Để trang trại điện mặt trời thực sự thân thiện với môi trường

(PLO)- Các dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam đang xuất hiện ngày càng nhiều, góp phần giải quyết các vấn đề có quy mô toàn cầu. Tuy nhiên tác động môi trường của các dự án này chưa được quan tâm đúng mức để bảo đảm thân thiện với môi trường.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chưa quan tâm đến tác động môi trường

Qua rà soát một số báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của một số dự án trang trại điện mặt trời, các tác động chỉ tập trung vào giai đoạn đầu tư xây dựng dự án. Trong khi đó, các tác động môi trường trong giai đoạn vận hành dự án, mặc dù có nhắc đến nhưng chưa được nhận diện đầy đủ và nghiêm túc.

Ví dụ, theo báo cáo ĐTM của dự án trang trại điện mặt trời Long Sơn, tỉnh Khánh Hòa, nội dung dự báo các tác động trong giai đoạn vận hành dự án được nêu rất ngắn gọn: Ảnh hưởng đến hệ sinh thái, ảnh hưởng đến sức khỏe và tiện nghi, ảnh hưởng đến kiến trúc cảnh quan, ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng… tuy nhiên sơ sài và được nhận định chỉ tác động ngắn hạn.

Tương tự, báo cáo ĐTM của dự án trang trại điện mặt trời Hồ Núi Một, tỉnh Ninh Thuận, nội dung đánh giá tác động môi trường của dự án chủ yếu nằm ở giai đoạn xây dựng dự án. Trong khi nội dung đánh giá ở giai đoạn vận hành chỉ được nêu rất ngắn gọn và vắn tắt các tác động đến môi trường nước, môi trường không khí, ô nhiễm do các chất thải phát sinh và môi trường sinh thái. Thực tế, các giải pháp để giảm thiểu tác động đến môi trường của trong giai đoạn vận hành dự án thực sự chưa được quan tâm.

3 tác động cần chú ý

Thứ nhất, các dự án trang trại điện mặt trời ảnh hưởng đến vi khí hậu trong khu vực và hệ sinh thái nói chung.

Người dân sinh sống tại Xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận chia sẻ rằng từ lúc các dự án trang trại điện mặt trời lớn nhỏ mọc lên gần nhau đã khiến cảnh vật và môi trường nơi đây thay đổi. Bà T.H (xin giấu tên) – buôn bán tạp hóa, sinh sống dọc Quốc lộ 1A chia sẻ rằng kể từ khi các dự án điện mặt trời xuất hiện ở đây, nhiệt độ lúc trưa nắng trở nên gắt hơn, ánh sáng chói hơn và khó chịu hơn.

Thứ hai, các dự án trang trại điện mặt trời gián tiếp làm tăng nguy cơ lũ lụt, xói mòn, sạt lở đất… Cụ thể, tại Đắk Lắk, một trong những khu vực Tây Nguyên có nhiều cây cối, rừng che phủ núi đồi. Tuy nhiên, khi có 3 dự án trang trại điện mặt trời trên địa bàn được thực hiện, các mảng xanh đã bị chặt để xây dựng dự án.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại buổi làm việc tại Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông vào ngày 7-8-2023 (trong bối cảnh khu vực này thường bị sạt lở vào giai đoạn tháng 7, 8 năm 2023), mỗi năm khu vực Tây Nguyên mất từ 5.000 – 7.000 ha rừng để chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Như vậy, một lượng lớn khí CO2 không được hấp thụ làm tăng nguy cơ biến đổi khí hậu hơn, gây xuất hiện nhiều hơn hiện tượng khí hậu cực đoan.

Do đó, khi phát triển dự án trang trại điện mặt trời bằng việc chặt bỏ rừng sẽ làm giảm sự ổn định của mặt đất, các lớp rễ cây chằng chịt giúp giữ đất bị phá hủy sẽ gây lũ lụt, xói mòn, sạt lở đất,… khi có mưa lớn diễn ra thường xuyên, dài ngày. Mặc dù trong các báo cáo ĐTM cũng xác định rằng đây là tác động khó tránh khỏi nhưng chỉ nhận định mức độ ảnh hưởng không lớn.

Thứ ba, các dự án trang trại điện mặt trời ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp (thay đổi chất lượng đất) và sinh kế của người dân, doanh nghiệp trong khu vực.

