Cha con đi dạo trong nắng xuân. Ảnh chụp ngày mùng 5 tết. Ảnh: MH
Mỗi khi chiều về, cụ già này lại được người nhà đẩy đi dạo ven kênh để hít thở không khí trong lành. Ảnh: HTD
Những đứa trẻ hồn nhiên vui đùa bên bờ kênh. Ảnh: HTD
Say sưa bên ván cờ đầu xuân. Ảnh: MH
Theo tài liệu xưa, kênh Thị Nghè là địa giới tự nhiên giữa nội thành và ngoại thành Gia Định. Nhiêu Lộc là tên gọi của đoạn kênh từ cầu Thị Nghè trở về thượng nguồn (tức giáp với đường Út Tịch, quận Tân Bình). Từ giữa thế kỷ 20, con kênh mất dần chức năng lưu thông, chỉ còn cung cấp nước tưới cho các quận ven đô. Thời đó kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trong vắt, là nguồn nước sinh hoạt chủ yếu của nhiều hộ gia đình. Mỗi chiều, dọc hai bờ kênh là những hình ảnh bình yên: phụ nữ giặt quần áo, đàn ông gánh nước, trẻ em bơi lội, chơi đùa.
Suốt một thời gian dài sau đó, nhiều người từ khắp nơi kéo về Sài Gòn - TP.HCM lập nghiệp. Những căn nhà ổ chuột nhanh chóng mọc lên, rồi các cơ sở sản xuất đua nhau xuất hiện. Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trở thành túi chứa rác, nước trở nên đen ngòm, hôi thối. Những hình ảnh thanh bình biến mất.
Phải đến cuối năm 2012, khi TP.HCM thực hiện thành công giai đoạn một dự án Vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, nét hiền hòa ngày xưa mới dần trở lại. Chiều mát, hai con đường đi bộ ven kênh luôn tấp nập người. Kia là chỗ các bà mẹ trẻ vừa cho con ăn, vừa tranh thủ trò chuyện. Nọ là nơi tranh tài của các kỳ thủ già có, trẻ có. Nhiều cụ già hằng ngày được người thân đưa ra bờ kênh hóng gió. Người câu cá từ khắp nơi cũng tìm về đây để thỏa thú đam mê của mình.
“Ngày nào tôi cũng đưa cháu nội ba tuổi ra đây hóng mát và chơi với trẻ hàng xóm. Còn ông nhà tôi đang đánh cờ đằng kia. Tối về ai cũng cảm thấy thoải mái. Thiếu niên trong xóm thường kéo ra đây câu cá, chơi đùa, bớt đi những trò phá làng phá xóm như trước. Nhờ những bàn cờ hay cần câu, mấy cậu thanh niên cũng ít nhậu nhẹt hơn. Nói không quá, tôi cho rằng một nếp sống mới đã hình thành từ khi hai bờ kênh được cải tạo” - bà Nguyễn Thị An, ngụ phường 9, quận 3, cho hay.
Hình ảnh kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hơn 20 năm về trước. Ảnh: TƯ LIỆU Gần 20 năm trước, chính quyền TP.HCM quyết tâm cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Để thực hiện dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM, lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, hơn 7.000 căn hộ ven kênh đã được giải tỏa. Một tuyến cống bao dài 9 km, đường kính 2,5-3 m được xây dựng cùng 59 công trình tách dòng và kiểm soát xả tràn phân bố dọc bờ kênh. Một trạm bơm có thiết bị lược rác với công suất 64.000 m3/giờ cũng hoàn thành. Dự án còn đóng khoảng 18 km bờ kè đứng dọc hai bờ kênh; nạo vét giai đoạn hai khoảng 1,1 triệu m3 bùn; thay thế và mở rộng 64 km cống thoát chung cấp 2 và cấp 3… Hiện toàn bộ nước thải sinh hoạt của 1,6 triệu người trên lưu vực không còn đổ xuống kênh mà chảy vào tuyến cống bao, được bơm xả ra, pha loãng với nước sông Sài Gòn. Nhờ dự án, hình ảnh nhếch nhác ngày nào đã hoàn toàn biến mất. |
MINH HIẾU - TRÍ DŨNG thực hiện