Nhiều người bị phản ứng thuốc Tegretol

Sau 10 ngày điều trị tại BV Tâm thần và xuất viện, chị LHBT (29 tuổi, quận 5) tiếp tục nhập bệnh viện khác do bị phản ứng thuốc, toàn thân, kể cả mặt mũi nổi bóng nước, bong tróc và nhiễm trùng.

Theo lời mẹ chị T., cách đây nửa tháng chị T. nhập BV Tâm thần (lần hai) do ở nhà nói nhiều, không kiểm soát, nói chuyện này chưa xong thì nói sang chuyện khác. Bác sĩ chẩn đoán chị bị rối loạn cảm xúc lưỡng cực (rối loạn khí sắc). Sau 10 ngày điều trị và xuất viện, bác sĩ kê toa cho chị T. hai loại thuốc là Tegretol Cr 200 mg (hoạt chất Carbamazepine) và Sernal 4 mg (Risperidone) kèm lời dặn trên toa: “Khi uống Tegretol có ngứa và nổi mề đay thì ngưng và tái khám lại”. Sau khi uống hai viên Tegretol thì chị T. bị nổi mẩn đỏ, sốt. “Cứ nghĩ là dị ứng thông thường nên tôi cho nó uống thuốc chống dị ứng. Tối đến thì toàn thân T. sưng phù, bóng nước nổi nhiều hơn. Gia đình đưa T. vào BV Bệnh nhiệt đới thì bác sĩ cho biết bệnh nhân bị phản ứng thuốc tân dược và kê đơn cho về nhà uống nhưng vẫn không khỏi” - mẹ chị T. kể.

Do chị T. không nhập viện nên mãi đến gần hai ngày sau gia đình mới đưa chị vào BV An Bình, lúc này toàn thân chị T. đã bong tróc và có dấu hiệu nhiễm trùng. Ngay khi vào bệnh viện chị T. được cho thở máy đến bốn ngày.

 
Chị T. tại BV An Bình. Ảnh: TÙNG SƠN

“Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng da bong tróc, lở loét, kể cả miệng, mũi… nhưng chưa nhiễm trùng nghiêm trọng. Chúng tôi đã cho bệnh nhân dùng Corticoid để giảm các triệu chứng và kháng sinh dự phòng. Đến hôm nay tình trạng sức khỏe bệnh nhân đã tốt. Rất may là bệnh nhân đến sớm, nếu không thì sẽ rất nguy hiểm” - BS chuyên khoa II Nguyễn Văn Tuấn,
Trưởng khoa Thần kinh - Đột quỵ, BV An Bình, cho biết. Do hoàn cảnh bệnh nhân nghèo và có xin miễn giảm viện phí nên khoa cũng đã có đề nghị ban giám đốc bệnh viện duyệt miễn giảm cho bệnh nhân. Dự kiến hôm nay (5-3), bệnh nhân sẽ đượcxuất viện.

BS Nguyễn Văn Tuấn cho biết thuốc Tegretol được chỉ định trong điều trị động kinh, rối loạn khí sắc và đau dây thần kinh số V vô căn. Theo Vidal - cẩm nang sử dụng thuốc - năm 2003 của Pháp, những trường hợp như chị T. là hiếm nhưng tỉ lệ ở Việt Nam khá cao. Ở BV An Bình mỗi năm gặp 1-2 trường hợp bị phản ứng thuốc Tegretol nhập viện.

BS Phạm Văn Trụ, BV Tâm thần, cho biết thêm đây là dị ứng thường gặp của thuốc Tegretol trên người châu Á, do thiếu một loại men đặc biệt trong cơ thể, còn người châu Âu và Mỹ không bị. Tuy nhiên, đây là thuốc rất tốt và hiệu quả không chối cãi. Hiện có thuốc hế hệ mới Trileptal, hiệu quả điều trị tương tự nhưng nó cũng gây dị ứng, có điều nó ít tác động đến chức năng gan.

“Sau này, tôi ít khi cho thuốc này đối với người bệnh động kinh. Còn đối với người bị đau dây thần kinh số V vô căn thì tôi cũng cân nhắc. Bởi lẽ nó dễ xảy ra phản ứng nên phải cẩn thận” - BS Tuấn khuyến cáo.

Về thời gian bệnh nhân có thể phát ra phản ứng thuốc sau khi sử dụng, BS Trụ cho biết có thể là một tuần, sáu tháng, một năm hoặc 2-3 năm.

Do vậy, bác sĩ luôn khuyến cáo tái khám ngay lập tức nếu bị phản ứng.

DUY TÍNH

 

Phải được giám sát chặt chẽ

Thuốc Tegretol được chỉ định điều trị động kinh, hưng cảm và phòng ngừa cơn hưng cảm (lưỡng cực), hội chứng cai nghiện rượu, đau dây thần kinh số V (tam thoa) tự phát và do bệnh xơ cứng rải rác, đau dây thần kinh lưỡi hầu tự phát. Các chuyên gia khuyến cáo Tegretol phải được dùng dưới sự giám sát y tế. Với những bệnh nhân có tiền sử về tim mạch, gan hoặc thận, hoặc các phản ứng huyết học với các loại thuốc khác, hoặc sau khi điều trị gián đoạn với Tegretol, cần cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ và cần theo dõi bệnh nhân chặt chẽ.

Các xét nghiệm chức năng gan cơ bản cần được xác định trước khi bắt đầu trị với Tegretol và phải được thực hiện đều đặn trong quá trình điều trị, đặc biệt với những bệnh nhân có tiền sử bệnh gan và người lớn tuổi. Cần ngưng điều trị ngay nếu chức năng gan bị suy yếu hoặc xuất hiện viêm gan trong quá trình điều trị. Trong khi dùng Tegretol, nếu thấy các dấu hiệu hay triệu chứng biểu hiện phản ứng da nặng (như hội chứng Stevens-Johnson, hội chứng Lyell), cần ngưng trị ngay lập tức.

BS CKII NGUYỄN VĂN TUẤN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới