Nhiều điểm chưa rõ vụ giám đốc bị kết tội

TAND tỉnh Đắk Nông vừa xử phúc thẩm, tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm để điều tra về việc quản lý rừng đối với bị cáo Lê Tuấn Khang (giám đốc Xí nghiệp lâm nghiệp Đắk Ha).

Giao rừng trái pháp luật

Theo hồ sơ, tháng 8-2010, ông Nguyễn Văn Phúc là nhân viên quản lý, bảo vệ rừng của Xí nghiệp lâm nghiệp Đắk Ha trực thuộc Công ty TNHH MTV Gia Nghĩa (nay là Ban quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa) có nhu cầu nhận giao khoán đất rừng theo Nghị định 135/2005.

Ông Khang đã chỉ đạo Nguyễn Chí Đức (cán bộ kỹ thuật) tiến hành đo đạc, khảo sát, khoanh vẽ bản đồ để giao khoán đất rừng cho ông Phúc. Ngày 18-8-2010, ông Khang ký hợp đồng giao khoán 21 ha (gồm 6 ha đất chưa có rừng và 15 ha đất đã có rừng sản xuất). Do ông Phúc là nhân viên của xí nghiệp nên đã để vợ là bà Dương Thị Thơm đứng tên trên hợp đồng giao khoán.

Theo điều lệ của Công ty Gia Nghĩa thì người có thẩm quyền ký kết hợp đồng giao khoán là giám đốc công ty nên việc ông Khang ký hợp đồng là không đúng thẩm quyền, hậu quả 15 ha rừng sản xuất bị hủy hoại và đất bị lấn chiếm. Diện tích rừng bị hủy hoại do việc giao rừng trái pháp luật gây thiệt hại hơn 2,5 tỉ đồng.

Hình minh họa

Xử sơ thẩm, TAND huyện Đắk G' Long tuyên phạt bị cáo Khang bảy năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý rừng, Lê Văn Biên một năm chín tháng sáu ngày tù (bằng thời gian tạm giam) về tội hủy hoại rừng. Trước đó, tòa đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung nhiều lần do thiếu một số chứng cứ cần thiết.

Bị cáo Khang kháng cáo, đề nghị hủy một phần bản án sơ thẩm, tuyên bị cáo không phạm tội và đình chỉ vụ án đối với bị cáo.

Tòa phúc thẩm hủy án

Tại phiên phúc thẩm, đại diện VKSND tỉnh Đắk Nông đề nghị HĐXX hủy một phần bản án sơ thẩm để điều tra lại đối với nội dung liên quan đến việc kết án bị cáo Khang.

HĐXX cho rằng tháng 8-2010, bị cáo Khang ký hợp đồng giao khoán cho vợ ông Phúc 21 ha rừng. Năm 2014, bị cáo tiếp tục ký biên bản huy động vốn trồng rừng để giao cho nhóm Bế Đức Thuận 10 ha. Như vậy, tổng diện tích rừng bị cáo đã giao là 31 ha nhưng cấp sơ thẩm lại xác định hậu quả do hành vi của bị cáo gây ra dựa trên tổng diện tích rừng bị hủy hoại là không chính xác.

Cấp sơ thẩm nhận định bị cáo Khang đã lập biên bản huy động vốn trồng rừng ngày 26-8-2014 và giao cho nhóm Bế Đức Thuận để phát dọn trồng rừng. Tuy nhiên, biên bản huy động vốn này có phải là quyết định giao rừng hay có giá trị như một quyết định giao rừng trái thẩm quyền hay không thì chưa được làm rõ.

Cấp sơ thẩm cũng chưa làm rõ diện tích rừng bị hủy hoại vào thời gian nào, trước hay sau khi bị cáo ký hợp đồng giao khoán và biên bản huy động vốn trồng rừng; Thông báo số 27 ngày
30-8-2010 được đóng dấu của xí nghiệp vào thời điểm nào. Trong hồ sơ có một số lời khai mâu thuẫn về thời điểm ban hành Thông báo số 27 và thời điểm vợ chồng ông Phúc nhận được thông báo nhưng chưa được làm rõ.

Cấp sơ thẩm cũng chưa điều tra, xác minh và thu thập đầy đủ chứng cứ để xác định diện tích rừng được giao, việc giao rừng có đúng quy định của pháp luật hay không và tuyên buộc trách nhiệm bồi thường thiệt hại do rừng bị hủy hoại gây ra… Từ đó, HĐXX đã tuyên án như trên.

Trao đổi với PV, ông Khang cho biết ngày 18-8-2010, ông ký hợp đồng giao khoán cho hộ bà Thơm 21 ha đất rừng. Tuy nhiên, 12 ngày sau, ông đã ra Thông báo số 27 để thu hồi, hủy bỏ sổ giao khoán đối với bà Thơm. Vì thế, ông Khang cho rằng mình không phạm tội, đề nghị các cơ quan tố tụng xem xét, đánh giá vụ án một cách công tâm và khách quan.

 

Từng đình chỉ một bị can

Tháng 11-2019, VKSND huyện Đắk G'long đã ra quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can Nguyễn Chí Đức. Năm 2015, cơ quan điều tra công an huyện đã khởi tố Đức về tội không tố giác tội phạm. Sau đó, năm 2016, cơ quan điều tra đã thay đổi tội danh đối với Đức từ tội không tố giác tội phạm sang tội vi phạm các quy định về quản lý rừng.

Đức là cán bộ kỹ thuật được giao đo đạc, khảo sát, khoanh vẽ bản đồ. Căn cứ kết quả đo đạc của Đức, ông Khang đã ký hợp đồng giao khoán 21 ha không đúng thẩm quyền cho vợ ông Phúc. Hậu quả là 15 ha rừng sản xuất bị hủy hoại, thiệt hại tính bằng tiền là hơn 2,5 tỉ đồng. Hành vi của cả hai đã phạm vào tội vi phạm các quy định về quản lý rừng (khoản 3 Điều 176 BLHS 1999).

Tuy nhiên, Đức là nhân viên được giao nhiệm vụ theo đúng chuyên môn của mình là cán bộ kỹ thuật. Trong vụ án, vai trò của Đức là không đáng kể, không được lợi ích gì từ việc giao rừng trái pháp luật. Từ đó, VKS cho rằng do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội của Đức không còn nguy hiểm cho xã hội nữa theo điểm a khoản 2 Điều 29 BLHS.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm