Dịch COVID-19 đang vẽ ra một bức tranh trái ngược giữa các đại gia trên thị trường: Người lời, người thua lỗ cả ngàn tỉ đồng.
Phản ứng cực nhanh trước tình hình mới
Khi lệnh giãn cách xã hội được ban hành, Thế Giới Di Động chịu tác động một cách rõ rệt nhất. Với độ phủ lên đến con số hàng trăm cửa hàng và không phải là mặt hàng thiết yếu, nên việc chấp hành lệnh đóng cửa đã gây tác động tiêu cực cho kinh doanh gần như tức thời. Nhưng ban lãnh đạo Thế Giới Di Động đã phản ứng cực nhanh trước tình huống trên.
Theo ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động, công ty đã nhanh chóng thương lượng với các chủ thuê mặt bằng để giảm giá thuê 10%-40% với thời gian kéo dài cả năm. Bên cạnh đó, công ty tiết giảm ngay những chi phí không cấp bách.
Dù tiết giảm được một chi phí lớn nhưng đây không phải là cách công ty kiếm lãi ngàn tỉ trong quý I-2020. Cụ thể, nắm bắt tâm lý ngại đám đông mùa dịch của các bà nội trợ nên công ty nhanh chóng ra mắt dịch vụ đi chợ hộ. Mô hình đi chợ hộ đã tạo công ăn việc làm, giúp công ty không phải sa thải hàng ngàn nhân viên.
Với giải pháp trên, các cửa hàng của Thế Giới Di Động trở thành “cỗ máy” kiếm tiền khi bình quân mỗi cửa hàng kiếm được hơn 1 tỉ đồng/ngày. “Nếu không nhanh nhạy nắm bắt, cơ hội sẽ trôi qua” - ông Tài đúc kết.
Ngoài ra, do COVID-19 buộc mọi người phải làm việc ở nhà nên công ty tập trung vào kinh doanh máy tính xách tay, giúp doanh thu mặt hàng này tăng vọt. Kết thúc quý I-2020, Thế Giới Di Động lãi ròng hơn 1.100 tỉ đồng.
Một cách tương tự, Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng phải đóng cửa hàng trăm cửa hàng do lệnh giãn cách xã hội. Trước bối cảnh mới, công ty thực hiện các cuộc thỏa thuận giao dịch giảm giá thuê mặt bằng. Bên cạnh đó, theo ông Lê Trí Thông, Giám đốc điều hành PNJ, đơn vị này đã chủ động chuyển đổi số nên dù dịch bệnh công ty vẫn không rơi vào tình trạng bị động và thích nghi rất nhanh với tình huống mới.
“Ngay đầu năm mới, chúng tôi đã dự đoán tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên quyết định tiến hành tập trung kinh doanh trực tuyến. Vì đọc tình huống tốt, khi lệnh giãn cách xã hội được đưa ra, mọi người không thể ra được cửa hàng, các hoạt động kinh doanh trực tuyến vẫn tiếp tục nên mang lại doanh thu cao” - ông Thông cho biết.
Nhờ đó, dù tháng 4 lỗ do đóng cửa hàng loạt cửa hàng nhưng xét chung cả bốn tháng, PNJ vẫn kiếm lợi. Cụ thể, lời lũy kế trong bốn tháng đầu năm 2020 đạt 320 tỉ đồng. Đây là điều tích cực trong bối cảnh các đại gia khác đang thua lỗ nặng nề vì dịch bệnh.
Nhờ không thụ động giữa lúc dịch bệnh căng thẳng, nhiều công ty vẫn kiếm bộn tiền. Trong ảnh: Khách mua hàng tại Bách Hóa Xanh (thuộc Thế Giới Di Động). Ảnh: TÚ UYÊN
Không thụ động khi đối mặt rủi ro
Với khoản lãi ròng hơn 2.200 tỉ đồng trong quý I vừa qua, Tập đoàn Thép Hòa Phát gần như miễn nhiễm trước tác động của COVID-19. Đáng chú ý, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát, tiết lộ thông tin khá thú vị là công ty đã xuất khẩu được phôi thép sang Trung Quốc. Mặc dù tỉ suất lợi nhuận phôi thép không bằng thép thành phẩm nhưng cho thấy khả năng cạnh tranh của thép Hòa Phát không thua các công ty Trung Quốc.
Điều khá lý thú là Hòa Phát còn kiếm tiền khá tốt trong quý I-2020 từ mảng nông nghiệp với lợi nhuận là 500 tỉ đồng, chiếm 22% tổng lãi ròng. Lợi ích này không đơn giản là mặt hàng cần thiết trong dịch bệnh mà đã được Hòa Phát chuẩn bị từ nhiều năm trước đó. Theo ông Trần Đình Long, công ty kỳ vọng đạt lãi 1.300 tỉ đồng trong mảng nông nghiệp vào cuối năm nay.
Tại một buổi tọa đàm trực tuyến tổ chức mới đây, ông Cô Gia Thọ, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Long, chia sẻ công ty ông không thụ động khi đối mặt rủi ro đại dịch mà chọn con đường thúc đẩy bán hàng trực tuyến và cho ra mắt các sản phẩm, dịch vụ mới đáp ứng nhu cầu của khách hàng mùa dịch. Chẳng hạn, công ty cho ra mắt sản phẩm mới gôm kháng khuẩn, bọc tay kháng khuẩn, gel rửa tay khô.
“Dựa vào thời điểm, thị hiếu và sự thay đổi của thị trường mà nắm bắt, đó là cách chúng tôi giữ vững được thị trường” - ông Thọ nói.
Cú hích để thay đổi nhận thức
Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, nhận định bộ phận quan trọng của nền kinh tế là lực lượng doanh nghiệp (DN) chịu tổn thương nặng nề đầu tiên khi các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư bị ngưng trệ; doanh thu bị sụt giảm, dẫn đến tình trạng thua lỗ.
“Tuy nhiên, tôi tin các DN sẽ biết tìm cách vượt qua các thách thức, làm nên điều kỳ diệu để tạo nên kỳ tích mới. COVID-19 cũng là cú hích để DN thay đổi nhận thức, nắm bắt xu hướng tiêu dùng mới, mô hình kinh doanh mới để bứt phá. Đây thực sự là cơ hội để giúp các DN Việt Nam nhìn nhận, sát hạch lại năng lực thực sự, sức chống chịu, khả năng thích nghi trước những biến cố của thị trường; tái cấu trúc cơ sở sản xuất và chuyển đổi chiến lược” - ông Dũng nói.
Trong góc nhìn của mình, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng Chính phủ nên hỗ trợ các ông lớn để vượt qua khó khăn và trở lại quỹ đạo tăng trưởng. Tuy vậy, bản thân các công ty không nên xem COVID-19 là mối nguy mà là cơ hội thoát khỏi sự phụ thuộc, thoát khỏi lối tư duy cũ để bắt kịp thế giới, vươn lên cấp độ mới đi cùng thời đại.
Đồng quan điểm, nhiều nhà kinh doanh cho rằng để biến được “nguy” thành “cơ”, giải pháp quan trọng là tái cơ cấu DN, áp dụng triệt để công nghệ thông tin. Đặc biệt cần đẩy mạnh đa dạng hóa nhiều thị trường như châu Âu, Bắc Mỹ, Mỹ, Trung Đông... thay vì chỉ tập trung vào thị trường Trung Quốc để không lo lắng về chuyện bị hủy đơn hàng, tắc thị trường.
Nhiều đại gia lần đầu tiên lỗ nặng Dịch COVID-19 cũng khiến một loạt đại gia hàng đầu Việt Nam lần đầu tiên báo lỗ. Đơn cử, du lịch chững lại, các quốc gia khóa cửa biên giới chống dịch nên hai ông lớn hàng không là Vietnam Airlines và VietJet lần lượt báo lỗ ngàn tỉ đồng. Đại gia Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC, cũng nhìn thấy sức ép từ dịch bệnh khi lần đầu báo lỗ hơn 1.000 tỉ đồng. Kéo dài trong danh sách đại gia lỗ ngàn tỉ là các ông lớn trong ngành xăng dầu. Chẳng hạn, kết thúc quý I-2020, Tập đoàn Petrolimex lỗ gần 1.900 tỉ đồng. |