Trong bối cảnh lãi suất tăng mạnh, nhiều doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn về nguồn vốn nhưng cũng có không ít công ty đang lãi đậm nhờ nắm giữ lượng tiền mặt lớn. Điều này thể hiện rất rõ trong báo cáo tài chính của những công ty này.
Lãi to nhờ gửi ngân hàng
Trong một tháng qua, cổ phiếu của Tập đoàn Hòa Phát liên tục lao dốc, mất hơn 30% giá trị. Làn sóng bán tháo cổ phiếu Hòa Phát khi công ty này thông báo lỗ kỷ lục gần 1.800 tỉ đồng trong quý III-2022, do hàng tồn nhiều trong khi sản lượng bán chậm. Còn nếu xét theo năm, cổ phiếu này giảm sâu khi mất 58% giá trị. Đây cũng là nguyên nhân khiến ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, rơi khỏi bảng xếp hạng những tỉ phú USD của thế giới trong thời gian gần đây, trước khi quay lại bảng xếp hạng này vào ngày 18-11.
Đáng chú ý, dù kinh doanh đang gặp khó nhưng “vua thép” Hòa Phát lại khá xông xênh về tiền mặt. Báo cáo tài chính của đơn vị này nêu rõ tổng lượng tiền mặt đã leo lên con số gần 12.000 tỉ đồng, trong đó có hơn 2.500 tỉ đồng gửi ngân hàng. Riêng quý III-2022, Hòa Phát đã thu lãi tiền gửi lên đến con số 485 tỉ đồng.
Tương tự, trong bối cảnh dịch bệnh, hoạt động kinh doanh của Vietnam Airlines không dễ dàng. Báo cáo của đơn vị này cho hay kết thúc quý III-2022 tập đoàn tiếp tục lỗ nhưng đã giảm khoản lỗ nhẹ hơn sau hai kỳ lỗ nặng liên tiếp trong quý I và quý II-2022. Vietnam Airlines hiện vẫn đối diện với nhiều yếu tố khách quan như thị trường vận chuyển quốc tế phục hồi chậm, các rủi ro về tỉ giá biến động, lãi suất tăng.
Nhưng Vietnam Airlines vẫn đang nắm giữ lượng tiền mặt rất lớn lên đến hơn 3.000 tỉ đồng và hơn 90% số tiền này đang gửi ngắn hạn và dài hạn trong ngân hàng. Lũy kế chín tháng đầu năm nay, Vietnam Airlines đã thu về gần 100 tỉ đồng tiền lãi, qua đó giúp bổ sung dòng tiền cho hoạt động kinh doanh của mình.
Đặc biệt nhiều ông lớn kinh doanh tốt còn sở hữu khối lượng tiền mặt khổng lồ. Chẳng hạn, Vinamilk đang có gần 23.000 tỉ đồng gửi ngân hàng và thu lãi 885 tỉ đồng tính từ đầu năm đến nay. Một đại gia khác trong ngành hàng không là Tập đoàn ACV còn có khoản tiền gửi ngân hàng khủng với hơn 30.000 tỉ đồng và đã nhận về khoản lãi trên 1.000 tỉ đồng.
Có ưu thế kinh doanh trên thị trường
Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán KBSV nhận định trong bối cảnh kinh tế khó khăn thì nhiều ngành thực phẩm, bán lẻ, công nghệ thông tin, thiết bị và dịch vụ dầu khí đang sở hữu lượng tiền mặt rất lớn nhờ vào hoạt động kinh doanh ổn định cũng đã bỏ tiền vào ngân hàng rất lớn. Chẳng hạn, các công ty dầu khí PTSC, đạm Phú Mỹ và Cà Mau đang có khoản tiền gửi lên đến hàng ngàn tỉ đồng mỗi đơn vị.
Các ngân hàng tăng mạnh lãi suất huy động trong thời gian qua để thu hút khách hàng gửi tiền, kể cả các đại gia. Ảnh: TL |
Đại diện một số công ty cũng giải thích họ hưởng lợi từ giá dầu tăng, hàng xuất khẩu tốt, chiếm thị phần lớn trong kinh doanh đã thu khoản tiền mặt lớn và gửi ngân hàng. Điều này cho phép họ ít phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng.
