Thua ngay cả khi chưa vào TPP
. Phóng viên: Thưa ông, Việt Nam là một nước kinh tế nông nghiệp chứ không phải công nghiệp. Đây cũng là thế mạnh nhưng cũng là điểm yếu khiến chúng ta sẽ dễ dàng bị thua ngay trên sân nhà. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
Số DN Việt nhỏ rất nhiều, làm việc manh mún, không có kết nối, phương pháp thâm canh lạc hậu nên cuối cùng đáng lý ra lao động rẻ sẽ cho ra sản phẩm rẻ thì thành phẩm của mình quá cao so với các nước có công nghệ tiên tiến.
Còn với các nước như Mỹ và một số nước châu Âu, phương tiện kỹ thuật hiện đại, vật liệu phục vụ chăn nuôi rẻ, quy mô sản xuất lớn, hệ thống phân phối chuyên nghiệp và giá sản phẩm rất rẻ.
Vậy nên đừng nói là khi ký TPP mà trước đó chúng ta đã không cạnh tranh nổi với nhiều mặt hàng ngoại giá rẻ. Khi ký TPP, các mặt hàng đó được miễn thuế, giá đã rẻ nay càng rẻ hơn và chất lượng của quốc tế đảm bảo hơn.
Ngành da giày, thủy sản, dệt may… sẽ có nhiều cơ hội mới khi tham gia TPP. Ảnh: HTD
. Nhưng ngược lại, chúng ta cũng được miễn thuế qua 11 nước trong TPP, điều này có lợi cho xuất khẩu?
+ Khoan nói về các mặt hàng khác, riêng lĩnh vực nông nghiệp như rau, củ, quả và thực phẩm hiện đang bán trên thị trường đâu đâu cũng thấy heo tiêm chất tạo nạc, trái cây tẩm thuốc, rau dư thừa chất kích thích… Muốn xuất khẩu được thì nguyên liệu đầu vào hay các sản phẩm của chúng ta phải đạt chuẩn. Đến nay có bao nhiêu DN đạt được các chuẩn của Mỹ, Nhật…
Thậm chí không khéo hàng ngoại sắp tới vừa rẻ vừa chất lượng, đối nghịch với hàng Việt đắt và kém chất lượng… người dân sẽ quay ra dùng hàng ngoại và hàng Việt bị tẩy chay.
Chưa kể năm nay các sản phẩm được cho là thế mạnh lớn của Việt Nam như xuất khẩu gạo, cà phê, thủy hải sản đều sa sút… Đặc biệt ngành chăn nuôi càng khốn đốn hơn. Nên chưa kể vào TPP thì xuất khẩu đã đang gặp khó khăn, nhập khẩu lại ồ ạt, điều này sẽ rất nguy hiểm bởi nhiều DN đứng trước nguy cơ phá sản, chưa biết đi về đâu.
Cần có kế hoạch quốc gia để đối phó với những rủi ro từ TPP
. Trước mắt ngành nông nghiệp nói chung, DN nói riêng nên chuẩn bị gì?
+ Thứ nhất, kỹ thuật canh tác chăn nuôi phải thay đổi, sử dụng công nghệ cao để giảm chi phí, quy mô sản xuất phải thật lớn để thành phẩm từng đơn vị càng thấp.
Thứ hai, các hiệp hội chăn nuôi phải có sức mạnh liên kết để tạo ra hành lang pháp lý, tạo sức cạnh tranh mạnh mẽ hơn để bảo vệ đơn vị sản xuất chăn nuôi. Cụ thể, các hiệp hội phải ngồi lại với nhau để lên các kịch bản, trình Chính phủ xét ra sao, cải tổ thế nào về hỗ trợ thuế, chính sách… cần làm ngay. Các nông dân cũng không thể chờ Chính phủ mà phải chủ động liên kết, các DN chăn nuôi ngồi lại thông qua các kịch bản xấu, tốt và bình thường. Ngoài ra ngân hàng cần hỗ trợ nông dân và chính sách về đầu tư cần được chú trọng.
Thứ ba, Bộ NN&PTNT phải lên chương trình cải tổ nông nghiệp. Đây là kế hoạch quốc gia để đối phó với những rủi ro từ TPP. Mình không thể ngồi yên mà đón sự hào hứng, đây đúng là bước ngoặt nhưng đầy thử thách, chông gai. TPP là bước ngoặt nhưng kịch bản xấu là những rủi ro gấp đôi, gấp ba đè lên ngành nông nghiệp Việt.
. Xin cám ơn ông.