Nhiều người đã tiêu hết tiền tiết kiệm được trong đại dịch

(PLO)- Trong đại dịch, nhiều người Mỹ tiết kiệm được tiền khi nhu cầu chi tiêu ít hơn cộng với tiền hỗ trợ từ chính phủ, tuy nhiên thời điểm này lượng tiền dự trữ đó không còn nhiều.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tiền tiết kiệm được trong đại dịch đã giúp một bộ phận người dân Mỹ duy trì chi tiêu, tuy nhiên thời điểm này lượng tiền dự trữ đó không còn nhiều, theo trang tin Vox (Mỹ).

Trong đại dịch, nhiều người Mỹ tiết kiệm được tiền khi nhu cầu chi tiêu ít hơn cộng với việc chính phủ ra các gói kích thích kinh tế. Số dư tài khoản của các hộ gia đình tăng đáng kể, thậm chí ở các gia đình có thu nhập thấp thì số dư tăng cả hơn 100% vào giữa năm ngoái so với năm 2019, theo ông Chris Wheat, Chủ tịch Viện JPMorgan Chase (nghiên cứu dữ liệu kinh tế, giải pháp tăng trưởng ở Mỹ).

Theo nhà kinh tế trưởng Diane Swonk của Công ty kiểm toán KPMG, khoản tiết kiệm trong suốt hai năm đại dịch đã giúp người tiêu dùng tiếp tục chi tiêu. Tuy nhiên, khi các chương trình kích thích kinh tế kết thúc, khoản tiết kiệm nhanh chóng giảm đi khi lạm phát tăng vọt. Người dân bắt đầu tiêu sạch khoản tiết kiệm khi giá cả tăng vọt. Dù tiền lương có tăng do nhu cầu tuyển dụng người lao động sau đại dịch tăng nhưng mức tăng vẫn không thể đuổi kịp lạm phát. Từ giữa năm ngoái số dư tài khoản của các hộ gia đình, đặc biệt là các gia đình có thu nhập thấp, bắt đầu giảm xuống.

Một báo cáo nghiên cứu vào tháng 10 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy các hộ gia đình có thu nhập cao nắm giữ phần lớn khoản tiết kiệm vượt mức, tổng cộng khoảng 1.350 tỉ USD vào giữa năm nay. Trong khi đó, nhóm hộ gia đình có thu nhập thấp nhất đã cạn kiệt khoản tiết kiệm trong nửa năm nay, khi phải chi phần lớn ngân sách cho các nhu yếu phẩm và nhà ở, lại trong bối cảnh lạm phát cao kỷ lục.

Doanh số bán lẻ ở Mỹ giảm 0,6% trong tháng 11, mức giảm lớn nhất trong năm nay và gấp đôi dự đoán của các nhà kinh tế, do nền kinh tế chậm lại và chi phí vay tăng tiếp tục đè nặng lên người tiêu dùng. Ảnh: GETTY IMAGES

Doanh số bán lẻ ở Mỹ giảm 0,6% trong tháng 11, mức giảm lớn nhất trong năm nay và gấp đôi dự đoán của các nhà kinh tế, do nền kinh tế chậm lại và chi phí vay tăng tiếp tục đè nặng lên người tiêu dùng. Ảnh: GETTY IMAGES

Theo dữ liệu từ ngân hàng Mỹ, đến thời điểm này, người Mỹ vẫn còn khoảng 1.200 tỉ USD tiền tiết kiệm nhưng con số này giảm đáng kể so với mức cao nhất là hơn 2.000 tỉ USD vào năm ngoái. Tỉ lệ tiết kiệm cá nhân cũng giảm xuống 2,3% trong tháng 10, giảm so với mức cao nhất của năm nay là 4,7% vào tháng 1 và 7,3% vào một năm trước đó.

Người dân hết tiền tiết kiệm là điều đáng lo ngại, không chỉ với cuộc sống của họ mà cả với nền kinh tế. Các nhà kinh tế lo ngại về khả năng suy thoái vào năm tới khi Fed không ngừng tăng lãi suất. Chi tiêu tiêu dùng là chìa khóa đảm bảo tăng trưởng kinh tế, chiếm khoảng 2/3 GDP. Nhưng với việc tiết kiệm do đại dịch ngày càng giảm, nhiều người Mỹ có thể không có khả năng hoặc chọn không chi tiêu nhiều như thời gian vừa qua đại dịch, điều này có thể làm chậm nền kinh tế hơn nữa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm