Nhiều giải pháp giảm rác thải nhựa ở TP.HCM

(PLO)- TP.HCM đang đẩy mạnh việc tổ chức phân loại, thu gom, tái chế, tái sử dụng và xử lý chất thải nhựa theo mô hình kinh tế tuần hoàn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhu cầu sử dụng sản phẩm nhựa (bao gồm cả những sản phẩm nhựa dùng một lần) ở TP.HCM là rất lớn, trong khi hiện nay việc thu hồi và tái chế nhựa vẫn chưa thật sự hiệu quả. Bên cạnh đó, tình trạng xả rác thải nhựa bừa bãi vẫn còn diễn ra, đây là một trong những vấn đề quan trọng cần giải quyết trong bối cảnh hiện nay.

Nhiều chương trình nâng cao ý thức người dân

Nhằm kiểm soát ô nhiễm do chất thải nhựa và túi nylon khó phân hủy, các địa phương trên địa bàn TP.HCM đã thực hiện nhiều giải pháp.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Thới Nhất, quận 12: Nhằm hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa một lần, phường đã thực hiện nhiều chương trình, giúp người dân có ý thức hơn trong việc hạn chế sử dụng đồ nhựa.

Cụ thể, thời gian qua, phường đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền và hướng dẫn phân loại chất thải rắn tại nguồn, giảm sử dụng túi nylon trên địa bàn phường. Cạnh đó, phường đã phát hành 12.000 tờ bướm tuyên truyền về tác hại việc sử dụng túi nylon.

“Phường triển khai đến chợ, siêu thị, các cửa hàng tiện lợi, các tiệm tạp hóa nhỏ lẻ yêu cầu cam kết giảm sử dụng túi nylon thông thường, ưu tiên dùng túi thân thiện với môi trường. Đồng thời, vận động các hộ dân, các tiểu thương sử dụng túi làm từ vật liệu có thể tái sử dụng nhiều lần, túi nhựa truyền thống… để đi mua sắm. Trong thời gian tới, UBND phường sẽ tiếp tục tuyên truyền đến các hộ dân, doanh nghiệp về tác hại của rác thải nhựa” - ông Hùng thông tin.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Cẩm, Phó Ban công tác Mặt trận khu phố 6, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 (TP.HCM), chia sẻ: Thời gian qua, đại diện khu phố đã hướng dẫn người dân phân loại rác thải tại nguồn, tuyên truyền tác hại của nhựa dùng một lần để người dân có ý thức hơn, từ đó giảm sử dụng đồ nhựa.

Chương trình đổi rác thải nhựa lấy cây xanh ở quận 1, TP.HCM. Ảnh: NC

Chương trình đổi rác thải nhựa lấy cây xanh ở quận 1, TP.HCM. Ảnh: NC

“Định kỳ chúng tôi thực hiện chương trình đổi rác thải nhựa lấy quà; tái sử dụng đồ nhựa như dùng chai nhựa để trồng cây xanh. Những hoạt động này được nhiều người dân nhiệt tình hưởng ứng. Điều này giúp người dân dần dần có ý thức hơn trong công tác bảo vệ môi trường” - bà Cẩm nói.

Tương tự, thời gian qua UBND huyện Bình Chánh đã tổ chức nhiều hoạt động nổi bật để giảm rác thải nhựa như: Phong trào “chống rác thải nhựa” năm 2022 nhằm hạn chế sử dụng, tiến tới bỏ thói quen sử dụng túi nylon.

Quận tuyên truyền người dân tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường khi tiêu dùng như túi giấy, túi vải sử dụng nhiều lần, túi nylon tự phân hủy; tiết giảm sản phẩm nhựa dùng một lần. Đồng thời, quận cũng thực hiện nhiều chương trình như đổi rác thải nhựa lấy quà, “biến rác thành tiền”, đổi bao vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật lấy quà... Qua đó tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện phân loại và xử lý rác đúng quy định.

Tăng cường xử lý hành vi vứt chất thải nhựa ra môi trường

Theo Sở TN&MT TP.HCM, bên cạnh việc tập trung giải quyết vấn đề thải bỏ rác bừa bãi nhằm kiểm soát ô nhiễm do rác thải nhựa, TP còn chú trọng các giải pháp nhằm giảm thiểu việc tiêu thụ các sản phẩm nhựa dùng một lần thông qua việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, lối sống thân thiện với môi trường.

Ngoài ra, TP còn đẩy mạnh việc tổ chức phân loại, thu gom, tái chế, tái sử dụng và xử lý chất thải nhựa theo mô hình kinh tế tuần hoàn.

Một số giải pháp TP.HCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh là việc thực hiện phân loại rác sinh hoạt tại nguồn đúng quy định. TP.HCM cũng phát động các tổ chức đoàn thể, các địa phương thường xuyên tổ chức các phong trào, tuyên truyền về tác hại của chất thải nhựa, kết hợp các hoạt động thu gom chất thải nhựa có thể tái chế.

Ngoài ra, TP.HCM sẽ tăng cường xử lý hành vi vứt chất thải nhựa nơi công cộng, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm về vệ sinh môi trường; vứt bỏ chất thải, chất thải nhựa bừa bãi ở nơi công cộng theo quy định.•

Tăng trách nhiệm của nhà sản xuất túi nylon

Theo Sở TN&MT TP.HCM, để nâng cao vai trò trách nhiệm của các đơn vị sản xuất, cung ứng sản phẩm trong việc giảm thiểu rác thải nhựa nói riêng và giảm lượng chất thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã bổ sung quy định trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu trong việc tổ chức thu hồi đối với các loại bao bì, sản phẩm thải bỏ (khi hết hạn sử dụng) gây hại cho môi trường (túi nylon khó phân hủy, vỏ lốp xe cũ…).

Theo đó, các đơn vị này phải có trách nhiệm tổ chức thu gom hoặc có thể thuê các đơn vị có chứa năng thu gom, xử lý bao bì, sản phẩm của đơn vị sau khi được thải bỏ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm