Từ bao đời, cây rơm sân sau hay sân trước, bên hông nhà là đặc điểm của miền quê Việt Nam.
Cứ sau mỗi mùa gặt nghĩa là sau khi lúa đã được phơi phóng khô ngói đổ vào bồ thì xe rơm cũng được kéo về góc vườn.
Cây rơm bên hiên nhà ngoại ở Điện Bàn, Quảng Nam. Ảnh: NGUYỄN TÝ
Hôm sau thì bên hiên nhà đã có cây rơm được đánh lên cao, hai công lao động trong nửa ngày, người đứng trên kẻ dưới đất đã hoàn thành cho cây rơm cao lên đến ngọn.
Sau đó chỉ việc phủ cái áo mưa trên đầu ngọn rơm, cái áo mưa che ngọn nêu cây rơm. Cái áo mưa màu xanh thật nổi trên đầu cây rơm màu vàng rạ mới.
Tôi hỏi bác nông dân: “Sao nhà mình không đánh rơm?”.
Bác trả lời: “Rơm đâu mà đánh và đánh để làm gì, nhà không có nhu cầu đánh cây rơm”.
À thì ra nhà bên nuôi bò, việc đánh rơm để dành mùa đông khi đồng hết cỏ với miền Trung đầy nắng đầy gió và còn đầy cả... đất hoang thì đàn bò có cái để nhai.
Cây rơm ngoài đồng. Ảnh: Internet
Đất hoang hóa trở lại là có thật. Bởi công lao động sản xuất ra gạo giá thành quá thấp. Người nông dân bỏ ruộng hoang đi làm công nhật cho các khu du lịch đang mạnh lên ở chung quanh làng.
Nói chi xa, chỉ cách xa làng cỡ 10 km là đã có khu Bà Nà Hill hút công lao động “đông như... quân Nguyên”.
Ruộng bỏ hoang đã chuyển thành ruộng... cỏ. Người nông dân nhận ruộng rồi nuôi trồng cỏ, sau đó hoặc cung cấp cho các khu du lịch hoặc nuôi bò.
Người nuôi bò chỉ việc dắt mấy chú bò cột dây neo trên bãi cỏ nhà. Cả nhà đi làm công nhật khu du lịch, chiều về chỉ việc dắt bò vào chuồng.
Việc trồng lúa không còn là việc chính của nhà nông. Một vài gia đình luyến tiếc như một thói quen, nhất là những người già thì còn giữ nếp làm lúa hai mùa.
Lúa được làm theo kiểu thuê công máy, máy làm đất, rồi cũng máy gieo sạ, máy phun thuốc rồi đến ngày thu hoạch lại tiếp tục thuê máy gặt.
Lúa gục đầu ngoài đồng chỉ vì mãi đợi bác công nông... về gặt. Ảnh: LƯU BÌNH
Cả làng có vài đội đi gặt máy, họ chuyên nghiệp đến mức bao cả miền Trung. Đội gặt thuê từ Bình Định ra và họ bao dịch vụ cả làng với lịch gặt tuần tự ở nơi có lúa chín trước rồi đến nơi lúa chín sau.
Có nơi lúa trĩu vàng gục đầu trước ngõ chỉ vì mãi đợi đội gặt thuê đang quá tải đâu đó trong làng.
Bác nông dân kể, mảnh lúa con con đầu Hóc Hầm rộng khoảng 2 sào, công gặt 1 sào 150.000 đồng, gặt xong hai sào là 300.000 tiền công.
Cũng chừng đó nếu thuê lao động mất hai công hai ngày rồi cơm nước nửa buổi trưa, chiều... Vậy nên mới có chuyện lúa gục đầu ngoài đồng chỉ vì mãi đợi bác công nông.
Cái xe gặt công nông kiêm luôn xe chở lúa về. Bác nông dân chỉ việc ở nhà nhận lúa và phơi phóng cất vào bồ.
Ngày hôm sau cánh đồng sau gặt được đốt, lửa chạy men men theo từng đường gặt, cả cánh đồng ngập mù mịt trong khói.
Khói đốt đồng sau mùa gặt lúa. Ảnh: LƯU BÌNH
Không phải khói đốt đồng lơ thơ như trong trí nhớ của chúng ta mà là lửa cháy. Lửa cháy rợp từng đường rơm vừa gặt hôm qua, rơm không được thu hoạch mà là đốt.
Cánh đồng sau đốt rơm khô cháy đen thui nhìn buồn bã, tôi chắc lũ giun dế một phen kinh sợ.
Còn nữa, những chú châu chấu xanh xanh, những loại côn trùng hay nỉ non đêm đêm có còn không sau cuộc đại thanh trừng đất đai dữ dằn cũng là cung cấp dinh dưỡng cho đất tơi xốp chờ đợi cho mùa vụ sau.
Rồi mọi động vật từ giun dế, từ cóc nhái, từ chú chẫu chàng đến chàng hiu có còn đâu đó để bắt đầu lại cho ngày vụ mới.
Sáng nay đọc tin một người nông dân ngã chết trên đồng sau đợt đốt đồng, vì ngạt, hay vì bệnh tôi chạnh lòng thương xót.
Cây rơm là ký ức của mọi trẻ em miền quê. Cây rơm cũng là nơi quây quần vui đùa, chơi trốn tìm... Ảnh: NGUYỄN TÝ
Chợt nhớ cảnh đốt đồng mấy ngày nay sau mùa vụ, cả đồng quê ngập trong khói mà không phải khói để nhớ để thương như sợi khói lam chiều.
Tôi còn nhớ cây rơm bên hiên nhà ngoại hay cổng ngõ nhà quê nào cũng có nay có còn không bởi cái sự đốt đồng đã thành một quy trình trong trồng lúa.