Người dân sinh sống tại khu vực Đầm Trà Ổ, tỉnh Bình Định chia sẻ việc phát triển dự án điện mặt trời nổi trên mặt Đầm Trà Ổ đã ảnh hưởng đến họ. Hầu hết các hộ dân sinh sống trong khu vực dự án đều dựa vào nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản trên Đầm Trà Ổ. Bà H.T.T (xin giấu tên), người dân sinh sống tại xã Mỹ Lợi cho biết: Đầm Trà Ổ này từ trước đến nay là nguồn thu nhập chính của các hộ dân lân cận, chủ yếu sinh sống bằng nghề nông. Việc xây dựng các tấm pin mặt trời trên mặt đầm làm giảm diện tích đánh bắt và ảnh hưởng đến kế sinh nhai của nhiều người. Ngoài ra, ông N.T (xin giấu tên) cũng ở xã Mỹ Lợi cho biết thêm: Dự án ngoài việc thu hẹp diện tích đánh bắt, còn hạn chế khả năng đi lại và các khu vực chăn thả trâu bò bị ảnh hưởng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân nơi đây.

Cũng tại Ninh Thuận, Bình Thuận và một số tỉnh lân cận, các dự án điện mặt trời đã ảnh hưởng đến nguồn sống của các hộ dân sinh sống bằng hoạt động chăn nuôi và trồng trọt, thậm chí phải bỏ nghề và tìm kiếm kế sinh nhai khác. Việc xây dựng các dự án điện mặt trời đã thu hẹp các đồng cỏ và làm chất lượng đất canh tác bị giảm sút. Chính điều này khiến việc chăn thả gia súc của các hộ dân trở nên khó khăn. Một số trường hợp người dân phải vay tiền mua thêm cám hoặc mua cỏ để chăn nuôi.

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp cho biết chất lượng cây trồng và năng suất giảm thấy rõ khi có các dự án trang trại điện mặt trời phát triển lân cận. Cây trồng có dấu hiệu héo úa, khô, còi cọc, chất lượng đất canh tác giảm sút và bạc màu. Qua thực tế khảo sát thêm tại 3 dự án trang trại điện mặt trời: Solar Park, Europlast tại Huyện Đức Huệ và BCG Băng Dương tại Huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An, các tác động môi trường trong giai đoạn vận hành dự án chưa được đánh giá đầy đủ.

Để trang trại điện mặt trời thực sự thân thiện với môi trường
Hệ thực vật xung quanh dự án Europlast (1 trong 3 dự án khảo sát)

Tuy người dân sinh sống gần khu vực này không nhận ra các tác động đến môi trường, nhưng họ nhận thấy công ăn việc làm bị ảnh hưởng khá nhiều và buộc phải thay đổi sinh kế. Như trường hợp chị Nguyệt chuyển từ buôn bán cừ tràm sang bán cafe võng, với thu nhập giảm đáng kể. Anh Tài ở Xã Thạnh An, Huyện Thạnh Hóa, lo ngại về an toàn khi làm dưới đường dây điện cao thế được kết nối vào dự án điện mặt trời.

Về tác động môi trường, qua ghi nhận thực tế của cả 3 dự án, có một điểm chung đó là đường kết nối đi ngang khu dân cư vào dự án không được nâng cấp, chỉnh sửa, có tình trạng khói bụi và rất khó đi. Ngoài ra, các con kênh, rạch lân cận cũng có dấu hiệu ô nhiễm và các cây trồng xung quanh héo úa.

Các chuyên gia nói gì ?

Nhiều nhà khoa học môi trường và chuyên gia năng lượng đã có những lo ngại về mức độ nguy hại đến môi trường do các tấm pin năng lượng mặt trời gây ra. Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (International Renewable Energy Agency) đã ước tính vào năm 2016, có khoảng 250.000 tấn chất thải tấm thu mặt trời trên khắp thế giới và con số này có thể lên tới 78 triệu tấn vào năm 2050.

Để trang trại điện mặt trời thực sự thân thiện với môi trường
Dự báo khối lượng rác thải pin mặt trời đến năm 2050 – Nguồn: IREA

Theo GS.TS. Đặng Thị Kim Chi - Chủ tịch Hội đồng khoa học và kỹ thuật, Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, những tấm pin năng lượng mặt trời thải bỏ này nếu chôn lấp không đúng quy định có khả năng gây ô nhiễm môi trường đất, nước do phát sinh kim loại nặng hoặc phát sinh khí thải độc hại, ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ con người.

Pin năng lượng mặt trời là một trong những biện pháp, công cụ hữu ích giúp biến năng lượng mặt trời thành năng lượng điện. Nhưng cấu tạo của những tấm pin năng lượng mặt trời có đến 76% là pin, 10% polyme, 8% nhôm, 5% nguyên tố silic, 1% đồng và các loại kim loại như chì, thiếc... Nếu mang đi chôn lấp không đúng quy định thì các thành phần có trong tấm pin năng lượng mặt trời sẽ không được phân huỷ, gây ô nhiễm môi trường.

Đồng quan điểm, TS. Tô Văn Trường - chuyên gia tài nguyên và môi trường cho rằng trên thế giới, quá trình sản xuất tế bào tấm pin mặt trời sử dụng một số vật liệu nguy hại, chủ yếu để làm sạch bề mặt chất bán dẫn. Những hóa chất này, tương tự như những hóa chất được sử dụng trong ngành công nghiệp bán dẫn nói chung, bao gồm axit clohydric, axit sulfuric, axit nitric, hydro florua và axeton. Số lượng và loại hóa chất được sử dụng phụ thuộc vào loại tế bào tấm pin mặt trời, lượng làm sạch cần thiết và kích thước của tấm silicon.

Để trang trại điện mặt trời thực sự thân thiện với môi trường
Dự báo khối lượng rác thải pin mặt trời tại Việt Nam giai đoạn 2020 - 2050 – Nguồn: Quy hoạch điện VIII

Theo kịch bản cao của Quy hoạch Điện VIII, tổng công suất của năng lượng mặt trời nói chung khoảng 20.000 MW (2030) và hơn 71.000 MW (đến 2045). Hầu hết các dự án trang trại điện mặt trời tại Việt Nam đều đặt tại những vị trí khá đặc thù và để sản xuất được 1 MW cần 3,03 ha đất để xây dựng dự án điện năng lượng mặt trời.

Như vậy, nếu tính theo kịch bản cao của Quy hoạch Điện VIII, cần phải xóa bỏ từ 606 km2 đến hơn 2.100 km2 đất nông nghiệp hoặc đất rừng để phát triển các dự án điện mặt trời đến năm 2030 và đến năm 2045.

Việc chiếm dụng đất rất lớn của các dự án trang trại điện mặt trời sẽ kéo theo cần phải tiêu tốn nhiều chi phí đấu nối lưới điện, chi phí bảo trì các tấm pin định kỳ, chi phí xử lý kỹ thuật môi trường và rất nhiều chi phí khác liên quan. Do vậy dễ gây ra tình trạng sử dụng đất không hiệu quả nếu các dự án vận hành không ổn định.

Để trang trại điện mặt trời thực sự thân thiện với môi trường
Biểu đồ thể hiện việc chiếm dụng đất của các loại hình năng lượng - Nguồn: RealCleanenergy

Chủ đầu tư nói gì ?

Các tác động môi trường trong giai đoạn vận hành thường rất khó nhận biết, vì khi dự án bắt đầu vận hành mới có phát sinh. Do vậy, các giải pháp để giảm thiểu thực sự chưa được quan tâm. Tuy nhiên, nếu có các phát sinh thì các chủ đầu tư cũng luôn cố gắng để khắc phục.

Giải pháp nào cho điện mặt trời

Về các đề xuất chính sách: cần sử dụng vật liệu chống ăn mòn khi tiếp xúc nhiều với môi trường nước (nước ngọt, nước mặn); hoàn thiện cơ chế siết chặt khâu quản lý và xử lý pin năng lượng mặt trời hết thời hạn sử dụng trước khi đưa ra môi trường; nghiên cứu giải pháp tái sử dụng các tấm pin năng lượng mặt trời rác thải; xây dựng hướng dẫn kỹ thuật xử lý, tái chế pin năng lượng mặt trời rác thải.

Đối với công tác quản lý nhà nước: cần rà soát các dự án điện mặt trời đảm bảo đúng định hướng quy hoạch, quy mô và công suất để hạn chế tối đa việc phát triển tràn lan các dự án xây dựng điện mặt trời trái phép. Bên cạnh đó, khâu quản lý loại hình nông trại bên dưới kết hợp các tấm pin năng lượng mặt trời cũng cần được quan tâm.

Giải pháp kỹ thuật: Đối với các dự án điện mặt trời nổi, cần tiến hành phân tích độ sâu và địa mạo của các vùng nước cụ thể để nắm bắt các thành phần khác nhau về sự đa dạng sinh học trước khi lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời nổi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm