Ngày 23-12-2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 118/2021 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022.
Nghị định 118/2021 thay thế cho Nghị định 81/2013 (quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính) và Nghị định 97/2017 (sửa đổi, bổ sung Nghị định 81/2013).
Ảnh minh họa
Nghị định 118/2021 quy định nhiều điểm mới về xử phạt vi phạm hành chính (VPHC).
Đối tượng là tổ chức bị xử phạt VPHC
Khoản 4 Điều 3 Nghị định 118/2021 bổ sung chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh VPHC trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền của pháp nhân, tổ chức hoặc theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của pháp nhân, tổ chức thì đối tượng bị xử phạt VPHC là pháp nhân, tổ chức đó. Mức phạt áp dụng là mức phạt đối với tổ chức về những hoạt động do chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của pháp nhân, tổ chức đó thực hiện.
Còn chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của pháp nhân, tổ chức thực hiện hành vi VPHC không thuộc phạm vi hoặc thời hạn được pháp nhân, tổ chức ủy quyền hoặc không theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của pháp nhân, tổ chức thì chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải chịu trách nhiệm. Mức phạt áp dụng là mức phạt đối với tổ chức về những hoạt động do chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thực hiện.
Thời hạn lập biên bản VPHC
Tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 118/2021 quy định rõ về thời hạn lập biên bản VPHC.
Theo đó, biên bản VPHC được lập trong thời hạn hai ngày làm việc, kể từ khi phát hiện VPHC.
Trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp hoặc có phạm vi rộng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức thì thời hạn là năm ngày.
Trường hợp VPHC được phát hiện bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc phải xác định giá trị tang vật, phương tiện, giám định, kiểm nghiệm... và xác định tình tiết liên quan thì thời hạn là ba ngày.
Trường hợp VPHC xảy ra trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa thì thời hạn là hai ngày làm việc, kể từ khi tàu bay, tàu biển, tàu hỏa về đến sân bay, cảng biển, nhà ga...
Trước đây, tại Luật Xử lý vi phạm hành chính và các Nghị định hướng dẫn chỉ quy định người có thẩm quyền khi phát hiện hành vi VPHC thuộc lĩnh vực quản lý của mình phải kịp thời lập biên bản VPHC mà không quy định thời hạn lập biên bản.
Thêm trường hợp phải hủy bỏ quyết định xử phạt VPHC
Điều 13 Nghị định 118/2021 bổ sung ba trường hợp phải ban hành quyết định hủy bỏ toàn bộ nội dung quyết định.
Một là không đúng đối tượng vi phạm.
Hai là trường hợp giữ lại vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử lý vi phạm hành chính.
Ba là trường hợp xác định hành vi VPHC không đúng, áp dụng hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả không đúng, không đầy đủ đối với hành vi VPHC.
Giao quyền cưỡng chế xử phạt VPHC
Trước đây, Nghị định 81/2013 và Nghị định 97/2017 không quy định về việc giao quyền cưỡng chế xử phạt VPHC dẫn đến nhiều lúng túng trong quá trình cấp trưởng giao quyền cho cấp phó.
Nay, Nghị định 118/2021 bổ sung quy định về giao quyền cưỡng chế. Cụ thể, người được giao quyền đứng đầu hoặc phụ trách của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử phạt thì có thẩm quyền xử phạt và được giao quyền xử phạt, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC, áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý VPHC như cấp trưởng.
Trong thời gian giao quyền thì người giao quyền vẫn có thẩm quyền xử phạt, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính.
Thời hạn hủy bỏ quyết định xử phạt Nghị định 118/2021 kế thừa Nghị định 81/2013 (sửa đổi bởi Nghị định 97/2017) về thời hạn đính chính, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định xử phạt VPHC là một năm kể từ ngày người có thẩm quyền ban hành quyết định có sai sót. Cạnh đó, Nghị định 118/2021 bổ sung quy định không áp dụng thời hạn đính chính, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần quyết định xử phạt VPHC đối với các trường hợp sau: + Quyết định xử phạt có áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện VPHC, biện pháp khắc phục hậu quả; + Có quyết định giải quyết khiếu nại của người hoặc cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại về việc phải sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần quyết định; + Có kết luận nội dung tố cáo của người hoặc cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo về việc phải sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần quyết định; + Có bản án, quyết định của tòa án về việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một phần quyết định bị khởi kiện. |