Lãng phí chống ngập - Bài 2

Nhìn dân nâng nhà, thấy chống ngập… hoang mang!

Sau nhiều năm chờ đợi, đến nay dự án xây hồ ngầm chống ngập đầu tiên ở TP.HCM (dự kiến xây dựng tại Công viên Bàu Cát, quận Tân Bình) vẫn chưa thể khởi công. Sở GTVT TP.HCM cho rằng cần phải thực hiện quy hoạch hồ điều tiết phân tán chống ngập trước mới xác định được dự án hồ ngầm Bàu Cát có cần thiết phải thực hiện hay không. Đây cũng là câu chuyện điển hình về việc chống ngập kiểu “dự án chạy trước, quy hoạch theo sau”.

Quy hoạch ngăn triều: Chờ tiếp

Trước năm 2008, khi TP.HCM chưa thành lập Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP, công tác chống ngập của TP giống như mê trận, chỉ thực hiện theo dự án riêng lẻ, không hình dung được bài toán tổng thể về chống ngập triều và ngập do mưa. Vào thời điểm đó, khi quy hoạch thủy lợi chống ngập cho địa bàn TP.HCM (gọi tắt là Quy hoạch 1547) được Thủ tướng phê duyệt, nhiều ý kiến cho rằng khi thực hiện xong các dự án thuộc quy hoạch này thì TP.HCM sẽ hết ngập.

Đến nay đã tám năm trôi qua nhưng chỉ có một dự án thuộc Quy hoạch 1547 được thực hiện là dự án cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Hầu hết dự án còn lại vẫn còn nằm trên giấy. Theo Trung tâm Chống ngập, Quy hoạch 1547 chậm do gặp nhiều khó khăn. Trong đó nguyên nhân chính là để phát huy hiệu quả của quy hoạch này cần phải đầu tư xây dựng đồng bộ các công trình ngăn triều với tổng mức đầu tư quá lớn, ngân sách không thể bố trí vốn kịp thời được.

Trong bối cảnh đó, dự án chống ngập triều có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỉ đồng vừa được khởi công thực hiện được xem là biến thể của Quy hoạch 1547. Nhà đầu tư và Trung tâm Chống ngập TP cho rằng đến năm 2020 khi dự án này hoàn thành, vùng trung tâm TP với tổng diện tích hơn 570 km2 sẽ hết ngập.

Song theo TS Tô Vân Trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, không nên quá kỳ vọng vào dự án chống triều nói trên. “Dự án 10.000 tỉ đồng khi hoàn thành cũng chưa giải quyết được tình trạng ngập. Bởi lẽ ngập úng ở TP.HCM hiện nay là do nước bị tích tụ, không có hoặc thiếu hệ thống cống để đưa nước thoát ra kênh” - TS Trường phân tích.

Việc chống ngập lâu nay chưa hiệu quả do chỉ dựa vào quy hoạch chung. Ảnh: NGUYỄN TÂN

Nhiều nơi nâng đường chống ngập dẫn đến nhiều hệ lụy xấu cho người dân. Ảnh: KB

Quy hoạch thoát nước: Lạc hậu

Trong khi quy hoạch về chống ngập triều hiệu quả ra sao vẫn còn phải chờ vào dự án 10.000 tỉ đồng thì quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước đến năm 2020 cho TP.HCM (gọi tắt Quy hoạch 753) lại được đánh giá đã quá lạc hậu. Theo Trung tâm Chống ngập, Quy hoạch 752 hệ thống cống thiết kế theo quy chuẩn cho mưa có vũ lượng tối đa trong ba giờ là 95,91 mm, đỉnh triều là +1,32 m. Nhưng thực tế những năm qua có những trận mưa chỉ trong 60 phút đã đạt vũ lượng 100-122 mm và trong 90 phút vũ lượng vọt đến 202 mm và đỉnh triều có lúc đã đạt tới +1,68 m. “Các thông số thiết kế theo quy hoạch đã không còn phù hợp với thực tế. Điều này dẫn đến một số tuyến cống dù mới được đầu tư trong thời gian qua cũng đã trở nên quá tải” - Trung tâm Chống ngập nhìn nhận.

