Nhiều khoáng sản nhưng dân vẫn nghèo

“Trừ dầu khí ra, ở đâu có khoáng sản, ở đó người dân vẫn nghèo; ở đâu có khoáng sản, ở đó môi trường bị hủy hoại; ở đâu có khoáng sản, ở đó cơ sở hạ tầng bị xuống cấp” - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế QH Mai Xuân Hùng nhận định tại hội thảo Quản trị tài nguyên khoáng sản: Việt Nam đang ở đâu. Hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội và Bộ TN&MT tổ chức ngày 8-10.

Cấp phép nhiều, kiểm soát ít

Ông Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện tư vấn phát triển, cho biết: Ngành công nghiệp khai khoáng đóng góp khoảng 11% GDP và 25% thu ngân sách nhà nước. “Tuy nhiên, ngành này bộc lộ nhiều điểm yếu như: hiệu quả kinh tế thấp, lãng phí, cạn kiệt tài nguyên và để lại nhiều hậu quả về môi trường, xã hội” - ông Hùng đánh giá.

Theo ông Lại Hồng Thanh, Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản (Bộ TN&MT), hiện cả nước phát hiện được khoảng 5.000 mỏ, điểm quặng với trên 60 loại khoáng sản. Tính đến tháng 5-2013, Bộ TN&MT đã cấp 79 giấy phép thăm dò khoáng sản. Ngoài ra, cả nước hiện có 503 giấy phép khai thác khoáng sản do các cơ quan trung ương cấp và trên 4.200 giấy phép do UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương cấp đang có hiệu lực.

“Số lượng giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản đang hoạt động khá lớn nhưng lực lượng, kinh phí cho công tác thanh tra, kiểm tra chưa đáp ứng yêu cầu. Trung bình hai năm mới thanh tra, kiểm tra định kỳ tại một khu vực hoạt động khoáng sản. Việc thực hiện báo cáo định kỳ hoạt động khai thác khoáng sản chưa nghiêm túc nhưng chế tài xử phạt còn thấp, chưa đủ sức răn đe” - ông Thanh nêu thực trạng.

Nhiều khoáng sản nhưng dân vẫn nghèo ảnh 1

Khai thác quặng thiếc trên vùng cao. Ảnh: HTD

Có lợi ích nhóm

Theo ông Thanh, chính vì những lỗ hổng trên mà Nhà nước không kiểm soát được sản lượng khai thác khoáng sản thực tế và nguồn thu ngân sách từ thuế tài nguyên khoáng sản.

“Tôi rất buồn khi nghe nói Nhà nước không kiểm soát được khối lượng khoáng sản doanh nghiệp khai thác, không kiểm soát được nguồn thu thuế từ khai thác khoáng sản. Tôi đề nghị Quốc hội yêu cầu Chính phủ giao thêm quyền cho Bộ TN&MT để họ có đủ quyền, đủ lực quản lý, kiểm soát được việc khai thác tài nguyên khoáng sản hiện nay” - Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Công an), nói.

Đáng chú ý, theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, có vấn đề lợi ích nhóm trong việc khai thác tài nguyên khoáng sản để trục lợi cho doanh nghiệp và các nhóm thân hữu. “Vì sao trung ương cấp phép ít mà địa phương lại cấp nhiều như thế? Đó là vì các địa phương chia nhỏ một mỏ ra thành nhiều mỏ để cấp phép. Chính tình trạng này khiến cho địa chất không liên tục mà bị đứt gãy. Trong khi đó năng lực giám sát của địa phương như thế nào không rõ, trách nhiệm cụ thể cũng chưa được quy định. Tính công khai minh bạch lại chưa được coi trọng” -  ông Doanh nhấn mạnh.

Trách nhiệm cá nhân không rõ ràng

Thiếu tướng Lê Văn Cương đánh giá sở dĩ công tác quản lý tài nguyên khoáng sản yếu kém như hiện nay là do pháp luật có vấn đề, giám sát thực thi có vấn đề và lỗ hổng trong việc xác định trách nhiệm cá nhân. “Một trong những lỗ hổng hệ thống là trách nhiệm cá nhân không rõ ràng. Tôi rất sợ cụm từ “các cấp, các ngành” trong các văn bản pháp luật hiện nay. Mỗi bộ, ngành phải do một người chịu trách nhiệm chứ không thể cái gì cũng các cấp, các ngành hay cái gọi là chính phủ chung chung được! Còn việc giám sát thực thi không lẽ bao nhiêu văn bản luật, nghị định lại bó tay không chế tài được doanh nghiệp vi phạm” - ông Cương nhấn mạnh.

Theo ông Thanh, dù Luật Khoáng sản 2010 đưa ra các quy định chặt chẽ trong việc thẩm định, cấp phép hoạt động khoáng sản nhưng đến nay các văn bản hướng dẫn thực hiện vẫn chưa hoàn thiện, nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước, khoáng sản cũng chưa có.

_________________________________________

Một nghiên cứu của Oxfam năm 2001 chỉ ra rằng: Mức sống của người dân nói chung tại những quốc gia phụ thuộc vào dầu mỏ và khai thác khoáng sản thấp hơn rất nhiều so với thu nhập bình quân đầu người đáng ra họ phải có. Những quốc gia phụ thuộc vào khai thác khoáng sản và dầu mỏ càng dễ bị tổn thương trước những cú sốc kinh tế và xung đột xã hội. 

Ông ANDY BAKER, Trưởng đại diện Oxfam tại Việt Nam

THU HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm