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Bệnh nhi lọc máu đang điều trị tại khoa Hồi sức tích cực - chống độc BV Nhi đồng 1, TP.HCM. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

“Bệnh nhi nhập viện ngày 19-6 trong tình trạng suy hô hấp, sốc, phù phổi cấp độ 4, phải đặt nội khí quản, thở máy, truyền tĩnh mạch, chống sốc. Do bệnh TCM cấp độ 3 chuyển sang cấp độ 4 rất nhanh nên bệnh nhi phải lọc máu. Đã qua 20 giờ lọc máu, tình trạng bệnh nhi có cải thiện song vẫn còn rất nặng, các BS đang theo dõi đáp ứng điều trị” - BS Quang chia sẻ.

Còn tại BV Nhi đồng 2, ngày 20-6, số ca nhập viện điều trị nội trú TCM là 45 trẻ. Hiện BV đang điều trị một trường hợp nặng là bệnh nhi ba tuổi (ngụ Bình Thuận), nhập viện ngày 15-6 trong tình trạng sốt cao liên tục, mạch và huyết áp tăng cao, giật mình run chi, chẩn đoán TCM cấp độ 3.

2.047 là số ca mắc TCM tích lũy đến nay tại TP.HCM, theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC).

BS Nguyễn Trung Bạo, khoa Hồi sức - Nhiễm, cho biết bệnh nhi đã được đặt nội khí quản, thở máy, truyền kháng thể. Tuy nhiên, sau đó bệnh chuyển nặng lên cấp độ 4 nên phải lọc máu. Sau lọc máu ba ngày, bệnh nhi có dấu hiệu thần kinh ổn, giảm sốt, tri giác tỉnh nên được ngưng lọc máu và cai máy thở.

Chị HTMT (mẹ bệnh nhi) kể trước đó bé chỉ sốt nhẹ, sau đó sốt cao 39 độ C, lau mát và uống thuốc hạ sốt không hạ. Hôm sau bé nổi hồng ban ở lòng bàn chân và miệng, nghi con mắc TCM chị đưa đến khám ở BV tư. “BS cho uống thuốc nhưng bé vẫn sốt cao, ngủ giật mình chới với nhiều cơn nên tôi đưa bé lên BV tỉnh khám. BS chẩn đoán bé mắc TCM cấp độ 2B, đề nghị chuyển lên BV Nhi đồng 2. Hiện bé đã tỉnh táo hơn nhiều” - chị T nói.

Nguy cơ thiếu thuốc

Theo BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM, năm nay số ca TCM chuyển nặng cao hơn năm trước. “Nhiều người tự trị bệnh tại nhà cho trẻ, khi trẻ đến BV thì đã bệnh nặng. Thêm nữa, hai năm dịch COVID-19 trẻ không được tiếp xúc nhiều nên miễn dịch kém, nợ miễn dịch, lúc nhiễm bệnh dễ trở nặng” - BS Khanh nhận định.

Cũng theo BS Khanh, nếu không phòng ngừa tốt, TCM sẽ kéo đến hết tháng 10, khi đó các BV sẽ thiếu thuốc. BV Nhi đồng 1 đang thiếu Phenobarbital tan truyền (truyền tĩnh mạch), phải thay thế bằng thuốc Phenobarbital dạng uống. Thuốc Immunoglobulin truyền tĩnh mạch vẫn còn nhưng nếu số ca tiếp tục tăng, thời gian tới chắc chắn sẽ thiếu.

BS Quang cho hay các tỉnh đang thiếu thuốc Immunoglobulin truyền tĩnh mạch, riêng TP.HCM vẫn còn nên bệnh nhi các tỉnh chuyển về TP điều trị tăng. Hiện BV Nhi đồng 1 đang tích cực tìm nguồn cung ứng thêm các loại thuốc hỗ trợ điều trị TCM nặng. Các mẫu bệnh phẩm của ca TCM nặng BV gửi đi kiểm tra đều cho kết quả nhiễm EV71, chưa phát hiện thêm chủng nào khác.

“Nhận biết TCM không khó, nếu trẻ xuất hiện những bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông, cổ họng hay có dấu hiệu giật mình chới với, cha mẹ nên đưa ngay con đến các cơ sở y tế. Diễn tiến bệnh TCM rất nhanh, từ nặng chuyển qua tử vong chỉ trong 24 tiếng, do đó nếu điều trị kịp thời thì cơ hội sống sẽ nhiều hơn” - BS Quang lưu ý.

Còn theo BS Nguyễn Trung Bạo, một tháng qua số ca TCM nhập viện điều trị tại BV Nhi đồng 2 tăng cao, bệnh nhi các tỉnh chuyển lên nhiều. “Đa số phụ huynh tự nhận biết triệu chứng TCM, song khi đưa con đến BV khám thì đều đã nặng. Nếu trẻ mắc bệnh, kể cả khi dấu hiệu nhẹ cha mẹ vẫn nên đưa con đi khám để được tư vấn điều trị đúng cách” - BS Bạo khuyến cáo.

Dấu hiệu nặng và cách phòng ngừa

Dấu hiệu nặng của bệnh TCM là sốt cao khó hạ, sốt trên hai ngày, nôn ói nhiều, run chi, đi đứng loạng choạng, thở nhanh bất thường, da lạnh, li bì hôn mê. Khi trẻ mắc một trong các dấu hiệu này, phải nhanh chóng đưa trẻ đến BV điều trị.

Để phòng ngừa TCM cho trẻ, cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước sạch trước và sau khi ăn, đi ngoài đường về và sau khi đi vệ sinh. Nếu trẻ nhiễm bệnh nên cách ly và hạn chế đến nơi công cộng để hạn chế lây lan.

BS NGUYỄN TRẦN NAM, Phó Giám đốc BV Nhi đồng Thành phố, TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm