Như chúng tôi đã thông tin, ông Nguyễn Văn Chính (tên thường gọi là Chín Cần) đã từ trần hồi 16 giờ ngày 29-10-2016 (tức ngày 29-9 năm Bính Thân) tại BV Thống Nhất, TP.HCM, hưởng thọ 93 tuổi. Ông nguyên là bí thư Tỉnh ủy Long An; bộ trưởng Bộ Lương thực (nay là Bộ NN&PTNT); phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là phó thủ tướng Chính phủ) kiêm chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra Nhà nước (nay là Tổng Thanh tra Chính phủ); phó trưởng Ban thứ nhất Ban Tổ chức Trung ương. Tên ông đã gắn liền với sự kiện Long An xé rào đi đầu bù giá vào lương, cải tiến phân phối lưu thông hàng hóa đầu thập niên 1980, khai mào cho đổi mới. Để tỏ lòng thương nhớ ông,Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu bài viết của ông Nguyễn Thanh Long (76 tuổi, ngụ quận 10, TP.HCM) - nguyên là Trưởng ty Thương nghiệp tỉnh Long An, người đã cùng ông Chín Cần trực tiếp thực hiện chủ trương trên.
***
Lúc anh bệnh, tôi có đến thăm hai lần ở BV Thống Nhất và sau này khi anh bệnh nặng tôi cũng ghé thăm anh. Ngày 28-10-2016, tôi nghe tin anh trở bệnh phải thở ôxy. Tôi nghĩ, có lẽ anh được tiếp sức, thuốc đầy đủ sẽ qua cơn nguy kịch. Ngờ đâu anh đã ra đi.
Khi nghe tin anh mất, tôi bùi ngùi rơi nước mắt, suốt đêm trằn trọc không ngủ được. Biết rằng có sinh ra thì có tử nhưng sự mất đi của anh Chín Cần, nhân dân Long An và hàng vạn trái tim cả nước đang đau nhói thương tiếc anh.
Ông Nguyễn Thanh Long (bên trái) -nguyên Trưởng ty Thương nghiệp tỉnh Long An nhớ lại những kỷ niệm với ông Chín Cần.
Tôi biết anh lúc tôi về làm ở Tỉnh đoàn Long An. Có lần đi họp dân quân tỉnh ở rừng tràm Hựu Thạnh, anh đến vỗ vai và bắt tay tôi. Nhưng tôi không hân hạnh được làm việc cùng anh mà chỉ nghe nhiều người nói lại rằng anh là người lãnh đạo mẫu mực, thương yêu đồng chí và dìu dắt nâng đỡ cấp dưới được tiến bộ không ngừng. Những người có khuyết điểm, biết nhận lỗi, anh đều tha thứ và tạo mọi điều kiện tốt cho người đó tiến bộ.
Khoảng thời gian từ tháng 8-1978 và những năm sau đó tôi có điều kiện được anh dạy bảo với những lời lẽ thân tình giống như người anh dạy dỗ đứa em chứ không phải như người lãnh đạo nói chuyện với người lính.
Đến đầu tháng 4-1980, Tỉnh ủy Long An bổ nhiệm tôi làm trưởng Ty Thương nghiệp. Từ đây tôi có dịp gặp anh thường xuyên hơn. Nhiều lần họp Tỉnh ủy hoặc làm việc riêng, anh nói: “Ty Thương nghiệp nghiên cứu về phương thức hoạt động sao cho phù hợp với tình hình mua bán ở tỉnh, chớ làm theo kiểu bao cấp rất khó cho việc cân đối hàng tiền. Em đã đi học ở Cộng hòa dân chủ Đức, suy nghĩ mà vận dụng về công tác thương nghiệp ở tỉnh xem sao”.
Lúc này, ngân hàng đang khó khăn về tiền mặt để chi cho các công ty nhà nước đi mua hàng nông sản. Tôi suy nghĩ phải mạnh dạn thoát ra bao cấp thì ngành thương nghiệp mới nắm hàng hóa được vì anh Chín Cần đã gợi ý thì mình đã có lối ra.
Đến tháng 10-1980, anh Hồ Đắc Hy - Phó Ty Thương nghiệp đi học ngành thương nghiệp ở Đức về. Tôi trao đổi với anh Hy về ý kiến chỉ đạo của anh Chín Cần là ngành thương nghiệp phải kinh doanh như thế nào cho năng động và phải thuận mua vừa bán. Vậy nên tôi nói với anh Hy, chúng ta phải vạch ra phương án phân phối lưu thông để thoát khỏi bao cấp vì tôi và anh đã chứng kiến việc thương nghiệp ở nước Đức kinh doanh rồi. Tôi đến báo cáo với anh Ba Mới (Nguyễn Văn Mới - PV) - Chủ tịch UBND tỉnh Long An về nội dung nói trên. Anh Ba Mới nhất trí bảo tôi và anh Hy viết thành văn bản để báo cáo cho anh Chín Cần. Tôi phân công anh Hy viết đề án về phân phối lưu thông dựa trên chín mặt hàng thiết yếu phải chuyển qua một giá, gọi là bù giá vào lương, sát với giá thị trường.
Chúng tôi báo cáo và anh Chín Cần đã nhất trí. Anh Chín Cần triệu tập cuộc họp Tỉnh ủy bất thường để nghe phương án này và thảo luận để có sự nhất trí cao. Anh Chín Cần nói: “Ta nên gọi là phương án giá - lương - tiền. Tôi bí thư phất cờ, chủ tịch đánh trống, ngành thương nghiệp thực hiện”.
Sau đó, anh Chín Cần đi xin ý kiến bác Nguyễn Văn Linh, bác Trường Chinh, bác Phạm Văn Đồng và chú Võ Văn Kiệt, tất cả đều nhất trí và cho tỉnh Long An làm thí điểm về phương án phân phối lưu thông. Riêng tôi đi báo cáo chú Trần Văn Hiển - Bộ trưởng Bộ Nội thương và được đồng ý.
Phương án bắt đầu triển khai, ngày nào anh Chín Cần cũng gọi tôi đến Văn phòng Tỉnh ủy để báo cáo để anh có ý kiến chỉ đạo tiếp. Ngành thương nghiệp mua được nhiều hàng nông sản thực phẩm, chẳng những phục vụ cho tỉnh mà còn điều động về Trung ương vượt kế hoạch. Ngoài ra còn xuất khẩu được mặt hàng đậu xanh, cơm dừa. Còn người sản xuất mua được vật tư, nguyên liệu phục vụ cho sản xuất.
Ông Chín Cần (thứ 2 từ phải qua) và tập thể lãnh đạo Tỉnh ủy Long An trao đổi
về đề án “Đổi mới giá - lương - tiền”. Ảnh tư liệu của Tỉnh ủy Long An
Nhờ cơ chế một giá, Long An nắm được tiền, thu mua hết hàng nông sản. Nắm được hàng và tiền, làm chủ lưu thông góp phần vào sự kết nối giữa TP.HCM với các tỉnh đồng bằng sông Cửu long.
Ông Bộ trưởng Trần Văn Hiển và ông Thứ trưởng Vũ Lộ - Bộ Nội thương xuống làm việc với anh Chín Cần và Ty Thương nghiệp. Hai ông hoan nghênh việc đột phá của Long An về phân phối lưu thông và chấp nhận cho Long An làm thí điểm.
Anh Chín Cần chỉ đạo cho Ty Thương nghiệp chọn lọc thương lái mua gia súc và con em các hộ nhỏ bán hàng tiêu dùng thu vào làm nhân viên ngành thương nghiệp, chính sách về lương hợp lý cho những người có tay nghề. Từ đó, ngành thương nghiệp quản lý được nguồn hàng và ổn định giá cả một thời gian dài.
Đến nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI, trong văn kiện của Đại hội có nêu điển hình về phân phối lưu thông của Long An.
****
Anh Chín Cần đã ra đi nhưng anh đã để lại ấn tượng sâu đậm về tư duy và phong cách người lãnh đạo gần dân, lắng nghe ý kiến tập thể, quyết đoán trong phương pháp chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
Nhớ mãi thương anh. Vĩnh biệt anh.
NGUYỄN THANH LONG, nguyên là Trưởng Ty Thương nghiệp tỉnh Long An