2 bệnh viện phối hợp cứu sống trẻ có khối bướu cổ khổng lồ

(PLO)- Bệnh viện Nhi đồng Thành phố phối hợp Bệnh viện Từ Dũ phẫu thuật cứu sống trẻ sơ sinh mắc khối bướu vùng cổ khổng lồ một cách ngoạn mục.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 21-6, Bệnh viện (BV) Nhi đồng Thành phố, TP.HCM, thông tin vừa phối hợp BV Từ Dũ phẫu thuật Exit cứu sống trẻ sơ sinh mắc khối bướu rất to, giúp mẹ tròn con vuông một cách ngoạn mục.

Theo đó, em bé có khối bướu vùng cổ khổng lồ to bằng kích thước đầu ngay trong bào thai, chèn ép đường thở nặng. Các bác sĩ (BS) sản và nhi quyết định đặt nội khí quản ngay khi vừa rạch cơ tử cung mẹ đưa đầu em bé ra ngoài.

Sản phụ là chị BTXH (32 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) mang thai lần 2, sàng lọc dị tật và tiền sản giật ba tháng đầu có kết quả nguy cơ thấp. Đến tuần thai 21, chị H đi khám và siêu âm hình thái phát hiện vùng mặt và cổ bên phải thai nhi có khối echo hỗn hợp kích thước 26x39x28 mm, nghi là bướu bạch huyết vùng mặt cổ bên phải.

Hai bệnh viện sản và nhi phối hợp cứu sống trẻ sơ sinh mắc khối bướu cổ khổng lồ. Ảnh: BVCC

Hai bệnh viện sản và nhi phối hợp cứu sống trẻ sơ sinh mắc khối bướu cổ khổng lồ. Ảnh: BVCC

Chị H được các BS tư vấn chọc ối để xác định các bất thường nhiễm sắc thể hoặc đột biến gene có thể có. Vì lo lắng nguy cơ có khả năng sẩy thai sau chọc ối nên chị quyết định không làm. Lần mang thai này, chị H cũng bị đái tháo đường thai kỳ và tiếp tục điều trị tiết chế giống lần đầu tiên.

Thai nhi càng lớn kích thước khối bướu vùng cổ cũng tăng lên. Thai 26 tuần khối bướu là 56x64x54 mm; thai 31 tuần kích thước khối bướu tăng lên 95x58x95 mm. Hình ảnh MRI có dấu hiệu chèn ép nhẹ vùng hầu họng nhưng nhu mô não của thai nhi không bị tổn thương.

Khi được 34 tuần 6 ngày, hội chẩn liên chuyên khoa sản và nhi đánh giá đây là trường hợp kích thước khối u lớn, tiên lượng nặng, có khả năng suy hô hấp sau sinh.

Do đó, BV Từ Dũ phối hợp BV Nhi đồng TP hội chẩn và thống nhất sẽ tiến hành phẫu thuật Exit khi thai lớn hơn 37 tuần, lúc này khả năng hô hấp của thai nhi gần giống những ca đủ trưởng thành.

Các BS cho biết thêm, đối với trường hợp khối bướu to gây chèn ép đường thở trong bào thai, khi đặt nội khí quản có thể gặp nhiều khó khăn hơn bình thường. Trường hợp này có thể dẫn đến nguy cơ trẻ bị ngạt, suy hô hấp và tử vong.

Có những trẻ mắc bệnh lý nguy hiểm từ khi còn trong bào thai, nếu sinh ra cắt dây rốn thì trẻ sẽ tử vong trên bàn mổ.

BV Nhi đồng TP và BV Từ Dũ đã phối hợp đặt nội khí quản thai nhi và thông khí khi sinh, can thiệp khẩn cấp khi đầu trẻ vừa nhô khỏi bụng mẹ. Sau khi ra đời, trẻ được cắt dây rốn và nhanh chóng chuyển về BV Nhi đồng TP để ổn định hồi sức, phẫu thuật, chăm sóc và tiếp tục điều trị tích cực.

Hiện trẻ đã được tiêm xơ hóa giảm kích thước bướu từng giai đoạn và rút nội khí quản hỗ trợ thở; bắt đầu tự thở, tiêu hóa tốt và có tăng cân.

Các BS chia sẻ thêm, để tăng cơ hội sống cho trẻ, chỉ có một phương pháp là can thiệp đặt nội khí quản ngay trước khi đưa trẻ ra ngoài tử cung người mẹ. Ngày nay, sự phát triển của y khoa giúp phát hiện các trường hợp thai kỳ bất thường và có giải pháp theo dõi, can thiệp kịp thời, phù hợp nhằm tăng cơ hội sống tốt, sống khỏe mạnh cho trẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm