Ngày 19-12, ông Phạm Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, đã ký công văn gửi Bộ Tư lệnh vùng 2 Hải quân, đề nghị chấn chỉnh việc ký xác nhận tàu cá hoạt động xa bờ để hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định 48/2010/TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó trong tháng 10, qua phản ảnh của ngư dân, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bình Thuận đã điều tra, xác minh và phát hiện có chín tàu cá của huyện đảo Phú Quý không hoạt động đánh bắt trên vùng biển xa nhưng đã gửi giấy cho năm tàu cá khác cùng địa phương mang đến các nhà Lô (Quế Đường, Phú Nguyên, Tư Chính, Huyền Trân) để ký xác nhận, nhằm trục lợi lấy tiền chính sách. BĐBP Bình Thuận đã lập biên bản và hồ sơ vi phạm đối với các con tàu “ma” này.
Trên cơ sở báo cáo và đề xuất của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Sở NN&PTNT, ngày 23-11, UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo xử lý đối với 14 tàu cá vi phạm nêu trên (gồm chín tàu không hoạt động và năm tàu giúp xác nhận khống).
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, sự việc trên cho thấy việc xác nhận của các nhà lô thiếu chặt chẽ và đề nghị Bộ Tư lệnh vùng 2 Hải quân sớm có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.
Theo quy định, mỗi tàu cá tham gia hoạt động đánh bắt ngoài vùng biển xa được Nhà nước hỗ trợ kinh phí bốn chuyến biển/năm.
Cụ thể tàu có công suất từ 90-150 CV mỗi chuyến biển được hỗ trợ 22 triệu đồng; từ 150-250 CV được hỗ trợ 30 triệu đồng; từ 250-400 CV được hỗ trợ 55 triệu đồng; từ 400-700 CV được hỗ trợ 75 triệu đồng và từ 700 CV trở lên được hỗ trợ 100 triệu đồng/chuyến.
Được biết các trường hợp vừa bị BĐBP Bình Thuận phát hiện đều làm thủ tục xuất bến tại Trạm kiểm soát Biên phòng cửa khẩu Phú Quý. Các con tàu này đều có nhật ký chuyến biển dù không ra khơi chỉ quanh quẩn đánh bắt gần bờ nhưng gửi giấy xác nhận khống sau 15 ngày thì vào bờ nhằm hợp thức hóa, qua mặt cơ quan chức năng để nhận tiền.