Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk: Cơ chế đặc thù là đòn bẩy để Buôn Ma Thuột phát triển

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk: Cơ chế đặc thù là đòn bẩy để Buôn Ma Thuột phát triển

(PLO)- Cơ chế đặc thù sẽ giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt trong phát triển TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

“Với năm nhóm cơ chế, chính sách đặc thù vừa được Quốc hội thông qua, kỳ vọng sẽ giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt trong phát triển nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, của vùng. Góp phần tạo thuận lợi cho TP Buôn Ma Thuột trong quá trình thu hút nguồn lực đầu tư; là động lực quan trọng để phát huy các tiềm năng, lợi thế, giúp TP Buôn Ma Thuột tạo được bước đột phá mạnh mẽ trong thời gian tới”.

Ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, nhấn mạnh như trên khi trả lời phỏng vấn báoPháp Luật TP.HCM xung quanh nghị quyết thí điểm về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Buôn Ma Thuột (gọi tắt là nghị quyết cơ chế đặc thù) vừa được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2023.

Nghị quyết về cơ chế đặc thù đang mở ra nhiều cơ hội phát triển cho TP Buôn Ma Thuột. Ảnh: VŨ LONG

Nghị quyết về cơ chế đặc thù đang mở ra nhiều cơ hội phát triển cho TP Buôn Ma Thuột. Ảnh: VŨ LONG

Rất nhiều việc phải làm để cụ thể hóa các nội dung cơ chế đặc thù

. Phóng viên: Ông đánh giá tác động của nghị quyết cơ chế đặc thù đối với tỉnh Đắk Lắk nói chung, TP Buôn Ma Thuột nói riêng thế nào?

+ Ông Phạm Ngọc Nghị: Cơ chế đặc thù sẽ là cơ sở để bổ sung thêm nguồn lực cho TP Buôn Ma Thuột trong phát triển; tạo điều kiện thu hút được các nhà đầu tư ở các lĩnh vực chế biến nông sản, nhất là cà phê để phát triển chế biến sâu, nâng cao giá trị nông sản. Qua đó, tạo nên giá trị gia tăng cho các loại nông sản của tỉnh Đắk Lắk nói riêng, khu vực Tây Nguyên nói chung.

Cùng với đó, TP Buôn Ma Thuột cũng sẽ quy tụ các nhà khoa học, đội ngũ trí thức, những tài năng đặc biệt về công tác tại TP, tạo nên những chuyển biến trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bên cạnh việc phát triển trong nội bộ TP Buôn Ma Thuột, nghị quyết còn là đòn bẩy để tỉnh phát triển nhanh và bền vững; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Qua đó, tạo sự lan tỏa vùng, miền, tạo động lực tăng trưởng mới.

Là cơ sở để TP Buôn Ma Thuột phát triển xứng đáng với vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên.

Ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: TTXVN

Ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: TTXVN

. Nghị quyết cơ chế đặc thù được đánh giá sẽ mở ra cơ hội phát triển rất lớn cho TP Buôn Ma Thuột trong năm năm tới và những giai đoạn tiếp theo. Tỉnh Đắk Lắk sẽ triển khai thực hiện nghị quyết này như thế nào để tận dụng tới đa cơ hội này, thưa ông?

+ Thời gian thí điểm thực hiện nghị quyết chỉ có năm năm. Do đó, tỉnh xác định sẽ vào cuộc khẩn trương, quyết liệt, phải có các biện pháp triển khai thực hiện ngay từ đầu để nghị quyết đi vào thực tiễn trong thời gian sớm nhất.

Các cơ chế, chính sách đặc thù mới là khung chính sách mang tính định hướng, dẫn dắt, đặt nền tảng, tạo dư địa nên đòi hỏi tỉnh và TP Buôn Ma Thuột phải nỗ lực mới có thể phát huy được hiệu quả và dư địa của chính sách.

Thứ nhất, ngay sau khi Quốc hội ban hành nghị quyết, tỉnh sẽ khẩn trương xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai nhằm cụ thể hóa các nội dung của nghị quyết thành các nhiệm vụ cụ thể của tỉnh.

Trong đó, làm rõ nội dung, trình tự các công việc, xác định trách nhiệm cụ thể của từng địa phương, đơn vị trong việc tham mưu triển khai, tổ chức thực hiện, bảo đảm khả thi, hiệu quả. Điều này cũng là căn cứ để kiểm tra, giám sát, đánh giá việc triển khai thực hiện nghị quyết.

Một khu đô thị đang được triển khai tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: VŨ LONG

Một khu đô thị đang được triển khai tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: VŨ LONG

Thứ hai, xây dựng phương án đảm bảo cơ chế liên kết, phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh và giữa các cơ quan quản lý nhà nước Trung ương và địa phương trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù.

Trong quá trình thực hiện, sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, báo cáo Quốc hội xem xét, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả của chính sách.

Thứ ba, khẩn trương triển khai các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của địa phương như: cơ chế phân cấp, phối hợp giữa TP Buôn Ma Thuột và tỉnh.

Cụ thể hóa chính sách về thu hút nhân tài, trình HĐND tỉnh ban hành quy định chính sách ưu đãi về đào tạo, bồi dưỡng, môi trường làm việc, trang thiết bị làm việc, quy hoạch, bổ nhiệm, tiền lương, chế độ phúc lợi, các chính sách khác với chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt.

Rà soát các dự án đề xuất vay vốn ODA, xây dựng kế hoạch vay và trả nợ hiệu quả, hợp lý để khai thác được dư địa của chính sách tăng mức dư nợ vay…

Lễ hội cà phê tại TP Buôn Ma Thuột năm 2019. Ảnh: KB

Lễ hội cà phê tại TP Buôn Ma Thuột năm 2019. Ảnh: KB

Tăng nhân lực cho TP Buôn Ma Thuột

. Các chủ trương, chính sách, chương trình hành động, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư hạ tầng của TP Buôn Ma Thuột sẽ được điều chỉnh ra sao để phù hợp với Nghị quyết mới, thưa ông?

+ Tỉnh Đắk Lắk sẽ rà soát, đánh giá những chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được xây dựng tại các văn bản đã được ban hành để xây dựng và trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết.

Đó là cơ chế phân cấp, phối hợp giữa TP Buôn Ma Thuột và tỉnh về phân bổ thêm 45% số chi theo định mức dân số của TP Buôn Ma Thuột sử dụng cho các nhiệm vụ chi phân cấp của TP.

Cụ thể hóa chính sách về thu hút nhân tài, trình HĐND tỉnh ban hành quy định chính sách ưu đãi về đào tạo, bồi dưỡng...

Rà soát các dự án đề xuất vay vốn ODA, xây dựng kế hoạch vay và trả nợ hiệu quả, hợp lý để khai thác được dư địa của chính sách tăng mức dư nợ vay.

HĐND tỉnh phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi phù hợp để TP Buôn Ma Thuột được hưởng và sử dụng toàn bộ phần được bổ sung tăng thêm để đầu tư các dự án quan trọng theo quy hoạch chung của TP…

Phía UBND tỉnh sẽ xây dựng chương trình hành động cụ thể, chi tiết kế hoạch dài hạn đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Kế hoạch chi tiết từng năm nhằm cụ thể hóa các nội dung của nghị quyết thành các nhiệm vụ cụ thể của tỉnh.

Hội nghị Xúc tiến Đầu tư về lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk được tổ chức vào tháng 4-2022. Ảnh: VŨ LONG

Hội nghị Xúc tiến Đầu tư về lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk được tổ chức vào tháng 4-2022. Ảnh: VŨ LONG

. Bộ máy hành chính, nhân lực của TP Buôn Ma Thuột sẽ được tăng cường, đổi mới như thế nào để đáp ứng với nhiệm vụ, nhu cầu phát triển mới?

+ Tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, củng cố, kiện toàn, đổi mới bộ máy hành chính của TP ngày càng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân.

Đối với nguồn nhân lực của TP sẽ xem xét tăng cả về số lượng công chức, viên chức gắn với cơ chế đặc thù ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt về làm việc tại TP trong các lĩnh vực quy hoạch, giáo dục, khoa học công nghệ.

Tỉnh sẽ tận dụng cơ chế để phát triển đội ngũ nguồn nhân lực ngày càng hồng và chuyên, có cách nhìn đổi mới tư duy thể hiện tầm nhìn chiến lược, để thực hiện được sứ mệnh của bộ máy hành chính nhà nước là dẫn dắt, định hướng, tạo điều kiện và thực hiện cho sự phát triển TP Buôn Ma Thuột thực sự là đô thị trung tâm và là cực tăng trưởng của vùng Tây Nguyên theo phương hướng tại kết luận của Bộ Chính trị.

. Trân trọng cảm ơn ông!

Xây dựng hình ảnh “Thành phố cà phê của thế giới

Khi thực hiện cơ chế và thực hiện các dự án giao thông kết nối, sẽ là điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư lớn vào TP Buôn Ma Thuột.

Từ đó sẽ tạo ra giá trị gia tăng cao cho các sản phẩm nông nghiệp của địa phương, nhất là cà phê và một số nông sản chủ lực của vùng Tây Nguyên, thuận lợi cho bảo quản, xuất khẩu nông sản, cũng như thu hút các dự án thuộc lĩnh vực mới về đầu tư trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột nói riêng và vùng Tây nguyên nói chung.

Cà phê là sản phẩm chủ lực của người nông dân ở Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: VŨ LONG

Cà phê là sản phẩm chủ lực của người nông dân ở Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: VŨ LONG

Qua đó, từng bước đầu tư, phát triển Buôn Ma Thuột thành trung tâm công nghiệp chế biến cà phê và nông sản của Tây Nguyên, thành trung tâm dịch vụ hàng đầu của Tây Nguyên, phát triển mạnh các loại hình dịch vụ, nhất là các dịch vụ liên quan đến cà phê; xây dựng hình ảnh “Thành phố cà phê của thế giới”.

Thực hiện tốt cơ chế cũng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động liên kết với các tỉnh Tây Nguyên, duyên hải miền Trung và khu vực tam giác phát triển Lào - Việt Nam - Cam-pu-chia thông qua các hình thức liên kết phát triển ngành, nhất là du lịch.

Ông PHẠM NGỌC NGHỊ, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk

Đọc thêm