Toàn cảnh giao thông TP.HCM năm 2019 - Bài 1

Nhiều con đường cần nâng cấp, sửa chữa

Đến hết năm 2019, ở TP.HCM vẫn còn tồn tại nhiều tuyến đường ngập sâu hoặc xuống cấp nghiêm trọng cần được cơ quan chức năng nhanh chóng đầu tư, sửa chữa để ổn định đời sống dân sinh. Bên cạnh đó, năm 2019, TP.HCM hứa hẹn sẽ thay đổi diện mạo nhờ hàng loạt dự án trọng điểm hoàn thành, song trên thực tế nhiều dự án vẫn lỗi hẹn.

Những tuyến đường cần gấp rút sửa chữa

Nhiều tuyến đường hư hỏng, xuống cấp cần được đầu tư để góp phần thay đổi cuộc sống người dân, cải thiện tình trạng kẹt xe và phục vụ quá trình chỉnh trang đô thị. Điển hình như đường Tân Thới Nhất 8 (quận 12), Lương Định Của (quận 2), Nữ Dân Công, Quách Điêu (huyện Bình Chánh).

Theo ghi nhận của PV, đường Tân Thới Nhất 8 (đoạn từ đường Phan Văn Hớn đến rạch Cầu Sa) nhiều đoạn mặt đường bị bong tróc, nhiều chỗ có hố sâu lan rộng, người đi xe máy phải di chuyển với tốc độ rất chậm để tránh rủi ro.

Nói về mốc thời gian triển khai cải tạo đường Tân Thới Nhất 8, ông Nguyễn Hoàng Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Thới Nhất, cho biết Sở GTVT đã giao UBND phường Tân Thới Nhất và UBND quận 12 cắm mốc ranh giới thực địa tuyến đường này để lập phương án bồi thường. Đầu năm 2020 sẽ tiến hành công tác bồi thường cho các hộ dân và triển khai công trình.

Một tuyến đường ngoại thành được người dân vô cùng kỳ vọng được nâng cấp, sửa chữa là đường Nữ Dân Công (huyện Bình Chánh). Thời gian qua, tuyến đường này đã làm người dân khu vực vô cùng ngao ngán khi trước cửa mỗi nhà có một hố nước lớn. Người dân ví von “mỗi nhà có một hồ bơi trước cửa”.

Trước tình trạng trên, UBND huyện Bình Chánh cũng đã tiến hành khởi công nâng cấp đường và xây dựng hệ thống thoát nước. Hiện tại các “hồ bơi” cũng tạm thời được lấp.

Tuy nhiên, chị Lương Đông Y (ngụ trên đường Nữ Dân Công) bày tỏ: “Sửa chữa đường Nữ Dân Công thì nhà nhà ở đây rất vui mừng nhưng mặt đường hẹp cộng thêm công trường thi công nên rất gian nan cho người dân đi lại. Chúng tôi hy vọng con đường Nữ Dân Công được nhanh chóng hoàn thành để đời sống người dân được ổn định”.

Kế bên đường Nữ Dân Công là đường Quách Điêu, Phạm Văn Sáng cũng xuống cấp trầm trọng trong nhiều năm nay do lượng xe tải lưu thông qua khu vực quá lớn. Tình trạng kẹt xe kéo dài thường xuyên xảy ra tại khu vực, người dân lưu thông luôn trong tâm trạng nơm nớp lo sợ bị chôn chân khi di chuyển qua đây.

Nói về thực trạng tại các tuyến đường trên, ông Bùi Trọng Thống, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Bình Chánh, cho biết việc sửa chữa, nâng cấp đường Nữ Dân Công và Quách Điêu là điều mà người dân mong chờ nhất. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án còn gặp một số khó khăn, vướng mắc về trình duyệt dự án cho Sở GTVT.

Hiện nay, hai tuyến đường trên đã chính thức triển khai, 100% hộ dân ủng hộ và đã bàn giao mặt bằng. Trước mắt, ban quản lý dự án, đơn vị thi công đã đổ đá và dùng một số biện pháp nhằm đảm bảo an toàn lưu thông cho người dân trong thời gian thi công. Đây là tuyến đường quan trọng, có lượng phương tiện lưu thông lớn trên địa bàn huyện Bình Chánh nên đơn vị thi công sẽ cố gắng hoàn thiện đúng tiến độ.

Phía đông TP.HCM phải kể đến đường Lương Định Của (quận 2) cũng ỳ ạch thi công cầm chừng vì vướng mặt bằng. Ngập úng vào mùa mưa và bụi bặm vào mùa nắng là “đặc sản” của tuyến đường này. Vào những ngày cuối năm, công trình đã vắng bóng công nhân mặc dù máy móc, vật liệu xây dựng vẫn xếp ngổn ngang. Ngoài ra, hàng rào phân cách và cống thoát nước vẫn vứt chỏng chơ tại hiện trường dự án.

Ngập sâu trên đường Phạm Hùng mỗi khi có mưa và triều cường. Ảnh: THU TRINH

Tỉnh lộ 9 lầy lội như ruộng cày mỗi khi trời mưa lớn. Ảnh: ĐÀO TRANG

Đường Tân Thới Nhất 8 xuống cấp nghiêm trọng khiến giao thông gặp nhiều khó khăn. Ảnh: THU TRINH

Các “rốn ngập” cần nhanh chóng khắc phục

Những tuyến đường chưa được nâng cấp hoặc thiếu cống thoát nước nên ngập sâu trên diện rộng mỗi khi có triều cường có thể kể đến đường Phạm Hùng (quận Bình Chánh); tỉnh lộ 9, Tô Ký (Hóc Môn); đường Nguyễn Văn Hưởng (khu Thảo Điền, quận 2),...

Gần đây nhất tại tuyến đường Phạm Hùng luôn bị ngập sâu làm người dân ngao ngán. Người dân khu vực cho rằng ngoài lý do triều cường gây ngập, một phần là do hệ thống mặt đường chưa được nâng cấp toàn diện. Đặc biệt ngập sâu nhất là đoạn gần chân cầu Tắc Bến Rô.

Tương tự, tại huyện Hóc Môn có đường Tô Ký, tỉnh lộ 9 (tên hiện nay là Đặng Thúc Vịnh), cũng vướng cảnh hễ mưa là ngập và lầy lội như ruộng cày. Nguyên nhân là do đường không có hệ thống thoát nước. Mỗi khi mưa là toàn bộ nước mặt chảy lênh láng trên đường, nước chảy tràn vào nhà dân, gây ngập cả một khu vực.

Ban quản lý các công trình giao thông TP cho biết: Hai dự án này hiện còn vướng mặt bằng nên chưa thể nhanh chóng hoàn thiện. Hiện dự án nâng cấp, mở rộng đường Tô Ký hoàn thành được 80%, còn tỉnh lộ 9 đang phải thi công cầm chừng. Theo đó, vị đại diện này cho biết sau khi hai dự án này hoàn thiện sẽ góp phần thay đổi bộ mặt huyện Hóc Môn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Tại quận 2, khu vực phường Thảo Điền cứ có mưa và triều cường là ngập sâu, nhất là đường Nguyễn Văn Hưởng vốn được coi là rốn ngập của phường này. Ngập sâu nhất là trước Trường quốc tế The American school khiến nhiều phụ huynh phải “bơi” khi đưa đón con đi học.

Trước thực trạng trên, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị cho biết để giải quyết tình trạng ngập nước cho phường Thảo Điền thì cần triển khai ba dự án liên quan. Cụ thể, bên cạnh việc thực hiện xây đê bao ngăn triều thì cần cải tạo hệ thống cống thoát nước và xây dựng dự án đê bao bờ tả sông Sài Gòn. Sau khi hoàn thành các dự án trên thì mới ngăn được triều cường từ sông xâm nhập.

Những công trình lỗi hẹn năm 2019

Các công trình lỗi hẹn về đích năm 2019 cũng xuất phát từ nguyên nhân chủ yếu là do vướng mặt bằng và để khắc phục được tình trạng này cũng là bài toán khó giải của ngành giao thông... Điển hình như dự án hầm chui An Sương (nhánh N2), dự án Bến xe Miền Đông mới, dự án mở rộng cầu Chữ Y.

Theo ghi nhận, tại hiện trường dự án hầm chui An Sương (quận 12 và huyện Hóc Môn) đang ngừng thi công ở nhánh N2. Trong khi đó, nhánh N2 vào giờ cao điểm lượng phương tiện từ QL22 cùng với các phương tiện từ Bến xe An Sương đổ ra gây kẹt xe nghiêm trọng tại rào chắn thi công dưới cầu vượt An Sương.

Trước đó, chủ đầu tư dự án cho hay dự án sẽ hoàn thành và thông xe vào đầu năm 2019. Tuy nhiên, cũng vì lý do vướng mặt bằng nên đến nay dự án này vẫn chưa hoàn thành.

Bến xe Miền Đông mới được kỳ vọng khi hoàn thành sẽ góp phần giảm tải cho khu vực Bến xe Miền Đông hiện hữu. Đến nay, mặc dù các hạng mục trong bến đã dần hoàn thành nhưng những con đường kết nối với bến xe chưa được chỉnh trang, thậm chí còn xuống cấp do lượng xe container, xe tải lưu thông qua đây khá lớn.

Dự án này đã nhiều lần gia hạn hoàn thành. Lần gần đây nhất, chủ đầu tư dự án dự kiến sẽ hoàn thành và khai thác vào quý 4-2019. Nhưng đến nay công trình vẫn chưa hẹn ngày về đích.

Một dự án nữa được kỳ vọng hoàn thành trong năm 2019 là việc mở rộng cầu Chữ Y. Dự án này được mở rộng cả ba nhánh cầu Chữ Y nối quận 5 với quận 8 nhằm giảm ùn tắc giao thông trên cầu và các tuyến đường quanh khu vực. Dự kiến tháng 6-2019 sẽ hoàn thành nhưng những ngày cuối cùng của năm 2019, dự án vẫn chưa về đích và đành lỗi hẹn đến năm sau (2020).

Kẹt xe ở khắp nơi trên địa bàn TP

Bốn khu vực trọng yếu cần phải kết hợp các giải pháp chống kẹt xe, ùn tắc ở TP.HCM là khu nam, khu đông và sân bay Tân Sơn Nhất.

Ở cửa ngõ phía nam, vào giờ tan tầm, tại giao lộ Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh (quận 7) và đường Nguyễn Tất Thành (quận 4) thường xuyên bị kẹt nghiêm trọng. Xe máy leo lề, ô tô phải ngừng di chuyển.

Tại cửa ngõ phía đông TP, hướng lưu thông từ đường Võ Chí Công qua vòng xoay Mỹ Thủy, các hướng lưu thông trên trục Đồng Văn Cống - Nguyễn Thị Định ra vào cảng Cát Lái liên tục bị xung đột khiến tình trạng ùn tắc thêm phức tạp.

Tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, các tuyến đường chính kết nối với sân bay như Bạch Đằng, Trường Sơn, Hồng Hà, Phổ Quang, Hoàng Văn Thụ… vào giờ cao điểm tình trạng kẹt xe cũng luôn là nỗi ám ảnh của người dân. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm