Nhiều ý kiến về đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng không được bảo lưu

(PLO)- Nhiều ý kiến đề nghị đóng bảo hiểm thất nghiệp theo nguyên tắc đóng – hưởng, nhưng cơ quan soạn thảo cho rằng quỹ này có tính chia sẻ rủi ro cao.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau khi tiếp thu ý kiến của các đơn vị, Bộ LĐ-TB&XH vừa trình Chính phủ dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi). Trong đó, cơ quan soạn thảo tiếp tục giữ quan điểm thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng sẽ không được bảo lưu để tính hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo.

Suốt thời gian mất việc vẫn được hưởng BHYT

Theo Luật Việc làm (sửa đổi), mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất trước khi thất nghiệp, nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng

Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để hưởng trợ cấp thất nghiệp là tổng các khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp cho đến khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Người đóng từ 12 tháng đến dưới 36 tháng sẽ hưởng ba tháng trợ cấp. Sau đó cứ thêm 12 tháng đóng thì cộng một tháng hưởng, tối đa không quá 12 tháng. Lao động đóng đủ 144 tháng, tức 12 năm đóng bảo hiểm thất nghiệp sẽ hưởng tối đa 12 tháng trợ cấp.

Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng sẽ không được bảo lưu để tính hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo.

Như vậy, người lao động có đi làm và đóng bảo hiểm thất nghiệp nhiều hơn 12 năm thì thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa mà họ có thể nhận được cũng chỉ được 12 tháng. Và nếu chưa từng nghỉ việc hưởng trợ cấp, họ cũng không được bảo lưu thời gian dôi dư.

Nhiều ý kiến cho rằng quy định đóng bảo hiểm thất nghiệp như hiện nay chưa đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng
Nhiều ý kiến cho rằng quy định đóng bảo hiểm thất nghiệp như hiện nay chưa đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng. Ảnh: P.PHONG

Đáng chú ý, dự luật lần này bổ sung quy định người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được hưởng chế độ BHYT theo quy định của pháp luật, bao gồm thời gian tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định. Cơ quan BHXH đóng BHYT cho người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Không cho bảo lưu là trái quy định đóng – hưởng

Ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, cho biết quy định như trên là trái với nguyên tắc đóng – hưởng của chế độ bảo hiểm. Bởi lẽ người lao động khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp đủ 144 tháng vẫn duy trì việc làm thì vẫn phải tiếp tục tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp vào hệ thống an sinh.

"Khi chấm dứt việc làm, người lao động chỉ được hưởng tối đa 12 tháng trợ cấp thất nghiệp, tương đương 144 tháng đã tham gia. Thời gian còn lại không được bảo lưu như vậy gây ảnh hưởng đến quyền lợi của họ"- Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam nêu.

Cùng quan điểm, đại diện Công ty Cổ phần viễn thông di động VietNam Mobile, cho biết quy định này nhằm mục đích khuyến khích người tiếp tục đi tìm việc làm sau khi hưởng trợ cấp thất nghiệp và đảm bảo an toàn cho Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, làm như vậy là cứng nhắc và chưa hợp lý, khiến người lao động thiệt thòi.

Lý do, dự luật quy định người lao động phải tiếp tục đóng bảo hiểm thất nghiệp ít nhất 12 tháng trong vòng 24 hoặc 36 tháng trước khi nghỉ việc thì mới được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tức quy định đã đảm bảo hai mục đích đó là an toàn cho quỹ và khuyến khích người lao động làm việc sau khi hưởng trợ cấp thất nghiệp.

“Chúng tôi đánh giá quy định như dự luật quá nặng nề về thu mà không chú trọng khuyến khích người lao động cảm thấy mình có lợi ích khi đóng bảo hiểm thất nghiệp. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định trên theo hướng cho người lao động được tính tiếp vào đợt hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp theo”- đại diện công ty đề nghị.

Về phía Bộ Tư pháp, cơ quan này nhận định quy định như dự luật chưa đảm bảo nguyên tắc đóng, hưởng - một trong những nguyên tắc cơ bản, cốt yếu của các chính sách bảo hiểm. Mặt khác, căn cứ, cơ sở khi xác định thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng không được bảo lưu để tính hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo chưa được làm rõ.

Vì vậy, đại diện Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ quy định trên, để đảm bảo quyền lợi của người lao động.

Còn theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, quy định như dự luật sẽ khiến người làm đủ 12 năm rồi nghỉ hưởng trợ cấp thất nghiệp, nghỉ đủ 12 tháng sẽ tạo ra nguy cơ rút BHXH 1 lần. Từ đó ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội, doanh nghiệp mất đi những người làm việc lâu năm, hoặc người lao động sẽ phối hợp với người sử dụng lao động trục lợi chính sách trợ cấp thất nghiệp.

Thêm vào đó, quy định này sẽ khiến người lao động có tâm lý không mặn mà quay lại quan hệ lao động chính thức.

Vì vậy, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động đề xuất sửa theo hướng nếu người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp thì không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Thay vào đó, chuyển khoản đóng này vào các chế độ khác để tăng quyền lợi cho người lao động khi nghỉ hưu.

Hoặc người lao động có có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng mà chưa có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp thì phần tham gia bảo hiểm thất nghiệp sau đó được tính là điều kiện cho phép người lao động được vay ưu đãi từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Ngoài ra, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cũng gợi ý cơ quan soạn thảo có thể thiết kế luật theo hướng tính toán cho phép người lao động được đóng và hưởng trợ cấp thất nghiệp đối với thời gian đóng trên 144 tháng.

Với các ý kiến trên, đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết bảo hiểm thất nghiệp là loại hình bảo hiểm ngắn hạn, tính chia sẻ rủi ro cao. Mặt khác, quy định không bảo lưu đối với thời gian đóng trên 144 tháng là kế thừa quy định hình hành của Luật Việc làm và đảm bảo cân đối Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp nên đề nghị giữ nguyên như dự luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm