Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, hiện tượng El-Nino kéo dài, gây khô hạn trên diện rộng, lưu lượng nước về các hồ thủy điện ở miền Trung và Tây Nguyên rất thấp, chỉ bằng khoảng 35%-40% so với trung bình nhiều năm.
Giá bán cao vẫn không dám phát điện
Theo báo cáo của Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương (Quảng Nam), trong mùa lũ năm 2015 do ảnh hưởng của hiện tượng El-Nino nên lưu lượng nước về hồ thủy điện rất thấp, nhất là các tháng mùa mưa chỉ bằng 66% so với lưu lượng trung bình cùng kỳ nhiều năm. Tính đến cuối năm 2015, hồ thủy điện A Vương chỉ tích được đến 357 m, thiếu 23 m so với mức nước dâng bình thường.
Ông Lê Đình Bản, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thủy điện A Vương, thông tin mặc dù công ty đã tập trung tích nước trong thời gian dài nhưng tính đến đầu tháng 3-2016 mức nước hồ A Vương vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái là 5,8 m; còn thiếu 83 triệu m3 so với mức nước dâng bình thường. Từ ngày 18-12-2015, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) đã tạm thời tách Nhà máy thủy điện A Vương ra khỏi thị trường phát điện cạnh tranh.
“Do mực nước hồ chứa ở mức thấp và không đảm bảo mực nước quy định nên thủy điện A Vương không phát điện, chủ yếu tập trung tích nước phục vụ công tác chống hạn và xâm nhập ngập mặn ở hạ du. Hơn ba tháng nay, nhà máy không phát điện dù có thời điểm giá điện chào cạnh tranh ở mức cao” - ông Bản cho hay.
Ông Bản chia sẻ thêm hiện nay lưu lượng nước về chỉ đạt 8-10 m/giây, thấp hơn trung bình hằng năm khoảng 40%. Do cuối năm tích nước hồ không đạt, sản lượng điện sản xuất năm nay dự báo sẽ thấp hơn kế hoạch.
Nhiều nhà máy thủy điện đang tập trung tích nước chống hạn cho mùa khô 2016. Trong ảnh: thủy điện Buôn Tua Srah. Ảnh: TP
Tập trung tích nước chống hạn hạ du
Không chỉ các thủy điện ở miền Trung chịu ảnh hưởng từ hạn hán mà các nhà máy thủy điện ở Tây Nguyên cũng đang gặp phải tình cảnh tương tự.
Ông Nguyễn Tấn Triết, Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp (Đắk Lắk), đơn vị quản lý Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah, Buôn Kuốp, Srêpôk 3 cho hay từ giữa tháng 9-2015, mực nước hồ chứa thủy điện Buôn Tua Srah đạt gần mực nước chết.
Trước tình hình trên, công ty đã chủ động đề xuất với A0 giảm khai thác hồ chứa để tích nước phục vụ mùa kiệt 2016. Nhờ vậy hồ Buôn Tua Srah có khả năng cung cấp nước trong suốt mùa kiệt năm 2016.
Tuy nhiên, với tình hình thời tiết khô hạn xảy ra trên diện rộng, lưu lượng nước về các hồ những tháng đầu năm 2016 đạt rất thấp so với cùng kỳ năm ngoái và trung bình nhiều năm (xấp xỉ 50% trung bình nhiều năm), đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc hoàn thành kế hoạch sản xuất của công ty trong năm nay.
Theo ông Triết, các phụ lưu về hồ Buôn Kuốp và Srêpôk 3 rất thấp (≈ 0 m3/giây), không đạt theo tính toán tại Quy trình vận hành liên hồ. Trong những tháng tới, hai hồ này không thể đảm bảo lưu lượng xả về hạ du theo quy định.
Chính vì vậy, ngày 7-3, công ty đã được cấp có thẩm quyền cho phép tách các nhà máy ra khỏi thị trường điện, tạo điều kiện cho công ty chủ động hơn trong công tác đáp ứng nhu cầu phục vụ nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho hạ du trong mùa khô 2016.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk Trương Công Hồng chia sẻ hạn hán năm nay rất nghiêm trọng. Điều này đã gây thiệt hại rất lớn đối với các nhà máy thủy điện trên địa bàn, ước tính các dự án thủy điện mất đi khoảng 1.500 tỉ đồng, riêng Công ty Thủy điện Buôn Kuốp mất khoảng 1.000 tỉ đồng.
15 nhà máy xin tách khỏi thị trường phát điện Theo thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến nay do thời tiết khô hạn, lượng nước về các hồ thủy điện không đạt mực nước dâng bình thường, đặc biệt là các thủy điện khu vực miền Trung, Tây Nguyên. Hiện có 15/51 nhà máy điện đã xin tách ra khỏi thị trường phát điện: A Vương, An Khê, Bình Điền, Buôn Kuốp, Buôn Tua Srah, Đa Mi, Đồng Nai 3, Đồng Nai 4... |