Nhiều vấn đề pháp lý cần điều chỉnh trong Luật Bảo vệ môi trường

(PLO)- Các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường đã đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị và giải pháp nhằm góp phần nâng cao hiệu quả thực thi Luật Bảo vệ môi trường trong thời gian tới.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 28-12, Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức hội thảo 30 năm thực thi Luật Bảo vệ môi trường (BVMT). Tại hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra những kết quả cũng như thách thức trong việc thực thi Luật BVMT.

Sử dụng chưa hiệu quả các nguồn tài nguyên

Tại hội thảo, PGS-TS Lưu Quốc Thái, Trường ĐH Luật TP.HCM, chia sẻ phát triển bền vững được hiểu là sự phát triển nhằm đáp ứng được nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không ảnh hưởng đến nhu cầu của thế hệ tương lai. Đây là yêu cầu và căn cứ rất quan trọng để xây dựng và thực thi pháp luật về BVMT của các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là trong việc khai thác, sử dụng và bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Trong nhiều năm qua, chủ trương, chính sách về môi trường luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Qua 30 năm xây dựng, ban hành, sửa đổi và thực thi, Luật BVMT đã kịp thời góp phần hoàn thiện về thể chế, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về BVMT. Tạo hành lang đồng bộ, thống nhất về BVMT và góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững.

TS LÊ TRƯỜNG SƠN, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM

Theo PGS-TS Lưu Quốc Thái, Luật BVMT Việt Nam qua các giai đoạn đều ghi nhận và thể chế hóa cụ thể nguyên tắc này. Tuy nhiên, trong gần 30 năm thực thi, thực tế cho thấy chúng ta đã và đang sử dụng sai mục đích, không hiệu quả các nguồn tài nguyên quan trọng.

“Việc Luật BVMT năm 2020 không xác định “phát triển bền vững” là nguyên tắc BVMT mà chỉ là mục tiêu là vấn đề nên xem xét lại, bởi nguyên tắc là yêu cầu mang tính định hướng bắt buộc còn mục tiêu chỉ là cái hướng đến và có thể bị thay đổi. Vì vậy, Luật BVMT năm 2020 cần được điều chỉnh theo hướng khẳng định nguyên tắc này. Ngoài ra, khái niệm “phát triển bền vững” cần phải được giải thích rõ trong luật, đặc biệt là nội hàm của “nhu cầu hiện tại” và “tương lai” cần phải được làm rõ” - PGS-TS Lưu Quốc Thái đề xuất.

Bảo vệ môi trường
Vấn đề phân loại rác tại nguồn hiện nay ở nhiều địa phương còn đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

Liên quan đến khung pháp lý về thị trường carbon Việt Nam, TS Võ Trung Tín, Trường ĐH Luật TP.HCM, đánh giá thị trường carbon sẽ có nhiều vấn đề pháp lý cần phải điều chỉnh để đảm bảo cho việc vận hành. Cụ thể, để một thị trường carbon hoàn chỉnh thì các vấn đề cần phải có là hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV); thiết lập phạm vi thị trường; xác định tổng hạn ngạch phát thải; cơ chế phân bổ hạn ngạch phát thải; tổ chức sàn giao dịch; các quy định đảm bảo nghĩa vụ tuân thủ thị trường.

Theo TS Võ Trung Tín, Nghị định 06/2022 của Chính phủ đã quy định rõ trách nhiệm và nghĩa vụ thực hiện MRV để tạo cơ sở pháp lý cho thị trường carbon cũng như đáp ứng các yêu cầu và nghĩa vụ của Việt Nam trong các hiệp định đã tham gia.

“Cụ thể là về phương pháp đo đạc, Bộ TN&MT ban hành quy định kỹ thuật MRV và kiểm kê khí nhà kính trong lĩnh vực quản lý chất thải trên cơ sở tiêu chuẩn của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, các bộ Công Thương, GTVT, NN&PTNT chưa xây dựng và ban hành quy trình, quy định kỹ thuật về đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong phạm vi lĩnh vực quản lý...” - TS Võ Trung Tín cho hay.

Thu gom, xử lý chất thải rắn còn nhiều bất cập

Liên quan đến vấn đề pháp luật môi trường về chất thải rắn trong doanh nghiệp (DN), TS Lê Minh Thái, Trường ĐH Văn Lang, đánh giá công tác quản lý nhà nước về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn còn nhiều bất cập. Việc cấp phép cho các DN làm dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn chưa chặt chẽ.

“Một số DN kinh doanh lĩnh vực này năng lực còn hạn chế, chưa đảm bảo quy định của pháp luật nhưng vẫn được cấp phép. Việc phê duyệt, kiểm tra giám sát, thực hiện nội dung trong báo cáo, đánh giá tác động môi trường, cam kết BVMT, giấy phép môi trường đối với DN trong nhiều trường hợp còn thiếu chặt chẽ, cụ thể. Từ đó dẫn đến tình trạng DN lợi dụng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT” - TS Lê Minh Thái nói.•

Điều chỉnh phương thức phân loại rác theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường

Theo báo cáo mới đây của Sở TN&MT TP.HCM, đối với vấn đề phân loại rác tại nguồn, hiện nay nhiều địa phương cũng đang gặp nhiều khó khăn.

Điển hình tại TP.HCM, qua thực tế triển khai thực hiện phân loại rác tại nguồn giai đoạn trước đây cho thấy để chuyển đổi từ việc phân loại rác sinh hoạt từ hai nhóm theo Quyết định 09/2021 của UBND TP sang ba nhóm theo Luật BVMT năm 2020 (thêm nhóm chất thải thực phẩm) thì các địa phương cần có thời gian. Cụ thể là làm việc với các đơn vị trúng thầu thu gom, vận chuyển xây dựng kế hoạch; rà soát trang thiết bị, phương tiện, hạ tầng kỹ thuật phục vụ thu gom, vận chuyển, phương thức thực hiện theo hướng dẫn mà Bộ TN&MT ban hành. Việc này nhằm đảm bảo tính đồng bộ trong việc phân loại, tổ chức thu gom nhằm tránh xảy ra trường hợp người dân đã thực hiện phân loại rồi nhưng công tác thu gom lại không đáp ứng.

“Sở TN&MT đã phối hợp với Bộ TN&MT và các đơn vị tư vấn để thực hiện việc tham mưu, điều chỉnh phương thức phân loại rác sinh hoạt theo quy định của Luật BVMT. Ngoài ra, Sở TN&MT cũng đang phối hợp với các sở, ngành, TP Thủ Đức và các quận, huyện để tham mưu, trình TP ban hành lộ trình, kế hoạch thực hiện phân loại rác tại nguồn trên địa bàn theo hướng dẫn phân loại do Bộ TN&MT ban hành” - báo cáo của Sở TN&MT nêu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm