Nhiều công ty kinh doanh xăng dầu cho rằng liên bộ Công Thương - Tài chính cần nhìn thẳng vào thực tế thị trường để có giải pháp điều hành phù hợp, đặc biệt cần tính đúng, tính đủ chi phí giá xăng dầu.
Ngày 10-10, tại nhiều cửa hàng ở TP.HCM, người dân phải chờ đợi cả tiếng đồng hồ mới mua được xăng dầu. Ảnh: TÚ UYÊN |
Chính sách chậm thay đổi, không bắt kịp thực tế
Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong quý III-2022 sản lượng nhập khẩu xăng giảm 40%, nhập dầu DO giảm 35% so với quý II. Trong đó, chỉ có 19/33 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện nhập khẩu.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, cho rằng nếu lượng nhập khẩu xăng dầu cứ giảm như vậy thì sẽ ảnh hưởng ngay đến sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.
“Vấn đề này cần chấn chỉnh lại ngay. Vì kinh doanh xăng dầu là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Bộ Công Thương phải kiểm tra, giám sát các đầu mối để xem xét việc nhập khẩu xăng dầu về có đúng chỉ tiêu, kế hoạch mà bộ giao hay không. Nếu không đảm bảo thì cho doanh nghiệp đó nghỉ luôn, để doanh nghiệp khác vào làm” - ông Thịnh nhấn mạnh.
Cùng với đó, ông Thịnh cho rằng Bộ Công Thương và Bộ Tài chính phải thay đổi ngay chi phí định mức trong giá xăng dầu. Ông cho rằng không thể để chi phí định mức, vận chuyển, các chi phí khác trong tám năm nay không thay đổi. “Sự vào cuộc của các bộ trong giám sát, quản lý và thay đổi chính sách là chậm” - ông Thịnh nói.
Cần tính tới việc đa dạng hóa các nhà đầu tư vào lĩnh vực xăng dầu, kể cả nhà đầu tư tư nhân và có vốn đầu tư nước ngoài.
Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh cũng cho rằng khi chúng ta chưa tạo được một thị trường cạnh tranh hoàn hảo giữa các doanh nghiệp đầu mối, thì lại nảy sinh một vấn đề mới là gần như thiếu hoàn toàn việc cạnh tranh giữa các cây xăng bán lẻ. Điều đó khiến cho các cây xăng kêu ca về câu chuyện chiết khấu bởi họ không có lựa chọn nào khác. Tức là họ không thể chuyển việc lấy hàng từ doanh nghiệp đầu mối này sang doanh nghiệp đầu mối khác.
“Theo tôi, sự phụ thuộc này khiến cho thị trường không có sự cạnh tranh giữa các cây xăng bán lẻ với nhau. Do đó, bây giờ bất kể chúng ta có cơ chế giá kiểu gì đi chăng nữa thì cũng khó tạo ra cái gọi là giá thị trường được, thậm chí sẽ bị méo mó đi khi không có một thị trường cạnh tranh hoàn hảo” - ông Ánh cho hay.
Điều chỉnh lại chi phí xăng dầu nhưng…
Đại diện Bộ Công Thương cho biết liên bộ Công Thương - Tài chính vừa thống nhất điều chỉnh phụ phí cũng như chi phí đưa xăng dầu từ hai nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng để phản ánh vào giá cơ sở trong kỳ điều hành ngày 11-10. Qua đó tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Trao đổi với báo chí, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng quyết định trên dù ban hành hơi chậm, song sẽ giúp tháo gỡ một phần khó khăn cho doanh nghiệp xăng dầu hiện hay. Song Bộ Tài chính mới đây yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu phương án điều hành giá để việc điều chỉnh premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu đến cảng không tác động đến giá cơ sở xăng dầu.
“Đề nghị này của Bộ Tài chính giống như mở cửa trước nhưng lại… đóng cửa sau. Bởi không thể đồng ý tăng chi phí vận chuyển nhưng lại đề nghị không được tăng giá cơ sở. Đây là yêu cầu mâu thuẫn” - ông Phú nhận xét.
Thiết lập lại thị trường xăng dầu
Giải pháp cho các vấn đề nêu trên, theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, cơ quan quản lý nhà nước phải thiết lập lại thị trường xăng dầu, kể cả thị trường bán buôn. Đồng thời, trên cơ sở đó sẽ có một cơ chế giá phù hợp và gắn với đó là việc điều hành bình ổn giá thông qua các biện pháp như cắt giảm các khoản thu ngân sách hay thuế, phí… một cách chủ động và linh hoạt. Từ đó mới tạo ra sự đồng bộ về quản lý, điều hành.
Đặc biệt thị trường thiết lập mới này phải được đặt trên nền tảng là Việt Nam đã tự chủ sản xuất được 70% tới 75% lượng xăng dầu trong nước. Bởi hệ thống phân phối xăng dầu được thiết kế từ rất lâu, từ thời vẫn nhập khẩu xăng dầu hoàn toàn 100%, nên tính chất để can thiệp thị trường bây giờ đã rất khác.
“Bây giờ quyền lực của cơ quan quản lý nhà nước can thiệp vào thị trường xăng dầu tính chất đã khác nhiều. Nên tôi nghĩ điểm then chốt và quan trọng nhất đối với cơ quan quản lý nhà nước ở đây là Bộ Công Thương phải làm là thiết lập lại thị trường xăng dầu để đảm bảo tính cạnh tranh, đảm bảo quyền lực quản lý của nhà nước và cơ chế điều hành” - ông Ánh nói.
Trao đổi với báo chí, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cũng nhấn mạnh về lâu dài cần tính tới việc đa dạng hóa các nhà đầu tư vào lĩnh vực xăng dầu, kể cả nhà đầu tư tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Họ sẽ tự chịu trách nhiệm về giá cả xăng dầu đưa ra thị trường, có như thế mới có được một mức giá cạnh tranh cho người tiêu dùng.
“Đặc biệt, thay thế quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện nay bằng xây dựng kho dự trữ xăng dầu bằng hiện vật để đảm bảo bình ổn thị trường khi có biến động mạnh trên thế giới” - ông Phú nhấn mạnh.•
Cần giảm chi phí trung gian
Ngày 10-10, trao đổi với báo chí liên quan điều hành xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói: Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo nghị định của Chính phủ giao thì cơ quan quản lý nhà nước về xăng dầu là Bộ Công Thương. Bộ Tài chính có trách nhiệm trong việc ban hành chi phí định mức đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu và tham mưu cho Chính phủ để trình Quốc hội các khoản thuế, phí đối với xăng dầu.
Công tác quản lý doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối và cửa hàng bán lẻ thuộc về trách nhiệm của Bộ Công Thương. Do đó việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu, đảm bảo các chi phí trung gian, tiết giảm chi phí quản trị doanh nghiệp xăng dầu thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương và các doanh nghiệp. Bộ Tài chính đã tham mưu rất kịp thời, chính xác đối với các chính sách để phản ứng trước vấn đề tăng giá xăng dầu.
“Hiện nay, vấn đề đảm bảo nguồn cung xăng dầu, quản lý tốt các doanh nghiệp đầu mối là rất quan trọng. Vấn đề là làm thế nào để xây dựng bộ máy một cách linh hoạt, hiệu quả và giảm được các chi phí trung gian, cung cấp nguồn xăng dầu từ doanh nghiệp đầu mối xuống đến các cửa hàng bán lẻ một cách thuận lợi nhất” - bộ trưởng nói. CHÂN LUẬN