Thanh tra Chính phủ vừa thông báo Kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Kết luận thanh tra chỉ ra nhiều khuyết điểm, vi phạm trong việc phê duyệt bổ sung các dự án điện mặt trời.
Cụ thể, Bộ Công Thương đã không thực hiện đúng quy định, lập quy hoạch phát triển điện mặt trời không đúng với thời kỳ quy hoạch đến năm 2020, không có quy hoạch điện mặt trời cấp tỉnh đến năm 2020.
Theo kết luận thanh tra, Bộ Công Thương đã phê duyệt có 92 dự án với tổng công suất 3.194MW được phê duyệt bổ sung riêng lẻ vào Quy hoạch điện lực của 23 tỉnh trên cơ sở đề nghị của UBND các tỉnh xuất phát từ đề nghị của các chủ đầu tư. Tuy nhiên có 15/23 tỉnh không quy hoạch đầu tư điện mặt trời trong Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh và không có quy hoạch điện mặt trời đến năm 2020 của 63 tỉnh, thành phố được lập, phê duyệt theo quy định.
“Việc Bộ Công Thương phê duyệt 92 dự án với tổng công suất 3.194 MW có tiến độ vận hành trong giai đoạn 2016 - 2020 là không có căn cứ pháp lý về quy hoạch, vi phạm khoản 1 Điều 4 Quyết định số ll/2017/QĐ-TTg” - Kết luận thanh tra nêu.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đã tham mưu trình Thủ tướng phê duyệt bổ sung riêng lẻ 54 dự án tổng công suất 10.521MW vào quy hoạch điện 7 điều chỉnh, trong khi không có quy hoạch, nên không có căn cứ pháp lý.
Không chỉ vậy, kết luận thanh tra cũng chỉ ra việc Bộ Công Thương đã phê duyệt bổ sung các dự án điện mặt trời không quá 50MW vào quy hoạch điện lực cấp tỉnh, trên cơ sở đề nghị của các địa phương, chủ đầu tư mà không lập quy hoạch điều chỉnh, dẫn tới việc bổ sung dự án không có căn cứ pháp lý, không có tính tổng thể, cơ sở quản lý, không phù hợp với Quy hoạch Điện VII điều chỉnh.
Ngoài ra, việc này còn không đảm bảo cạnh tranh trong thu hút đầu tư, không đảm bảo minh bạch, nguy cơ phát sinh cơ chế xin - cho.
Kết luận thanh tra chỉ rõ nguồn điện mặt trời mái nhà đã được đầu tư nhanh với công suất lớn 7.864 MW, nâng tổng công suất nguồn điện mặt trời lên thành 16.506 MW, cao gấp 19,42 lần so với công suất phê duyệt tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Điều đó dẫn đến cơ cấu công suất nguồn điện mặt trời đã tăng từ 1,4% lên 23,8%.
Hệ quả của những vi phạm trên, theo Thanh tra Chính phủ đó là giá điện ưu đãi (FIT) trả cho chủ đầu tư, chi phí hệ thống tăng thêm ít nhất 5,5 cent/kWh.
Ngoài ra, việc không đồng bộ giữa việc bổ sung quy hoạch từng dự án, không có quy hoạch tổng thể và không đồng bộ với lưới điện đi kèm - với tiến độ xây dựng các công trình lưới điện từ 3 đến 5 năm, chậm hơn nhiều so với tiến độ vận hành của điện mặt trời. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc vận hành hệ thống điện, có khả năng gây quá tải cục bộ và trên diện rộng khu vực các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, Gia lai, Đắk Lắk, buộc các nhà máy điện phải giảm phát.
“Trách nhiệm chính đối với những khuyết điểm, vi phạm nêu trên thuộc về Bộ Công Thương, ngoài ra còn có trách nhiệm liên quan của UBND các tỉnh trong việc đề xuất đầu tư dự án” - Kết luận thanh tra chỉ rõ.