Nguyên nhân được đơn vị đề xuất (UBND quận Tân Bình) đưa ra thật khá bất ngờ: “Để kênh hở sẽ không ngăn được nạn xả rác, gây ô nhiễm”.
Với tư duy “lắp cống ngăn xả rác, ngăn ô nhiễm”, trong thời gian qua đã có không biết bao nhiêu dòng kênh, con rạch trên địa bàn TP.HCM bị xóa sổ. Và những dòng kênh, con rạch thoát nước tự nhiên ấy cũng nhanh chóng bị lãng quên trong niềm hân hoan “chỉnh trang đô thị”. Đến lúc mưa to, cống nghẹt, đường biến thành sông, nhà nhà tát nước, người ta mới hốt hoảng, giật mình, mới hỏi: Kênh rạch xưa đâu?
Mới đây, khi đi thị sát ở khu vực phía nam TP.HCM, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến nhiều tuyến rạch thoát nước tự nhiên bị lấp bít để lấy đất làm dự án, phát triển đô thị. Ông càng bất ngờ hơn khi chứng kiến nhiều tuyến đường bị ngập úng vì không có cống thoát nước. “Đã bỏ tiền làm đường cớ sao lại không làm luôn cống thoát nước?”, Phó Chủ tịch UBND TP đã đặt câu hỏi như thế với lãnh đạo các sở, ngành liên quan. Và như mọi khi, câu trả lời vẫn là do dân cư thưa thớt, đường thoát nước tự nhiên còn tốt nên không cần phải lắp cống.
Với tư duy như thế, trong thời gian qua đã có không biết bao nhiêu tuyến đường không có cống thoát nước đua nhau vươn mình, trải dài khắp chốn. Đến khi nhà cửa mọc lên, phố xá hình thành, mưa xuống đường biến thành sông, người ta mới hốt hoảng, giật mình, mới hỏi: Cống đâu? Và như thế, đã và sẽ có không biết bao nhiêu con đường sau khi hoàn thành phải đào xới lên lắp cống, chống ngập…
Sau những trận ngập lịch sử vừa qua, trò chuyện với một chuyên gia nhiều tâm huyết về chống ngập, tôi lại nghe ông thở dài. Ông nói rằng không phải “người ta” không biết chuyện kênh rạch tự nhiên thoát nước tốt hơn cống hộp, làm đường thì phải lắp cống, dự án lấp rạch thì phải thay bằng hồ điều tiết… mà vì lợi ích cục bộ nên ai cũng muốn giành phần lợi cho riêng mình. Ông gọi đó là những “tảng băng chìm” trong chống ngập.
Vì sao TP đã đầu tư hàng chục ngàn tỉ đồng nhưng tình trạng ngập lụt vẫn còn tái diễn, thậm chí ngày càng kinh khủng hơn? Theo Trung tâm Chống ngập TP, nguyên nhân là do mưa lớn vượt xa tần suất thiết kế hệ thống cống thoát nước, là do đường chưa có cống thoát nước, là do nạn lấn chiếm kênh rạch, là do người dân xả rác… Câu trả lời nghe có vẻ rất hợp lý nhưng sẽ không thỏa đáng nếu truy hỏi đến cùng: Vì sao các dự án chống ngập lại có quy chuẩn thiết kế quá lạc hậu so với lượng mưa thực tế? Vì sao làm đường lại không lắp cống? Ai để xảy ra nạn lấn chiếm kênh rạch tràn lan? Lắp cống thay kênh có ngăn được nạn xả rác không?…
Nếu những đơn vị liên quan vẫn còn nhắm đến lợi ích cục bộ cho riêng mình, chuyện chống ngập ở TP.HCM chẳng biết đến bao giờ mới kết thúc.