Nhiều lao động “nhảy” việc, bỏ quyền lợi BHXH

Hôm qua (12-3), Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã có buổi làm việc với Bảo hiểm xã hội TP.HCM (BHXH) để giám sát tình hình quản lý và sử dụng quỹ BHXH hai năm 2008, 2009. Các vướng mắc về thu, chi BHXH, bảo vệ quyền lợi cho người lao động được BHXH TP.HCM phản ánh chi tiết.

Lách luật bằng hợp đồng lao động

Xét ở góc độ thu BHXH bắt buộc, ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TP.HCM, cho biết Luật BHXH quy định người làm việc có hợp đồng không thời hạn hoặc ba tháng trở lên phải đóng BHXH. Mức đóng căn cứ vào tiền công, tiền lương ghi trong hợp đồng lao động. Quy định này đang bộc lộ nhiều kẽ hở khiến doanh nghiệp lách luật.

Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh lách luật bằng cách ghi mức lương trong hợp đồng lao động rất thấp để tiết kiệm tiền đóng BHXH. Chẳng hạn, tổng thu nhập của người lao động khoảng ba triệu đồng/tháng nhưng hợp đồng lao động doanh nghiệp chỉ ghi lương 800.000 đồng/tháng. “Hiện tượng biến tướng này đang diễn ra ngay trước mắt ba cơ quan nhà nước là thuế, lao động, BHXH nhưng chẳng ai làm gì được doanh nghiệp. Doanh nghiệp chìa cho BHXH xem hợp đồng lao động nào thì biết cái đó. Thậm chí tháng sau, doanh nghiệp tăng lương cho người lao động nhưng không khai báo, BHXH cũng bó tay. Hiện tượng thu nhập của người lao động cao nhưng đóng BHXH thấp sẽ tác động tới lương hưu sau này. Lương hưu thấp sẽ làm cho hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam trong tương lai không được đảm bảo”.

Nhiều người bỏ quên quyền lợi từ BHXH

Ông Đặng Như Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, đặt vấn đề hiện số người giúp việc ở hai TP lớn Hà Nội, TP.HCM khoảng 10.000 người. Theo luật, hợp đồng miệng giữa người lao động với người sử dụng lao động cũng thuộc diện đóng BHXH. Thực tế có bao nhiêu người giúp việc được đóng BHXH? Ông Sang cho rằng đối tượng này được đóng hay không là tùy thuộc vào lòng hảo tâm của chủ nhà. Cơ quan BHXH cũng không có đủ lực lượng để kiểm tra, giám sát đối tượng này.

Ông Đặng Như Lợi đặt vấn đề tiếp: “Người lao động từ các tỉnh đổ về TP.HCM có mức độ biến động cao nhất, khoảng 20%/năm ở những ngành như dệt may, da giày... Số này đóng BHXH nhưng khi sang doanh nghiệp khác làm họ bỏ luôn. Vậy nhà nước sẽ hưởng lợi từ số tiền này mà người lao động không được gì cả”. Ông Sang cho rằng những đối tượng này làm việc ở các khu chế xuất-khu công nghiệp, chiếm khoảng 70%. Họ thường xuyên thay đổi nơi làm việc, nơi cư trú. BHXH đã cấp sổ BHXH, sẵn sàng chi trả các khoản tiền theo luật nhưng họ từ bỏ quyền lợi của mình thì đành chịu.

Ông Sang cho biết thêm, TP. HCM đã triển khai bảo hiểm tự nguyện từ tháng 7-2008 đến nay. Tuy nhiên đến nay, số người tham gia không nhiều. Vì vậy, nhà nước không thể coi BHXH tự nguyện là an sinh xã hội để giao chỉ tiêu cho ngành. Người dân rất ngại khi hàng tháng phải đi đóng tiền BHXH để 20 năm sau mới có lương hưu.

Tai nạn giao thông khó hưởng BHXH

Theo ông Cao Văn Sang, điểm vướng mắc lớn của Luật BHXH là việc chi trả bảo hiểm tai nạn lao động. Luật quy định “người lao động khi di chuyển trên đường từ nhà đến nơi làm việc bị tai nạn giao thông được BHXH chi trả như tai nạn lao động”.

Để xác định tai nạn lao động, trong hồ sơ giải quyết chế độ BHXH phải có biên bản tai nạn giao thông do công an lập. Thế nhưng phần lớn người lao động bị tai nạn giao thông được đưa vào bệnh viện, không có thời gian lập biên bản, đa phần tai nạn giao thông nghiêm trọng mới thấy công an. Vì vậy, hiện có trên 70% số người bị tai nạn giao thông đều không có biên bản tai nạn dẫn đến tình trạng người lao động không được hưởng chế độ. Trước đây, BHXH giải quyết việc này bằng cách cho người lãnh bảo hiểm làm tờ tường trình cam kết và đem về UBND phường hoặc công an phường xác nhận là giải quyết. Bây giờ luật không cho làm tờ tường trình nữa.

VŨ HƯNG - MINH TRÍ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm