Nhiều trường học ​lúng túng trong xác​ định, cách ly F1

Chiều 17-2, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM đã tổ chức họp báo định kỳ cung cấp thông tin về tình hình dịch trên địa bàn.

Thông tin tại họp báo, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng Phòng chính trị tư tưởng Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết trong bốn ngày đầu học sinh (HS) các khối đi học trực tiếp trở lại, số F0 được phát hiện tại các trường có dấu hiệu tăng. Cụ thể, ngày 14-2 có 27 em, ngày 15-2 có 50 em và ngày 16-2 có 86 em bị nhiễm COVID-19. “Ngày 17-2, Sở GD&ĐT tiếp tục cập nhật, dự kiến có tăng nhẹ” - ông Trọng nói và cho biết mặc dù vậy, các trường vẫn đảm bảo việc dạy và học. Các tình huống phát sinh ca nhiễm đều có sự phối hợp giữa nhà trường với ngành y tế địa phương để kịp thời giải quyết đúng quy trình.

Trường Mầm non 19-5 (quận 1, TP.HCM) tổ chức đo thân nhiệt mỗi ngày cho trẻ trước khi vào lớp. Ảnh: NGUYỆT NHI

Chính thức cấp phép ba loại thuốc chứa Molnupiravir sản xuất
trong nước

Ngày 17-2, cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa ký quyết định ban hành danh mục ba loại thuốc chứa Molnupiravir sản xuất trong nước, được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam.

Theo đó, Cục Quản lý dược cấp phép cho ba loại thuốc gồm: Molravir 400, Movinavir, Molnuporavir Stella 400. 

Trả lời câu hỏi về việc khi có ca nhiễm, HS là F1 phải cách ly 14 ngày gây ảnh hưởng đến học tập, ông Trọng cho biết đã ghi nhận ý kiến của phụ huynh về vấn đề này. Tuy nhiên, việc xác định, cách ly trường hợp F1 vẫn đang thực hiện theo Văn bản 9038 của Sở Y tế TP.HCM. Theo đó, các HS tiểu học, mẫu giáo nếu được xác định là F1 và chưa được tiêm vaccine sẽ phải nghỉ ở nhà 14 ngày để theo dõi sức khỏe.

Ông Trọng cho biết thêm trên tinh thần làm sao đảm bảo việc học tập của HS ít bị xáo trộn khi có F0, Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế đang thống nhất để ban hành quy định về F0, F1 và cách ly trong hệ thống giáo dục. Trên cơ sở đó, TP.HCM sẽ ban hành văn bản sớm nhất để thay thế Văn bản 9038 hiện hành. “Một số cơ sở giáo dục đang rất lúng túng trong chuyện này. Quy định của Bộ Y tế tại Văn bản 9038 và thực tế có sự vênh nhau” - ông Trọng nói.

Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết các biện pháp cách ly F1 mà TP.HCM đang thực hiện nhằm đảm bảo an toàn nhất cho các HS khi trở lại trường, nhất là các HS mầm non và tiểu học vì đây là các đối tượng chưa được tiêm vaccine. Bà cũng khẳng định Sở Y tế cùng với Sở GD&ĐT đang giám sát chặt HS trong các trường qua tầm soát lấy mẫu ngẫu nhiên; đồng thời quan sát các trường, khu vực có ca dương tính để xử lý kịp thời.

Theo bà Mai, đối với khối mầm non, tiểu học cần phải đặc biệt chú ý đến cô giáo, bảo mẫu vì đây là nhóm có thể lây nhiễm cho HS. Bởi vì HS không duy trì được việc đeo khẩu trang như người lớn.

Liên quan đến ca mắc biến thể Omicron, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết từ đầu tháng 1 đến nay, TP.HCM ghi nhận 166 ca mắc biến thể Omicron (155 ca nhập cảnh và 11 ca được phát hiện trong cộng đồng). Sở Y tế đang phối hợp với các sở, ngành để tăng cường giám sát, mở lại các đường bay và giám sát cả ở nhập cảnh và trong cộng đồng.

Theo bà Mai, trong năm ca mắc biến thể Omicron trong cộng đồng được ghi nhận gần nhất, TP.HCM xác định 19 F1. Trong đó có ba trường hợp dương tính, một trong số này được xác định mắc biến thể Omicron.

Đảm bảo đưa trẻ trở lại trường học an toàn, linh hoạt,
tránh cực đoan

Tại cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành nhằm đánh giá tình hình mở cửa trường học của các địa phương diễn ra vào sáng 17-2, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kết luận:

Việc đi học của trẻ rất quan trọng, không chỉ khi có dịch bệnh; liên quan đến vấn đề đảm bảo nhân lực, lao động trong phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Với những nghiên cứu, dự báo về sự tồn tại lâu dài của virus SARS-CoV-2, Phó Thủ tướng nhấn mạnh các giải pháp đưa trẻ trở lại trường phải mang tính dài hơi, trên tinh thần chủ động, không mất cảnh giác, không cực đoan, khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội trong điều kiện bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Bên cạnh đó, việc đưa trẻ trở lại trường phải có sự chỉ đạo thống nhất trên cả nước nhưng không áp dụng máy móc, cứng nhắc giữa các địa phương có cấp độ dịch khác nhau, giữa đô thị và nông thôn…, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm. Các phương án phòng chống dịch trong nhà trường phải chi tiết, liên tục cập nhật, tập huấn, hướng dẫn, truyền thông xuyên suốt. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm