Nhiều điểm tập kết rác gây ô nhiễm, kẹt xe

(PLO)- Điểm tập kết rác gây kẹt xe, bốc mùi hôi... người dân mong công tác vệ sinh được đảm bảo hơn, đồng thời di dời điểm tập kết rác.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Video: Nhiều điểm tập kết rác gây ô nhiễm, kẹt xe

Phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM, một số bạn đọc thông tin về tình trạng kẹt xe, gây ô nhiễm bởi các điểm tập kết rác trên một số tuyến đường ở TP.HCM, gây bất tiện cho người dân khi di chuyển qua và tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.

Một số bạn đọc cho rằng nên có giải pháp khắc phục triệt để, không nên để các thùng chứa rác dưới lòng đường hoặc di dời điểm tập kết rác đến nơi phù hợp hơn. Việc này cũng tạo thuận lợi cho người dân khi di chuyển trên đường, cũng như giữ gìn về mỹ quan đô thị của TP.

Sợ té vì nước thải rác

Chị QHHY (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết cứ khoảng 18-19 giờ hằng ngày, khi di chuyển đến phía trước nhà thờ Đắc Lộ (đường Trường Chinh, phường 12, quận Tân Bình) là xảy ra tình trạng kẹt xe. Nguyên nhân là do bãi tập kết rác ở khu vực này có hàng loạt thùng chứa rác để phía dưới lòng đường chờ chở đi.

“Nhất là thời điểm các xe thu gom rác dừng lại lấy rác là kẹt xe còn nhiều hơn. Do tập trung nhiều rác nên mùi hôi của rác ở khu vực này rất nồng nặc, ai đi qua đoạn đường này cũng rất khó chịu. Tình trạng này diễn ra cũng khá lâu, tôi không hiểu sao lại để điểm tập kết rác ở một tuyến đường thường xuyên kẹt xe như thế. Mong các cơ quan chức năng sớm có giải pháp để giải quyết tình trạng trên” - chị Y chia sẻ.

Tương tự, bà NTHH (ngụ quận 3) cũng cho biết trên tuyến đường Hoàng Sa thuộc phường 11, quận 3 cũng có một điểm tập kết rác. Địa điểm này thường xuyên có hàng chục thùng chứa rác nằm phía dưới lòng đường, không chỉ gây mùi hôi mà các thùng rác để dưới lòng đường có thể gây nguy hiểm cho người đi đường.

“Mỗi lần đi ngang khu vực này tôi phải nín thở vì mùi rất hôi, không thể chịu nổi. Tôi cũng không dám chạy nhanh khi đi qua đây, vì nước rác chảy ra mặt đường gây trơn trượt, mùa nắng còn đỡ chứ đến mùa mưa là dễ té lắm” - bà H nói.

Khó khăn của chính quyền địa phương

Trao đổi với PV, bà Vũ Thị Như Xuân, Chủ tịch UBND phường 12, quận Tân Bình, cho biết điểm tập kết rác trên đường Trường Chinh đã có từ rất lâu. Đây là điểm tập kết để bên dịch vụ công ích quận Tân Bình đến lấy mang đi xử lý.

Theo bà Xuân, việc xảy ra tình trạng nước thải là trong khoảng thời gian chờ xe dịch vụ công ích đến lấy rác từ điểm tập kết để mang đi xử lý. Đồng thời cũng có tình trạng kẹt xe diễn ra trong thời gian này, vì kích thước xe rác khá lớn nên khi dừng lại lấy rác sẽ chiếm mất khoảng 1/2 mặt đường. Tuy nhiên, việc kẹt xe chỉ xảy ra trong thời gian ngắn và sau khi thu gom rác, phía dịch vụ công ích cũng sẽ xử lý, vệ sinh ngay khu vực tập kết.