TS Tô Vân Trường cho rằng tình trạng ngập nước ở TP.HCM là do quy hoạch đô thị thiếu sự phối hợp đồng bộ, chưa thống nhất được cốt nền nên hàng ngàn dự án trên địa bàn TP “được làm theo quan điểm chủ quan về ngập lụt”, gây ra tình trạng đào lên, lấp xuống, tạo ra các “cung bậc” nền. Theo đó, các công trình nhấp nhô, điển hình là tình trạng nâng đường bắt nhà dân phải nâng theo. Chính cách chống ngập này gây tác động tiêu cực đến quá trình tiêu thoát nước.

Làm theo quy trình ngược

TS Trường lập luận: “Trong tiêu thoát nước, phân vùng theo mục tiêu nguyên nhân gây ngập mới là quan trọng nhất. Quan điểm chung của tiêu thoát nước là vùng cao tiêu cao, vùng thấp tiêu thấp, không để nước từ vùng cao chảy xuống vùng thấp. Vì thế, từ việc phân vùng mới xác định đâu là nguyên nhân chính gây ngập lụt để từ đó định hình được các giải pháp cơ bản nhất cho mỗi vùng”.

Đồng quan điểm, kỹ sư Lê Thành Công, người có nhiều kinh nghiệm về chống ngập, cũng cho rằng TP.HCM chống ngập dựa vào quy hoạch tổng thể là không ổn mà cần phải dựa vào quy hoạch chi tiết, theo vùng hoặc theo lưu vực. “Cũng giống quy hoạch đô thị. Có quy hoạch tổng thể nhưng cũng có quy hoạch chi tiết thì mới biết khu nào xây nhà, khu nào là công viên cây xanh… Nếu chống ngập mà không có quy hoạch cụ thể, toàn dựa vào quy hoạch chung thì khó đạt hiệu quả. Ví dụ như chuyện nâng đường chống ngập, do không dựa vào lưu vực mà dựa vào khung cao độ chung của toàn TP, đường nào cũng nâng theo chuẩn +2 m trở lên nên nhà dân biến thành hầm, thành hang. Đây là kiểu chống ngập rất lãng phí” - ông Công cho biết.

TS Tô Vân Trường phân tích thêm: “Lẽ ra phải thực hiện việc quy hoạch về cao độ nền và thoát nước mưa rồi mới chọn cốt xây dựng/cao độ xây dựng khống chế cho phù hợp. Thế nhưng tại TP.HCM, cốt xây dựng/cao độ xây dựng khống chế được chọn trước rồi quy hoạch về cao độ nền và thoát nước mưa phải thiết kế phù hợp theo. Đó là làm theo quy trình ngược. Nếu làm đúng thì người ta sẽ chọn cốt xây dựng khác nhau cho các vùng địa hình khác nhau và sẽ tránh được mâu thuẫn gây lãng phí”.

Nên dừng nâng đường, tránh lãng phí

Theo TS Tô Vân Trường, quy hoạch cốt nền không thể áp dụng máy móc theo nguyên tắc chỉ dựa trên lý thuyết cho toàn TP mà không nghiên cứu sâu hiện trạng để có những giải pháp phù hợp với toàn cục. Cần đối chiếu cập nhật thông tin từ quy hoạch xây dựng chi tiết tỉ lệ 1/2.000 của TP và tỉ lệ 1/500 của quận, huyện.

“Giải pháp nâng đường chỉ có tác dụng giảm ngập mặt đường, không có tác dụng giảm ngập cho nhà dân vì không tăng khả năng thoát nước. Trong điều kiện khó khăn về vốn hiện nay, nên tập trung vào làm cống thoát nước, chỗ nào khó khăn thì kết hợp bơm là giải pháp ngắn hạn hiệu quả nhất” - TS Trường đề xuất.

ThS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý tài nguyên nước và biến đổi khí hậu, cũng đề nghị TP.HCM nên mạnh dạn cho dừng thực hiện các dự án nâng đường để xem xét đầy đủ hơn về cách chống ngập này.

2.593 là số kilômet cống được xây mới, trong khi theo quy hoạch thoát nước mưa cần 6.000 km. Về quy hoạch chống ngập triều thì hiện chỉ hoàn thành 1/10 cống kiểm soát triều, xây được 64/129 km đê bao bờ hữu và 0,424/20 km đê bao bờ tả.

_________________

Số tới: TP.HCM sẽ ứng phó như thế nào trước tình trạng mưa lớn kéo dài ngày càng nhiều?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới