Nhiều công trình giao thông chất lượng thấp, lại đổ nợ

Rơi dầm cầu, đổ sập đà giáo, mặt đường bị rạn nứt; mố cầu bị chuyển vị, dầm cầu bị nghiêng đổ… là những sự cố đã xảy ra đối với các công trình giao thông trong thời gian vừa qua, gây lãng phí tiền của và bức xúc trong dư luận. Để chấn chỉnh tình trạng này, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã quyết định lấy năm 2011 là “năm chất lượng công trình giao thông”.

ISO: Chỉ thực hiện ở văn phòng

Theo ông Trần Quốc Việt, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng công trình xây dựng giao thông, nhiều công trình được xây dựng trong năm 2010 này đã đóng góp nhiều vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, ông Việt thừa nhận: Có không ít dự án khi vừa mới đưa vào sử dụng đã xuất hiện những hư hỏng. Điển hình như những sự cố lún và sụt đường hai đầu cầu, mặt cầu bị rạn nứt… như công trình thảm mặt cầu Thăng Long (Hà Nội), hay tuyến đường tránh Phú Yên, quốc lộ 91 qua Cần Thơ, quốc lộ 53 qua Vĩnh Long… “Ngoài nguyên nhân khách quan như nguồn vốn đầu tư hạn hẹp, lưu lượng vận tải tăng nhanh, thiên tai… thì sự hư hỏng của các công trình trên có một phần từ chủ đầu tư. Nhiều ban quản lý dự án khi được giao làm chủ đầu tư các dự án có quy mô lớn, có yêu cầu kỹ thuật cao đã giao toàn bộ công tác quản lý chất lượng cho tư vấn giám sát. Hợp đồng giữa các bên lại không rõ ràng. Vì vậy, khi xảy ra sự cố, cán bộ ban quản lý dự án không nắm được trình tự thi công” - ông Việt nói.

Nhiều công trình giao thông chất lượng thấp, lại đổ nợ ảnh 1

Sự cố sập dầm cầu cạn Pháp Vân vào tháng 4-2010 từng khiến dư luận bức xúc. Ảnh: THÀNH VĂN

Bên cạnh đó, “nhiều đơn vị tuy đã xây dựng được tiêu chuẩn ISO 9001:2000 nhưng chỉ thực hiện ở văn phòng mà không triển khai tổ chức tại hiện trường. Chất lượng nhân lực của nhà thầu chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều đơn vị sử dụng lao động thời vụ không qua đào tạo để giảm chi phí. Có nhà thầu đã hạ giá thầu một cách thiếu căn cứ để được giao công trình, sau đó họ hạ tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm để bù đắp” - ông Việt chỉ rõ.

Cũng theo ông Việt, do nhu cầu, hiện các công ty tư vấn xuất hiện tràn lan, đã có hiện tượng một số doanh nghiệp (DN) tư vấn hoạt động kiểu “tay không bắt giặc”, chỉ mở DN mà không có thực lực, chủ yếu thuê, mượn người để thực hiện dịch vụ tư vấn công trình.

Nhiều DN thua lỗ lớn

Báo cáo của Vụ Tài chính thuộc Bộ Giao thông vận tải về thực trạng quản lý tài chính của các tổng công ty xây lắp giao thông cho biết có đến 18 DN thuộc bảy tổng công ty đã thua lỗ âm vốn Nhà nước. Đến nay, Bộ đã xử lý các tồn tại tài chính của bảy công ty, những đơn vị còn lại thì việc xử lý là hết sức khó khăn do vướng mắc về cơ chế, thủ tục, cũng như do các đơn vị kinh doanh thua lỗ quá lớn.

“Đối với các tổng công ty xây lắp, nhìn chung hệ số nợ cao, đều quá ba lần vốn điều lệ. Ngoài nguy cơ mất khả năng thanh toán còn làm cho chi phí lãi vay lớn, DN bị động dẫn đến hiệu quả kinh doanh thấp, không có tích lũy” - ông Đỗ Văn Quốc, Vụ trưởng Vụ Tài chính, cảnh báo. Ông Quốc đề nghị cần có các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản trị tài chính của các tổng công ty xây lắp. Trong đó cần có biện pháp quản lý chặt chẽ công nợ để trước mắt không tăng thêm hệ số nợ, đồng thời phân loại công nợ phải thu và có biện pháp thu hồi đối với các khoản nợ đã quá hạn.

Trong năm 2010, cả nước đã xây dựng mới và cải tạo khoảng 1.000 km đường bộ, trên 8,7 km cầu và nhiều công trình nhà ga, sân đỗ…

Một số công trình giao thông tai tiếng

Dự án thảm mặt cầu Thăng Long (Hà Nội): đầu tư gần trăm tỉ đồng, hoàn thành và đưa vào sử dụng từ cuối tháng 12-2009 nhưng đến nay đã phải trải qua sáu lần sửa chữa hỏng hóc.

Đường dẫn cầu cạn Pháp Vân (Hà Nội): Ngày 18-4-2010, bốn phiến dầm tại gói thầu 3A xây dựng cầu cạn Pháp Vân kéo dài thuộc dự án xây dựng cầu Thanh Trì và đoạn tuyến Nam vành đai 3 TP đã bất ngờ đổ sập.

Cầu Hàm Luông (Bến Tre): Được đầu tư xây dựng với kinh phí trên 786 tỉ đồng, hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 4-2010. Đến ngày 2-10-2010, tại vị trí cống hộp trên đường dẫn vào cầu Hàm Luông - phía Mỏ Cày đã có hiện tượng sụt mặt đường tạo thành lỗ với kích thước khoảng 1,5 x 1,5 m, sâu 4 m.

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm