Ngày 8-8, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai cùng đoàn công tác đã kiểm tra công trình, hồ chứa nước Đông Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp tại hiện trường. Ảnh: VÕ TÙNG |
Báo cáo với đoàn công tác của Bộ NN&PTNT, ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, dự án hồ chứa nước Đông Thanh, huyện Lâm Hà được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư.
Mục đích xây dựng hồ chứa nhằm cung cấp nước tưới cho 700 ha đất canh tác cà phê, dâu tằm, hồ tiêu, tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho 7.500 dân cũng như cải tạo môi trường kết hợp nuôi trồng thủy sản và tạo cảnh quan môi trường phát triển du lịch.
Dự án hồ chứa này có tổng mức đầu tư lên đến gần 500 tỉ đồng. Ảnh: VÕ TÙNG |
Đến tháng 7-2023, tại khu vực sườn đồi vai phải đập xuất hiện một số vết nứt rộng 20-30 cm ngang qua khu vực sản xuất sinh sống của 3 hộ dân.
Các vết nứt phát triển rộng hơn từng ngày, có chỗ lên tới nửa mét. Vị trí sụt lún lớn nhất là 1.5m dẫn đến xô nghiêng, nứt tường nhà, sạt lở mái taluy, sụt lún trên phạm vi khoảng 5,38 ha.
Ông Phúc cho biết, trước tình hình sạt trượt, nứt gây nghiêm trọng, tỉnh chỉ đạo huyện Lâm Hà, xã Đông Thanh và chủ đầu tư công trình khẩn trương khắc phục hậu quả, di dời các hộ dân trong khu vực có nguy cơ sạt lở để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai.
Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Lâm Đồng và đơn vị thi công đã thực hiện được 11/15 mũi khoan để thăm dò để xác định được phạm vi của vũng trượt và sự dịch chuyển. “Ngay trong ngày 8-8 sẽ hoàn thành tiếp 4 mũi khoan thăm dò còn lại”, ông Phúc cho biết thêm.
Hồ chứa nước Đông Thanh nằm trên một khối trượt hiện hữu. Ảnh: VÕ TÙNG |
Sau khi kiểm tra thực địa, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhận định, tình trạng sụt lún ở hồ Đông Thanh không phải xuất phát từ nguyên nhân chính là mưa nhiều vì ở khu vực này, lượng mưa trong tháng 7 chỉ ở mức 200mm.
Ngôi nhà xây tiền tỉ của người dân bị đứt gãy, sụp đổ. Ảnh: VÕ TÙNG |
Theo ông Hiệp, nguyên nhân chính gây sạt trượt ở hồ Đông Thanh là do một khối trượt hiện hữu từ lâu và do một số tác động nên khối trượt này bắt đầu hoạt động, gây sạt lở.
Về giải pháp, ông Hiệp cho rằng việc đầu tiên cần làm chậm nhịp dịch chuyển của khối trượt bằng các biện pháp kĩ thuật. Muốn như vậy, tỉnh Lâm Đồng và các chuyên gia cần đánh giá hướng dịch chuyển cũng như phạm vi ảnh hưởng của khối trượt.
Trong khi đó, PGS.TS Lê Văn Hùng, nguyên giảng viên Đại học Thuỷ lợi nhận định, ở khu vực này nằm trên một khe tụ thuỷ, có dòng chảy rất lớn. Bình thường sẽ chảy xuống dưới, nhưng có thể đổi hướng chảy đúng vào khối trượt. Bên cạnh đó đất đỏ bazan khi bão hòa mà lại có dòng chảy ngầm dẫn đến nguy cơ sạt lở rất cao.
“Trượt sâu là do bên trên là đất, bên dưới là tầng đá rất sâu nên phạm vi ảnh hưởng của khối này là tương đối lớn”, PGS.TS Lê Văn Hùng nói thêm.
Vết gãy nứt cao hàng mét vẫn tiếp tục sụt lún. Ảnh: VÕ TÙNG |
Tại hiện trường, ghi nhận của PLO cho thấy do ảnh hưởng của việc thi công hồ chứa nước Đông Thanh, nhiều ngôi nhà của người dân được xây dựng hàng tỉ đồng bị sụt lún, đứt gãy tường và nền móng.
Ngoài ra, nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở khu vực này cũng sạt trượt. Mặc dù thời điểm đoàn công tác của Bộ NN&PTNT có mặt trời nắng ráo nhưng nước ngầm vẫn chảy ra từ các khe đất dẫn đến việc tiềm ẩn nhiều nguy cơ tiếp tục sạt trượt, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân ở khu vực này.