Nhiều đề xuất mới về kinh doanh xăng dầu

(PLO)- Bộ Công Thương đề xuất rút ngắn thời gian công bố giá xăng dầu từ 10 ngày xuống còn bảy ngày, công bố cố định vào thứ Năm hằng tuần.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ Công Thương vừa có báo cáo tóm tắt tờ trình về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu gửi Văn phòng Chính phủ ngày 10-10.

Sửa đổi quy định cách tính chi phí

Nội dung được quan tâm nhất là về công thức tính giá, Bộ Công Thương đưa ra hai phương án để lựa chọn. Phương án 1 là giữ nguyên quy định hiện hành nhưng cần rà soát một số chi phí thực tế phát sinh, đồng thời sửa đổi quy định về phương thức và tần suất xác định các chi phí để đảm bảo tính đủ, kịp thời các chi phí trong giá cơ sở do Nhà nước công bố.

Phương án 2 là sửa đổi công thức, phương pháp công bố giá cơ sở theo hướng Nhà nước chỉ công bố các yếu tố cấu thành giá. Các doanh nghiệp (DN) đầu mối căn cứ các chi phí thực tế của mình để tự xác định và công bố giá bán lẻ, báo cáo về Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để giám sát.

xangdau_hoanggiang (7).jpg
Bộ Công Thương đề xuất cho đại lý bán lẻ được lấy hàng từ nhiều nguồn nhưng tối đa không quá ba nguồn. Ảnh: HOÀNG GIANG

Bộ Công Thương cho biết đã hai lần xin ý kiến phương án về công thức giá. Kết quả có sáu bộ lựa chọn phương án 1. Bộ Công Thương cũng đề xuất lựa chọn phương án 1. Theo Bộ Công Thương, phương án 2 có thể góp phần ổn định nguồn cung nhưng cũng gây ra khó khăn trong việc kiểm soát giá xăng dầu. Và trong giai đoạn hiện nay, phương án 1 có nhiều ưu điểm hơn, kiểm soát được cả nguồn cung và giá bán trong nước.

Giá xăng dầu giảm mạnh

Chiều 11-10, liên bộ Công Thương - Tài quyết định điều chỉnh giảm giá mạnh các mặt hàng xăng dầu. Cụ thể, xăng A95 giảm 1.798 đồng/lít còn 23.044 đồng/lít; xăng E5 giảm 1.595 đồng/lít, còn 21.907 đồng/lít.

Các mặt hàng dầu diesel giảm 1.184 đồng/lít, dầu hỏa giảm 1.352 đồng/lít, dầu mazut giảm 1.214 đồng/lít. Sau điều chỉnh, giá dầu diesel ở mức 22.410 đồng/lít, dầu hỏa 22.464 đồng/lít, dầu mazut 16.238 đồng/kg.

Về phương thức điều hành giá xăng dầu, Bộ Công Thương đề xuất thời gian rà soát, công bố chi phí đưa vào giá xăng dầu hiện nay là sáu tháng sẽ rút ngắn xuống ba tháng. Trường hợp có biến động bất thường, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng quyết định điều chỉnh thời gian rà soát và công bố các loại chi phí.

Điều hành giá theo tuần, được lấy hàng từ ba nguồn

Về thời gian công bố giá xăng dầu, Bộ Công Thương đề xuất rút ngắn từ 10 ngày xuống còn bảy ngày, công bố cố định vào thứ Năm hằng tuần. Mục đích là để giá xăng dầu trong nước theo sát và cập nhật kịp thời biến động của giá xăng dầu trên thế giới.

Bộ Công Thương cũng đề xuất cho phép đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy hàng từ nhiều nguồn nhưng tối đa ba nguồn để tạo ra cạnh tranh và chiết khấu trên thị trường xăng dầu.

Bộ Công Thương cũng đề xuất bỏ hình thức tổng đại lý kinh doanh xăng dầu để chuỗi kinh doanh hoạt động hiệu quả hơn. Cùng đó, không bổ sung loại hình thương nhân bán lẻ xăng dầu độc lập vào chuỗi kinh doanh, vì sẽ ảnh hưởng tới ổn định của hệ thống phân phối đang vận hành ổn định hiện nay.

Doanh nghiệp bán lẻ nói gì?

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều công ty xăng dầu cho biết bản dự thảo mới nhất có nhiều thay đổi nhưng vẫn chưa giải quyết được rốt ráo những vấn đề bất cập của thị trường xăng dầu thời gian qua.

Về công thức giá, hầu hết các DN đều bày tỏ nghiêng về phương án 2 chứ không phải phương án 1 như đề xuất lựa chọn của Bộ Công Thương. Các DN xăng dầu cho rằng với phương án 2, khi Nhà nước chỉ công bố các yếu tố cấu thành giá, còn các DN đầu mối căn cứ chi phí thực tế của mình để tự xác định và công bố giá bán lẻ của DN. Qua đó sẽ bảo đảm các chi phí trong giá xăng dầu theo thực tế phát sinh đối với từng DN được tính đủ, kịp thời, tạo nguồn cung ổn định cho thị trường.

Ông Bùi Văn Dũng, Giám đốc một DN bán lẻ xăng dầu ở miền Bắc, bày tỏ: “Một số người lo lắng DN cố tình nâng giá bán lẻ lên nhưng họ quên mất rằng chúng ta còn có hai tập đoàn xăng dầu lớn của Nhà nước, quên mất tính cạnh tranh của các cửa hàng xăng dầu. Bởi nếu cửa hàng nào bán cao hơn thì người dân sẽ ngay lập tức tìm đến cửa hàng xăng dầu giá thấp hơn”.

Về đề xuất rút ngắn thời gian công bố giá xăng dầu, ông Văn Công Thật, Giám đốc Công ty TNHH KNJ Kim Ngọc (TP.HCM), cho rằng đây là một đề xuất hợp lý. Tuy nhiên, ông Thật góp ý việc ấn định thời gian điều hành giá vào thứ Năm hằng tuần cần được thực hiện trong cả ngày nghỉ, ngày lễ, Tết. Từ đó tránh tình trạng thời gian điều hành giá kéo dài, dẫn đến những bất cập như đã xảy ra thời gian qua.

Về đề xuất cho đại lý bán lẻ được lấy hàng từ nhiều nguồn nhưng tối đa không quá ba nguồn, giám đốc Công ty Xăng dầu Kim Ngọc cho rằng quy định này vẫn chưa hợp lý. “Việc khống chế chỉ được lấy hàng từ ba nguồn là vi phạm luật cạnh tranh. Nhà nước chỉ cần kiểm soát đầu vào để phục vụ điều hành an ninh năng lượng. Ngoài ra, cần tách bạch giữa nhập khẩu và bán buôn, bán lẻ” - ông Thật nói.

Về vấn đề chiết khấu, Bộ Công Thương dẫn Thông tư 104/2021 của Bộ Tài chính và cho rằng không cần phải quy định mức chiết khấu cụ thể. Tuy nhiên, các DN bán lẻ cho rằng phải công khai tỉ lệ các khâu được nhận trong chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức mà Thông tư 104 đã quy định.

“Thông tư 104 đẩy các khâu tự thỏa thuận với nhau là không ổn, dẫn đến chính sách xăng dầu chỉ có lợi cho một phía là đầu mối. Những kiến nghị của DN bán lẻ về việc công khai tỉ lệ được hưởng là chính đáng nhưng lại không được tiếp thu” - một DN bán lẻ xăng dầu chia sẻ.

Nới lỏng thu hồi giấy xác nhận kinh doanh xăng dầu

Bộ Công Thương cho biết Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 quy định các chế tài rất nghiêm khắc về thu hồi giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, vào thời điểm nguồn cung khan hiếm, cần có sự tham gia của nhiều nhà cung cấp xăng dầu nên nếu áp dụng quy định thu hồi ngay giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu của thương nhân sẽ dẫn đến hạn chế nguồn cung.

Do vậy, đối với một số vi phạm, dự thảo nghị định quy định thời gian cho phép thương nhân khắc phục vi phạm trong thời gian 90 ngày. Sau thời gian này nếu thương nhân không khắc phục được vi phạm sẽ bị thu hồi giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm