Bộ GTVT vừa có văn bản phản hồi UBND TP.HCM về việc triển khai tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ. Theo đó, Bộ GTVT đang giao cho Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) nghiên cứu chuẩn bị đầu tư dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Cần có sự phối hợp giữa Bộ GTVT và các địa phương
Trước đó, UBND TP.HCM có văn bản kiến nghị Bộ GTVT sớm triển khai một số dự án kết nối TP.HCM với ĐBSCL, trong đó có dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.
Sơ đồ tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ. Đồ họa: HỒ TRANG |
Phản hồi UBND TP, Bộ GTVT cho biết tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 1769, trong quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ có chiều dài hơn 174 km, đường đôi, khổ 1.435 mm.
Hiện nay, Bộ GTVT đang giao cho Ban quản lý dự án đường sắt nghiên cứu chuẩn bị đầu tư dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Bộ GTVT cho biết do dự án có quy mô lớn, tính chất kỹ thuật phức tạp thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia. Do đó, việc nghiên cứu chuẩn bị đầu tư dự án cần được xem xét một cách kỹ lưỡng, nhằm đảm bảo hiệu quả tính khả thi và đáp ứng yêu cầu về kinh tế kỹ thuật. Từ đó, sớm hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, báo cáo các cấp thẩm quyền về chủ trương đầu tư dự án.
Bộ GTVT cũng đề nghị UBND TP.HCM và các địa phương chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT trong quá trình nghiên cứu.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Sở GTVT TP.HCM cũng cho biết tuyến đường sắt nối TP.HCM - Cần Thơ đang được Ban quản lý dự án đường sắt nghiên cứu các bước chuẩn bị đầu tư.Theo Sở GTVT TP, tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ có 13 ga. Dự án đi qua Bình Dương, TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ.
Mong sớm triển khai dự án
Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết ĐBSCL là vùng kinh tế trọng điểm với nhiều tiềm năng và lợi thế, song tốc độ phát triển kinh tế còn chậm. Một trong những nguyên nhân là hạ tầng giao thông chậm phát triển.
Do đó, ông Hè đánh giá tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ là dự án thực sự cần thiết, nhằm kết nối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL.
“Tuyến đường sắt này sẽ cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa, hành khách khối lượng lớn, đảm bảo an toàn giao thông, giảm tải cho các tuyến quốc lộ. Dự án cũng sẽ kết nối thuận tiện với mạng lưới đường sắt quốc gia, chuyển tiếp giữa các hình thức vận tải khác nhau. Từ đó góp phần giảm phương tiện giao thông cá nhân, giảm tác động xấu đến môi trường” - ông Hè đánh giá.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, cho biết sở cũng mong muốn dự án sớm được triển khai. Hiện nay, tỉnh đang xin ý kiến địa phương để xin hướng tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, sau đó báo cáo Bộ GTVT.
Bộ GTVT đề nghị UBND TP.HCM và các địa phương chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT trong quá trình nghiên cứu dự án.
Ông Bon cho biết dự án này sẽ trung chuyển, với ba ga lớn, góp phần thúc đẩy vận chuyển hàng hóa của ĐBSCL nói chung, tỉnh Tiền Giang nói riêng. Bên cạnh đó, người dân đi lại thuận tiện hơn, giảm kẹt xe cho các tuyến đường hiện hữu. “Không chỉ vậy, đường sắt TP.HCM - Cần Thơ sẽ thúc đẩy phát triển các khu đô thị vệ tinh, mang lại diện mạo đô thị mới cho tỉnh Tiền Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung” - ông Bon nhận định.
Tương tự, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Long An, cho hay hiện nay tỉnh Long An đang điều chỉnh quy hoạch tuyến. Tuyến đường này sẽ nằm cạnh cao tốc TP.HCM - Trung Lương, có hai ga đi qua tỉnh Long An.
“Địa phương rất mong muốn sớm triển khai và đi vào hoạt động dự án này. Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng dự án này cần có nguồn vốn khủng. Vì vậy để có nguồn vốn, chúng ta nên có phương án khai thác quỹ đất để làm sao mang lại hiệu quả cao nhất, khả thi nhất” - ông Trung nhận định.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm đánh giá tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, dài 174 km nhưng tính toán sơ bộ thì vốn đầu tư cũng lên tới 170.000 tỉ đồng. Như vậy, nguồn vốn cho dự án là rất lớn. Do đó, các cơ quan, đơn vị liên quan cần có bài toán tài chính để phát huy hiệu quả đầu tư.•
Tốc độ tối đa 200 km/giờ
Tập đoàn CT Group cho biết dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng hơn 56.000 tỉ đồng, chi phí xây dựng hơn 85.000 tỉ đồng.
CT Group cũng đưa ra dự báo về nhu cầu phát triển như sau: Đến năm 2030, nhu cầu hành khách khoảng 4,1 triệu, chiếm khoảng 3%. Đến năm 2050 tăng lên 22 triệu hành khách, chiếm 8,8% thị phần vận tải hành khách.
Tương tự, vận tải hàng hóa đến năm 2030, gần 5 triệu tấn hàng hóa, chiếm 0,85% thị phần. Đến năm 2050 tăng lên 41 triệu tấn hàng hóa, chiếm 3% thị phần vận tải hàng hóa.
Đối với dự báo về nhu cầu vận tải, đơn vị nghiên cứu cho biết với đường bộ hiện nay, tốc độ trung bình đối với hành khách 60-80 km/giờ, giá 800-1.000 đồng/km. Đối với hàng hóa là 50 km/giờ, giá 1.800 đồng/km.
Đối với đường sắt thông thường, vận tải hành khách tốc độ 55-60 km/giờ và giá vé 600-1.000 đồng/km. Vận tải hàng hóa tốc độ khoảng 45 km/giờ và giá thành khoảng 400 đồng/km.
Trong trường hợp đường sắt cao tốc đi vào vận hành, tốc độ tối đa là 200 km/giờ. Giá thành dự kiến cao hơn vận tải bằng đường sắt thông thường khoảng 5%-10%.