Bên cạnh đó, tình hình kinh tế không thuận lợi gây bất ổn đến dòng tiền trong tương lai và đây cũng là lý do khiến nhiều công ty tích trữ tiền mặt thay vì đẩy mạnh kinh doanh đầu tư. Suy thoái kinh tế cũng khiến nhiều công ty lo lắng về mức độ tài chính nếu như không bán được hàng, thiếu tiền để thanh toán các nghĩa vụ tài chính, nên có nguồn tiền sẵn sẽ giúp họ tránh được các căng thẳng này.
Nhiều tiền cũng có… hai mặt
TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, nhìn nhận trong tình hình kinh tế tốt, diễn biến bình thường, lãi suất thấp thì nợ vay giúp các DN tăng mạnh tỉ suất lợi nhuận thông qua đòn bẩy tài chính. Nhưng với việc nền kinh tế toàn cầu nhiều bất định, các rủi ro kinh doanh vẫn còn nhiều nguy cơ thì các công ty đang vay nợ lớn đối diện với các vấn đề dễ gây tổn hại về hoạt động kinh doanh, đặc biệt khi lãi suất đang tăng mạnh như hiện nay.
Trong khi đó, các DN sở hữu khối lượng tiền mặt dồi dào đang có nhiều lợi thế như dễ dàng xử lý các tình huống kinh doanh đang xấu đi, dễ dàng lựa chọn các kế hoạch đầu tư. Đặc biệt, lượng tiền mặt dồi dào mang lại niềm tin cho cổ đông về giá trị DN vững bền trong bối cảnh thị trường chứng khoán giảm điểm, trái phiếu đang gặp không ít thách thức.
“Ngoài ra, nắm giữ tiền mặt lớn hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay khi nguồn vốn tín dụng ngân hàng ngày càng khó tiếp cận” - vị chuyên gia chia sẻ.
Chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải cũng đánh giá trong bối cảnh lãi suất tăng mạnh thì giải pháp gửi tiền vào ngân hàng thu lãi là hợp lý vì rủi ro thấp, đồng thời buộc “tiền đẻ ra tiền” nếu như chưa có dự án đầu tư mới khả thi trong tương lai. Tuy nhiên, vị chuyên gia kinh tế này cũng lưu ý rằng các công ty nắm giữ tiền mặt vượt trội chưa chắc đã hoàn toàn có lợi, bởi họ có thể dễ rơi vào tình trạng đầu tư dưới mức kỳ vọng vào các dự án không hiệu quả hoặc đầu tư quá mức khiến tỉ suất sinh lợi quá thấp.
Điều mấu chốt là với nguồn tiền mặt lớn và sẵn có, các công ty có thể thâu tóm DN khác và thâm nhập các loại hình kinh doanh khác nhau để mở rộng nguồn thu trong tương lai, hay đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) để tạo ra sản phẩm vượt trội so với đối thủ; mở rộng quy mô sản xuất cũng như trụ vững mà không gặp bất kỳ vấn đề gì trong thời kỳ kinh tế suy thoái. Nhưng nắm nhiều tiền cũng cho thấy có thể các ông chủ DN chưa tìm thấy các cơ hội đầu tư mới, hay không dám mạo hiểm đưa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, dẫn đến dòng vốn chưa được khai thông.
Tiền gửi chảy về ngân hàng
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho hay tính đến hết tháng 7-2022, tổng số dư tiền gửi của người dân tại các ngân hàng đạt khoảng 5,629 triệu tỉ đồng, tăng 6,2% so với cuối năm ngoái. Nếu tính theo số tuyệt đối, trong bảy tháng đầu năm nay, người dân đã gửi thêm hơn 328.500 tỉ đồng vào hệ thống ngân hàng.
Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tại hệ thống ngân hàng tăng thêm gần 121.000 tỉ đồng, tương đương tăng 2,13% so với cuối năm ngoái. Mặc dù tiền gửi của tổ chức kinh tế vẫn tăng so với hồi đầu năm nhưng tốc độ tăng trưởng chậm lại đáng kể.
Nguyên nhân chính khiến số dư tiền gửi của người dân tại ngân hàng tăng là do mặt bằng lãi suất tiền gửi tăng mạnh trong thời gian gần đây.