Điểm tập kết rác trên đường Hoàng Sa nhiều khi phải để dưới lòng đường, bốc mùi hôi. Ảnh: HT

Điểm tập kết rác trên đường Hoàng Sa nhiều khi phải để dưới lòng đường, bốc mùi hôi.
Ảnh: HT

“Nếu thấy có phát sinh trong việc thu gom, xử lý rác gây ô nhiễm hoặc người dân phản ánh, UBND phường sẽ gọi điện thoại ngay cho bên dịch vụ công ích xử lý ngay. Về việc tìm điểm tập kết rác thích hợp thì khá khó khăn. Nguyên nhân do phường nằm ngay trung tâm TP nên chỉ đành chọn những nơi có bờ tường dài, đường rộng để xe rác dễ di chuyển làm điểm tập kết. Nếu chọn một địa điểm ở xa thì việc lấy rác từ hộ dân sẽ mất rất nhiều thời gian” - bà Xuân nói.

Bà Nguyễn Hoàng Oanh, Phó Chủ tịch UBND phường 11, quận 3, cho biết điểm tập kết rác trên đường Hoàng Sa thuộc địa bàn phường là điểm tập kết để các công nhân thu gom rác dân lập mang đến cho dịch vụ công ích quận 3 đến lấy mang đi xử lý.

Theo bà Oanh, trước đây trên tuyến đường Hoàng Sa có một điểm hẹn rác dân lập cho các phường lân cận, trong đó có phường 11. Tuy nhiên, sau này do chủ sở hữu mảnh đất đã lấy lại đất nên các phường phải tìm một địa điểm khác.

“Đặc điểm của quận 3 nói riêng và các quận trung tâm tại TP.HCM nói chung là để tìm một điểm hẹn tập kết rác thích hợp, tránh xa các hộ dân, khu dân cư là rất khó khăn. May mắn là phường 11 tìm được một bờ tường dài của một xí nghiệp và được cho sử dụng. Dù còn xảy ra nhiều vấn đề phát sinh nhưng có lẽ đến thời điểm này, đây là điểm hẹn rác thích hợp tại phường 11, không còn lựa chọn nào hơn” - bà Oanh nói.

Cũng theo bà Oanh, tình trạng lượng rác nhiều tập trung tại điểm tập kết rác trên là do số lượng người dân trên địa bàn đông nên lượng rác thải nhiều, có khoảng 36 xe rác tập trung tại đây. Bên cạnh đó, lượng công nhân thu gom rác dân lập hiện nay rất ít nên các công nhân phải tranh thủ mang rác đến điểm hẹn để kịp giờ xe rác đến lấy. Từ đó mới xảy ra tình trạng rác tập trung tại điểm tập kết rác vào các buổi chiều tối.

“Hiện UBND phường cũng đã làm việc với Hợp tác xã quận 3 (đơn vị quản lý thu gom rác dân lập), yêu cầu họ đảm bảo vệ sinh trong quá trình chờ xe rác của dịch vụ công ích đến lấy rác. Phường cũng thường xuyên cử lực lượng kiểm tra, nhắc nhở các công nhân để các thùng chứa rác lên vỉa hè, trừ khi lượng rác quá nhiều, bất khả kháng mới để xuống một phần lòng đường” - bà Oanh nói thêm.

Cần có sự hỗ trợ, chỉ đạo của UBND phường

Hợp tác xã quận 3 là nơi quản lý các đơn vị thu gom rác dân lập trên địa bàn quận. Tuy là đơn vị quản lý nhưng đơn vị cũng chỉ tuyên truyền, hỗ trợ, thuyết phục các công nhân ở các đơn vị công lập khi cần thiết. Chẳng hạn như tuyên truyền các việc chú ý hơn trong công tác thu gom, đảm bảo vệ sinh môi trường

Hợp tác xã không thể can thiệp sâu, cũng không thể xử phạt nếu có sai phạm…

Đồng thời, do khu vực quận 3 là thu gom rác dân lập nên trong công tác quản lý, làm việc sẽ không hiệu quả như các khu vực được Công ty Dịch vụ công ích trực tiếp thu gom.

Như vậy, để công tác quản lý hiệu quả hơn phải có sự hỗ trợ, chỉ đạo của UBND phường. Vì chỉ có UBND phường mới có thẩm quyền đưa ra những quyết định nhắc nhở, xử phạt đến các công nhân thu gom rác dân lập.

Đại diện Hợp tác quận 3

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm