Theo nguồn tin Pháp Luật TP.HCM, Bộ Ngoại giao vừa thông tin về tình hình lao động làm việc trái phép ở Nhật Bản.
Theo đó, trong hai ngày 10-2 và 11-2 một số báo mạng trong nước trích dẫn nguồn Nhật báo Mainichi đưa tin với tiêu đề về "Nghi án 4.000 lao động người Việt Nam làm chui ở Nhật Bản”.
Nội dung của các báo nêu việc chủ tịch và giám đốc điều hành của Công ty Satoshi Kogyo có trụ sở tại Maebashi, Gunma Prefecture, bị cáo buộc sử dụng sáu nhân công bất hợp pháp từ Việt Nam để làm việc cho các dự án phá dỡ ở Tokyo và Gunma Prefecture từ tháng 2-2016 đến tháng 1-2017.
Sáu công nhân Việt Nam có độ tuổi từ 20 đến 30, đã ở quá hạn thời gian quy định thị thực. Các nhà điều tra tra tội phạm có tổ chức của Nhật nghi ngờ chỉ riêng năm 2016, Công ty Satoshi Kogyo đã tuyển dụng khoảng 4.000 lao động bất hợp pháp từ Việt Nam sang để làm việc cho các dự án ở bảy tỉnh trong khu vực Kanto, giúp công ty này kiếm lợi nhuận khoảng 50 triệu yen.
Ngay khi nhận được thông tin, Bộ Ngoại giao (Cục Lãnh sự) đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản liên hệ gấp với cơ quan chức năng Nhật Bản để tìm hiểu cụ thể, triển khai các biện pháp bảo hộ quyền lợi hợp pháp cho các công dân bị ảnh hưởng.
Nhiều công dân Việt Nam bị cảnh sát Nhật Bản tạm giữ. Ảnh: minh họa
Theo đó, ngày 19-1, cảnh sát Nhật Bản đã tạm giữ 19 công dân Việt Nam đang làm việc tại Công ty Satoshi Kogyo, thuộc tỉnh Gunma, do làm việc không theo đúng mục đích lưu trú hoặc hết hạn thị thực. Sau khi phân loại, cảnh sát Nhật Bản đã thả 13 người và tiếp tục tạm giữ sáu người do quá hạn cư trú tại Nhật Bản.
Ngày 8-2, sáu người nói trên bị chuyển sang Cục Xuất nhập cảnh Tokyo và sau đó đã bị trục xuất về Việt Nam bao gồm hai tu nghiệp sinh, ba du học sinh tự túc và một người du lịch.
Chính quyền tỉnh Gunma cho biết Công ty Satoshi Kogyo mỗi ngày sử dụng khoảng 20 người làm việc bất hợp pháp. Con số 4.000 người mà báo chí Nhật đưa tin được tính toán cụ thể: 20 người X 200 ngày làm việc/năm = 4.000 lượt lao động.
Các đối tượng lao động không đúng mục đích cư trú, bao gồm: Thực tập sinh kỹ thuật, lưu học sinh, thậm chí có người từ khu vực Kyushu ở phía Nam Nhật Bản đến làm việc, do đó cơ quan cảnh sát Nhật Bản nghi ngờ có mạng lưới giới thiệu việc làm cho các lao động này, đồng thời, đang điều tra xem có người lao động nước ngoài khác ngoài Việt Nam không.
Hiện nay, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện tại Nhật Bản tiếp tục theo dõi vụ việc, có biện pháp bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp cho công dân và kịp thời báo cáo về nước để các cơ quan chức năng trong nước có biện pháp phối hợp giải quyết.
Cũng theo Bộ Ngoại Giao, theo thông báo của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, hiện nay tỉ lệ phạm tội của công dân Việt Nam cao nhất trong số người nước ngoài tại Nhật Bản. Tỉ lệ phạm tội hình sự của người Việt Nam (chủ yếu là lưu học sinh và thực tập sinh kỹ năng) tại Nhật Bản tăng cao, từ mức 500-600 trường hợp, trong giai đoạn 2010-2012, lên mức 1.100-1.400 trường hợp giai đoạn 2014-2015. Ngoài ra, số lượng thực tập sinh kỹ năng và du học sinh Việt Nam ở lại bất hợp pháp tại Nhật Bản cũng tăng đột biến trong giai đoạn 2015-2016.
Trước tình hình trên, Bộ Ngoại giao đề nghị Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước yêu cầu các công ty phái cử lao động sang Nhật Bản thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ người lao động Việt Nam tại Nhật Bản. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện Việt Nam tại Nhật Bản xử lý kịp thời các vụ việc người lao động Việt Nam làm việc bất hợp pháp tại Nhật Bản.