Nhiều lợi ích khi sử dụng vật liệu xây dựng không nung trong xây dựng

(PLO)-Vật liệu xây dựng không nung ngày càng được ưu tiên sử dụng bởi các đặc tính như nhẹ, độ bền cao, có khả năng cách âm, cách nhiệt tốt và ít gây ô nhiễm môi trường.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tăng cường sử dụng, sản xuất vật liệu xây dựng không nung (VLXDKN), các loại vật liệu xanh, thân thiện môi trường và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung đang là xu hướng tất yếu của Việt Nam và trên thế giới. Qua đó, góp phần phát triển ngành xây dựng xanh, sạch, hạn chế khai thác tài nguyên đất đai, giảm thiểu phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường.

Nhiều ưu điểm khi sử dụng vật liệu không nung

VLXDKN được dùng trong xây dựng, trong đó việc sản xuất (tạo ra sản phẩm) không sử dụng nhiệt để nung. Sản phẩm của loại vật liệu này được tạo từ những phụ phẩm, phế thải hoặc các loại cốt liệu thông qua quá trình tạo hình, đóng rắn mà không cần sử dụng đến nhiệt. Các vật liệu xây dựng không nung được sản xuất bởi các nguyên liệu như mạt đá, cát, xi măng và một số thành phần phụ gia khác…

Các nước trên thế giới từ lâu đã áp dụng các công nghệ hiện đại sản xuất VLXDKN nhằm tận dụng các phế thải công nghiệp, tiết kiệm tài nguyên không tái tạo, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Dây chuyền sản xuất gạch không nung của Công ty CP Vật liệu xanh Đại Dũng tại KCN Hiệp Phước, Nhà Bè, TP.HCM. Ảnh: PV

Dây chuyền sản xuất gạch không nung của Công ty CP Vật liệu xanh Đại Dũng tại KCN Hiệp Phước, Nhà Bè, TP.HCM. Ảnh: PV

Dây chuyền sản xuất gạch không nung của Công ty CP Vật liệu xanh Đại Dũng tại KCN Hiệp Phước, Nhà Bè, TP.HCM. Ảnh: PV

Dây chuyền sản xuất gạch không nung của Công ty CP Vật liệu xanh Đại Dũng tại KCN Hiệp Phước, Nhà Bè, TP.HCM. Ảnh: PV

Các sản phẩm VLXDKN có nhiều ưu điểm như: nhẹ, bền, dễ thi công và khả năng cách âm, cách nhiệt tốt nên đem lại hiệu quả kinh tế tốt hơn các loại vật liệu nung truyền thống. VLXDKN còn giúp tăng tuổi thọ công trình vì có độ bền cao, bề mặt nhẵn, mịn nên không cần tốn quá nhiều vữa khi thi công, giúp tiết kiệm chi phí.

Ngoài ra, VLXDKN có thể cho ra đời nhiều sản phẩm đa dạng, nhiều màu sắc, kích thước khác nhau, dễ thích ứng tính đa dạng trong xây dựng, nâng cao hiệu quả kiến trúc.

Các loại VLXDKN cũng đa dạng mẫu mã, chủng loại, như: gạch bê tông; gạch hoặc tấm panel từ bê tông khí chưng áp, bê tông khí không chưng áp, bê tông bọt; tấm tường thạch cao, tấm 3D, tấm panel bê tông, tấm panel nhẹ; gạch khác được sản xuất từ chất thải xây dựng, chất thải công nghiệp; gạch silicat…

Việt Nam ưu tiên sử dụng VLXNKN

Từ năm 2010, chính phủ đã ra Quyết định 567/QĐ-TTg ngày 28-4-2010 phê duyệt chương trình phát triển VLXKN giai đoạn 2010 đến 2020 với mục tiêu 20-25% năm 2015 và 30-40% vào năm 2020.

Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26) diễn ra ở Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cũng có bài phát biểu về thông điệp của Việt Nam liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu, chống phát thải khí nhà kính.

Trong đó, Thủ tướng cam kết Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Nhằm cụ thể hoá cam kết trên, tháng 12-2021 Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 2171/QĐ-TTg ngày 23-12-2021 phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung tại Việt Nam đến năm 2030.

Theo đó, mục tiêu chung của chương trình này là đẩy mạnh sản xuất và sử dụng VLXDKN để thay thế gạch đất sét nung, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất nông nghiệp, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường; tận dụng phế thải từ các ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu, đem lại hiệu quả kinh tế chung cho toàn xã hội.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra mục tiêu cụ thể là đẩy mạnh sản xuất và sử dụng VLXDKN thay thế một phần gạch đất sét nung đạt tỷ lệ: 35 - 40% vào năm 2025, 40 - 45% vào năm 2030 trong tổng số vật liệu xây, đảm bảo tỷ lệ sử dụng VLXDKN trong các công trình theo quy định. Giảm phát thải khí CO2 vào năm 2025 là trên 2,5 triệu tấn/năm và năm 2030 là trên 3,0 triệu tấn/năm (so với sản xuất gạch nung với khối lượng tương đương).

Để đạt được các mục tiêu trên, giải pháp đặt ra là nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, sản phẩm mới, các loại phụ gia cho sản xuất; nghiên cứu phát triển sản xuất các sản phẩm VLXDKN tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng; các sản phẩm tận dụng phế thải làm nguyên liệu sản xuất VLXDKN nhằm tiết kiệm tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường; hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật liên quan đến VLXDKN.

Các nước trên thế giới ưu tiên sử dụng VLXDKN

Ở Thái Lan, nhà nước quản lý chặt việc sử dụng đất đai. Do đó, vật liệu nung có giá cao hơn rất nhiều vật liệu xây không nung. Yếu tố thị trường điều tiết khiến công nghiệp vật liệu xây dựng không nung ở Thái Lan rất phát triển như bê tông nhẹ, gạch block bê tông đã có cách đây 10 năm.

Tại Ấn Độ, gạch không nung đang có xu hướng trở thành vật liệu phổ biến thứ 2 sau gạch đất nung, chiếm khoảng 24% tổng vật liệu xây dựng.

Tại Trung Quốc, trước đây chỉ dùng gạch nung truyền thống nhưng từ năm 1990 bắt đầu có nhiều kế hoạch phát triển vật liệu mới để từng bước thay thế vật liệu cũ. Tới nay, gạch không nung chiếm tới 60% tỉ trọng trong xây dựng ở nước này.

Tại các nước phát triển, vật liệu không nung chiếm khoảng 60% tổng vật liệu xây dựng, gạch đất sét nung chỉ chiếm khoảng 10%-15%.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm