Sau 25 năm bị cho là trốn truy nã, ông Lê Viết Ngọc (ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) bị công an bắt. Tuy nhiên, điều hy hữu là nhờ bị bắt mà ông Ngọc đã được minh oan, thoát khỏi thân phận bị can mà ông đeo mang suốt mấy mươi năm.
Theo hồ sơ, chuyện xảy ra vào 27 năm trước, tháng 10-1991, một ngôi nhà trên đường Phạm Văn Hai, quận Tân Bình, TP.HCM bị trộm đột nhập hai lần. Tài sản mất trộm là một chiếc xe máy và hai chiếc xe đạp. Sau đó hai đối tượng thực hiện hành vi trộm cắp đã mang hai xe đạp đến một quán cà phê ở phường 4, quận Phú Nhuận bán cho ông Ngọc với giá ba chỉ vàng. Xe máy thì hai đối tượng này nhờ một người khác bán giùm.
Sau khi điều tra, Cơ quan CSĐT Công an quận Tân Bình đã khởi tố vụ án trộm cắp tài sản và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Tháng 8-2013, xử phúc thẩm vụ án, TAND TP.HCM đã tuyên phạt tù hai bị cáo phạm tội trộm cắp và một bị cáo là người tiêu thụ chiếc xe máy là tài sản trộm cắp. Riêng ông Ngọc, trong quá trình điều tra, CQĐT Công an quận Tân Bình cho rằng ông bỏ trốn nên ra quyết định truy nã.
Đến tháng 3-2016, ông Ngọc bị bắt sau 25 năm bị phát lệnh truy nã, vụ án tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội được phục hồi điều tra. Tuy nhiên, quá trình lấy lời khai ông Ngọc cho rằng hoàn toàn bất ngờ về lệnh truy nã trong suốt nhiều năm. Ông trình bày rằng nhiều năm qua ông vẫn sinh sống, làm việc như một công dân bình thường. Khi có việc cần ông vẫn ra chính quyền nơi ông trú ký các loại giấy tờ. Đến ngày bầu cử ông vẫn đi thực hiện quyền cử tri của mình. Về hành vi phạm tội bị quy kết, ông Ngọc khẳng định không mua xe đạp trộm cắp của hai bị cáo như hồ sơ cáo buộc của các cơ quan tố tụng.
Vụ án có nhân chứng có lời khai cho rằng đã môi giới cho hai bị cáo bán xe đạp cho ông Ngọc lại không nhận dạng được mặt ông Ngọc. Hai bị cáo bị lãnh án về tội trộm cắp tài sản thì sau khi chấp hành xong hình phạt tù đã không còn ở địa phương. Ngoài ra, hồ sơ thể hiện hai chiếc xe đạp là vật chứng của vụ án không thu hồi được.
Ngoài lời khai của người môi giới bán xe thì không còn chứng cứ nào khác để chứng minh hành vi phạm tội của ông Ngọc. Từ đó CQĐT và VKSND quận Tân Bình đã thống nhất đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can. Tháng 5-2016, Công an quận Tân Bình đã căn cứ khoản 1 Điều 25 BLHS cũ để đình chỉ đối với ông Ngọc (với lý do vì chuyển biến của tình hình mà hành vi của ông không còn nguy hiểm nữa).
Sau đó, VKSND TP.HCM khi kiểm sát hồ sơ đã phát hiện ra rằng căn cứ đình chỉ như vậy là không đúng. Theo VKSND TP, phải đình chỉ với lý do xác định ông Ngọc bị oan vì không thực hiện hành vi phạm tội. Từ đó tháng 10-2016, VKSND TP.HCM đã yêu cầu VKSND quận Tân Bình thay đổi căn cứ đình chỉ cho đúng quy định pháp luật.
Cuối cùng, đầu năm 2017, ông Ngọc chính thức được minh oan do CQĐT đã căn cứ khoản 2 Điều 107 BLTTHS (cũ) để đình chỉ điều tra bị can đối với ông với lý do hành vi không cấu thành tội phạm.
Chưa yêu cầu bồi thường oan VKSND TP.HCM cho biết khi kiểm sát hồ sơ vụ án đã phát hiện căn cứ đình chỉ đối với ông Ngọc không đúng. Vì thế cơ quan này đã yêu cầu viện trưởng VKSND quận Tân Bình hủy bỏ quyết định cũ, ban hành quyết định mới. Đến nay ông Ngọc chưa có yêu cầu bồi thường nên VKS chưa thể tiến hành các bước giải quyết bồi thường oan theo quy định. Theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 thì ông Ngọc thuộc trường hợp được bồi thường oan trong hoạt động tố tụng hình sự, thời hiệu yêu cầu bồi thường là ba năm kể từ ngày nhận được quyết định minh định ông bị oan. Tuy nhiên, hiện chưa rõ ông Ngọc đang cư trú ở đâu. |