Nhìn lại kết quả một năm thực hiện cơ chế đặc thù cho TP Buôn Ma Thuột

Nhìn lại kết quả một năm thực hiện cơ chế đặc thù cho TP Buôn Ma Thuột

(PLO)- Sau một năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội áp dụng cơ chế đặc thù đã giúp TP Buôn Ma Thuột phát triển hơn trên nhiều lĩnh vực.

Nhân dịp năm mới xuân Giáp Thìn 2024, Pháp Luật TP.HCM đã có buổi trao đổi với ông Vũ Văn Hưng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), về kết quả thực hiện Nghị quyết số 72 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Buôn Ma Thuột.

TP Buôn Ma Thuột.jpg
Trung tâm TP Buôn Ma Thuột. Ảnh: VŨ LONG

Dự án nghìn tỉ được hưởng ưu đãi cơ chế đặc thù

. Phóng viên: TP Buôn Ma Thuột đang áp dụng cơ chế đặc thù triển khai một số dự án đô thị lớn (gọi là dự án nghìn tỉ đồng). Đến nay, TP đã triển khai như thế nào, thưa ông?

+ Ông Vũ Văn Hưng, Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk): Sau một năm triển khai thực hiện cơ chế đặc thù, được sự ủng hộ từ các cấp, các ngành của Trung ương, tỉnh và sự nỗ lực, đoàn kết của toàn hệ thống chính trị, TP Buôn Ma Thuột đã đạt được một số thành tựu nổi bật trên năm lĩnh vực.

Tháng 11-2023, TP đã có báo cáo trình UBND tỉnh Đắk Lắk xem xét trình Bộ KH-ĐT đề xuất thành hai dự án độc lập. Đó là dự án phát triển đô thị xanh khu vực phía Đông và dọc hành lang suối Ea Nao - Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột; có tổng mức đầu tư hơn 8.100 tỉ đồng và dự án phát triển đô thị bền vững TP Buôn Ma Thuột, có tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỉ đồng. Các dự án này dự kiến hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư từ năm 2023-2025 và triển khai thực hiện giai đoạn 2025-2030.

Khi triển khai các dự án sẽ hình thành một không gian mới, hình thành các khu đô thị khu trung tâm dịch vụ thương mại dọc hành lang suối trong lòng TP; tạo điều kiện cho TP Buôn Ma Thuột và tỉnh Đắk Lắk có nhiều điều kiện thực hiện được nhiều mục tiêu quan trọng.

Ông Vũ Văn Hưng Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột.jpg
Ông Vũ Văn Hưng, Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột. Ảnh: VŨ LONG

.Phóng viên: Hiện nay TP Buôn Ma Thuột đang phối hợp với các sở ngành liên quan thực hiện điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung, điều này được thực hiện ra sao?

Ông Vũ Văn Hưng: Hiện TP Buôn Ma Thuột đang tranh thủ nguồn lực được bổ sung tăng thêm từ 45% định mức chi thường xuyên theo tiêu chí dân số (số kinh phí tăng thêm hơn 336 tỉ đồng) cùng với nguồn lực của TP để đầu tư cơ sở vật chất cho ngành GD&ĐT, chuyển đổi số, đầu tư hạ tầng đô thị và quản lý nhà nước, triển khai thực hiện các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới nâng cao,...

Qua bước đầu triển khai, đã góp phần thúc đẩy đảm bảo vượt chỉ tiêu một số lĩnh vực được đề ra tại Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh – quốc phòng đầu năm 2023.

Hồi tháng 3-2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 07 quy định về thí điểm phân cấp thẩm quyền phê duyệt, trình tự, thủ tục phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung cho TP Buôn Ma Thuột.

Trên cơ sở đó, TP đã phối hợp cùng Sở Xây dựng Đắk Lắk và các đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh về danh mục dự kiến điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung TP Buôn Ma Thuột.

z4853201416899_ac8f7b3dfb79e1489b77f32e3ef79ead.jpg
Đường Võ Nguyên Giáp. Ảnh: VŨ LONG

Trong đó, ở nội thành có ba khu vực, tổng diện tích khoảng 356,2ha. Một khu vực ngoại thành tổng diện tích khoảng 405,0ha; khu vực hạ tầng kỹ thuật đầu mối khoảng 30 ha. Nhiệm vụ này đã và đang tiếp tục thực hiện, kết quả sau khi được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung sẽ đáp ứng kịp thời cho nhiệm vụ kêu gọi đầu tư và triển khai một số dự án quan trọng trên địa bàn.

Ngoài ra, không chỉ thực hiện công tác tuyên truyền trong tỉnh, TP Buôn Ma Thuột còn thực hiện kêu gọi, quảng bá đến các doanh nghiệp trên toàn quốc tiếp cận với những chính sách ưu đãi mà “cơ chế đặc thù” mang lại để tiếp cận các lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản; du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái; y tế, giáo dục và đào tạo (trừ các dự án được hưởng ưu đãi đầu tư theo các chính sách xã hội hóa); sản xuất các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, các sản phẩm phục vụ ngành công nghiệp năng lượng tái tạo; đầu tư kinh doanh trung tâm logistics, cảng cạn, kho hàng hóa…

Những cơ chế đặc biệt thu hút người tài

.Phóng viên: Trong Nghị quyết số 72 có quy định về chính sách ưu đãi, thu hút nhân tài. Đến nay, TP Buôn Ma Thuột đã thực hiện như thế nào?

+ Ông Vũ Văn Hưng: Tháng 12-2023, HĐND tỉnh Đắk Lắk đã thông qua Nghị quyết số 34 về quy định chính sách ưu đãi; tiêu chí xác định đối tượng chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt trong các lĩnh vực cần thu hút làm việc tại các cơ quan chuyên môn và đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc TP Buôn Ma Thuột.

Một căn nhà cổ tại Buôn Akô Dhông ở phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột.jpg
Du lịch cộng đồng là một thế mạnh của TP Buôn Ma Thuột. Ảnh: VŨ LONG

Với cơ sở pháp lý này, TP sẽ khẩn trương phối hợp cùng các sở ban ngành của tỉnh sớm triển khai kế hoạch thực hiện nhằm thu hút, tuyển chọn được nhiều nguồn nhân lực chất lượng cao cùng góp phần thực hiện cụ thể hóa thành công nhiệm vụ, mục tiêu được Bộ Chính trị đề ra tại Kết luận số 67 của Bộ Chính trị và Nghị số 72 của Quốc hội.

. Phóng viên: Ông đánh giá tổng quát như thế nào sau một năm thực hiện cơ chế đặc thù cho TP Buôn Ma Thuột ?

+ Ông Vũ Văn Hưng: Mặc dù mới chỉ một năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 72, nhưng với sự thống nhất, đoàn kết, nỗ lực và ủng hộ cao từ các ngành các cấp đã tạo điều kiện để TP bứt phá được nhiều thành quả đáng khích lệ trong năm 2023.

z5145880903022_0399a5a03ddfdbf3253afac1591b4008.jpg
Đường giao thông nông thôn mới ở xã Ea Kao. Ảnh: VŨ LONG

Trong các năm tiếp theo, TP sẽ tiếp tục tranh thủ, tận dụng và khai thác có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù được Quốc hội ban hành để hòa cùng nguồn lực phân cấp của tỉnh và nội lực của TP; phấn đấu tiếp tục duy trì, phát triển bền vững để xứng đáng với những nhiệm vụ, mục tiêu được Bộ Chính trị đề ra và sự kỳ vọng của Quốc hội, của Chính phủ, của tỉnh và toàn hệ thống chính quyền TP trong thực hiện xây dựng và phát triển TP Buôn Ma Thuột trở thành Trung tâm vùng Tây Nguyên.

Nhờ áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù, đã tạo điều kiện thuận lợi cho TP Buôn Ma Thuột thúc đẩy tăng trưởng một số lĩnh vực kinh tế trọng.

Trong đó, giá trị sản xuất bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 182 triệu đồng; giá trị sản xuất (giá so sánh 2010) ngành công nghiệp ước đạt 13.757 tỉ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 ước đạt 67.978 tỉ đồng, tăng 52,08% so với năm 2020 (năm 2020 đạt 46.015 tỉ đồng); Giá trị sản xuất nông lâm thủy sản (giá so sánh với năm 2010) ước đạt 2.862 tỉ đồng, bằng 108,53% so với năm 2020.

Hộ cận nghèo chiếm 0,55%/tổng số hộ dân; hoàn thành đưa vào sử dụng 12,71km đường đô thị, nâng tổng số đường giao thông đô thị lên 555,21km; đường giao thông liên thôn, trục chính thôn đã hoàn thành đưa vào sử dụng 9,6km, nâng tổng số đường giao thông nông thôn lên 347,07km, đạt tỷ lệ cứng hóa, bê tông hóa đạt 97,02%....

Đọc thêm