'Nhìn ngành nuôi biển của Trung Quốc thấy sốt ruột'

(PLO)- Nuôi biển là một lựa chọn để phát triển kinh tế biển một cách bền vững, thân thiện môi trường. Tuy nhiên, cần đầu tư lớn vào khoa học, công nghệ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thành tựu ngành nuôi biển của nước láng giềng Trung Quốc đã được nêu ra tại hội nghị ngày 25-4 của Bộ NN&PTNT triển khai Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành NN&PTNT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Sốt ruột

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, cho biết hiện nay vấn đề liên kết trong ngành, trước hết là liên kết giữa các viện nghiên cứu vẫn còn rất kém, gần như chưa có sự phối hợp. Cùng đó, sự liên kết giữa các hiệp hội doanh nghiệp, liên kết giữa ngành nông nghiệp với các ngành kinh doanh khác cũng rất hạn chế.

Ông dẫn chứng: “Nhìn ngành nuôi biển của Trung Quốc thấy sốt ruột. Họ đóng những con tàu hàng chục nghìn tấn để nuôi cá biển, bào ngư... Chúng ta thì không có gì, không có một phương tiện nào”.

Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam khẳng định muốn nuôi biển xa bờ dứt khoát phải có phương tiện. Như thế ngành nông nghiệp cần liên kết với ngành đóng tàu để chế tạo, sản xuất ra những phương tiện, kỹ thuật phục vụ cho nuôi biển.

Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị triển khai “Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành NN&PTNT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Ảnh: CHÍ TUỆ

Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị triển khai “Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành NN&PTNT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Ảnh: CHÍ TUỆ

Cũng trong mạch góp ý, ông Dũng đề nghị “lấy thị trường nuôi thị trường” để hình thành các quỹ phát triển thủy sản. Cụ thể là lập các quỹ phi ngân sách tập trung, với nguồn lấy từ 0,5-1% vào giá xuất khẩu thủy sản.

Ông lấy ví dụ, với 10 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản thì mỗi năm sẽ có 100 triệu USD để các nhà khoa học nghiên cứu, ứng dụng vào phát triển ngành, trong đó có lĩnh vực nuôi biển.

Đề xuất trồng đậu tương và thức ăn chăn nuôi ở đồng bằng sông Hồng

Còn trên đồng ruộng, GS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam, cho rằng cần phát triển cho nền nông nghiệp Việt Nam theo định hướng nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ. Các đề tài nghiên cứu khoa học nên bám sát định hướng này.

Lấy ví dụ về phụ phẩm của ngành nông nghiệp có đến hàng trăm triệu tấn, các tổ chức nước ngoài đã tính toán giúp chỉ cần tái chế lượng phụ phẩm này thôi đã thu về 30 tỉ USD. “Thế nhưng ta cứ làm hùng hục mãi mới được 53,2 tỉ USD xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản” - ông Long nói.

Góp ý cụ thể, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam đề xuất Bộ NN&PTNT triển khai một đề tài quốc gia phát triển sữa đậu nành và thức ăn chăn nuôi ở khu vực đồng bằng sông Hồng.

Theo ông Long, hàng ngàn ha đồng ruộng ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng đang bị bỏ không, rất lãng phí. Tài nguyên đất này mà dùng để phát triển đậu tương, rồi trồng ngô sinh khối xen canh thì sẽ mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn, nhất là tạo thành vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Lắng nghe ý kiến từ các hội nghề nghiệp, nhà khoa học, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết một số kiến nghị, đề xuất đã được triển khai trên thực tế.

Chẳng hạn, 156,8 triệu tấn phế, phụ phẩm nông nghiệp thì đã bắt đầu được nghiên cứu, tái chế ra một số sản phẩm, thậm chí xuất khẩu sang Hàn Quốc. Thực tiễn này cũng với góp ý của các nhà khoa học sẽ tiếp tục được tổng hợp, hoàn thiện cơ chế, chính sách.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm